Khi nghe tin dự báo bão người dân ven biển Tam Thanh, TP Tam Kỳ, Quảng Nam dùng ống dẫn nước ao tôm bơm nước chằng quanh mái nhà - Ảnh: LÊ TRUNG
Trưa 14-10, Thừa Thiên Huế đã sớm có thông báo cho học sinh nghỉ học, vùng thấp trũng nghỉ từ chiều 14.
Nhiều nơi ở các tỉnh lân cận đã cho học trò nghỉ trong chiều 14-10, khi nước chưa ngập tới. Thông tin từ đô thị Đà Nẵng lại khác, chiều muộn 14-10 người lớn, trẻ em vẫn đi về bình thường và nhiều người không thể về nhà mình.
Đọc báo Tuổi Trẻ ngày 13-10, tôi đã thấy hình ảnh bà con huyện Sơn Hòa, Phú Yên hối hả kê dọn, chuẩn bị sẵn sàng chạy lũ khi mưa còn chưa tới. Họ khiêng cả những cuộn rơm cất lên cao phòng khi nước tràn qua rồi sau đó bò không bị đói. Đây là nơi từng hứng chịu hậu quả khủng khiếp từ nước lụt vào năm ngoái.
Giờ nghe dự báo từ ngày 14 đến 16-10 có mưa rất to, đến 500-600mm, ngày 13-10 đã hối hả cùng nhau kê dọn. Phải chăng khi đã nếm trải thiệt hại rồi người ra biết sợ nước dâng và cẩn trọng hơn. Ngược lại vẫn thấy sự chủ quan ở các đô thị.
Thương cho những tổn thất, mất mát sau trận ngập và không khỏi buồn vì thấy đây đó đã có những lựa chọn do chủ quan trước dự báo mưa rất lớn. Nào phải cơn mưa chỉ trút xuống một hai giờ! Dự báo mưa sẽ kéo dài hai ngày, cần cân nhắc đúng mức để có những ứng phó kịp thời.
Nhiều người đã có ý trách những cảnh báo trận mưa này không đủ dày đặc, không đủ thúc đẩy người dân chủ động phòng tránh. Nói cho công bằng, trước hết mỗi người, mỗi gia đình cần có trách nhiệm với chính sinh mệnh, tài sản của mình. Đổ lỗi cho bên có trách nhiệm dự báo hoặc trách chính quyền chi bằng tự chủ động hơn trước thời tiết ngày càng cực đoan.
Nhiều người vẫn hay nói "ông dự báo thời tiết chỉ có nói quá, trời nắng đẹp thế kia mà bão to cái gì" rồi họ thủng thẳng đi uống cà phê, "góp ý" với những người đang hối hả chằng chống nhà cửa. Nhưng rồi chính họ là người kêu cứu, góp phần khiến các đội cứu hộ thêm vất vả trong lúc mưa to gió lớn.
Họ luôn muốn cảnh báo phải xác thực từng giây từng phút, chệch một chút sẽ cự nự phê bình trên bàn cà phê sáng và cả trên mạng nữa. Cách này dù ít dù nhiều cũng góp thêm cho tâm lý chủ quan trước cảnh báo.
Ngập lụt bây giờ không còn là đặc sản của vùng trũng. Các đô thị từ ven biển đến cao nguyên, từ Đà Lạt, Nha Trang, Sa Pa đến Tam Đảo, Hà Nội, Cần Thơ, Vĩnh Long, Sài Gòn, Đà Nẵng... nơi nơi đều đã trải qua ngập sau mưa.
Lũ quét, lũ ống không chỉ riêng ở vùng cao, miền núi nữa; mà một con hẻm nhỏ, một đường phố lớn, chỉ cần có một độ dốc thoai thoải cùng lượng nước lớn kèm mưa và gió thì cũng đủ sức cuốn phăng mọi thứ từ người đến xe cộ!
Công tác cảnh báo thiên tai giờ không chỉ dừng lại ở bão, áp thấp mà còn phải bao gồm cả lượng mưa, nguy cơ và thông tin xả lũ, đồng thời cả tình trạng ngập đô thị. Điều này đòi hỏi các cơ quan khí tượng thủy văn phải làm việc hiệu quả hơn, không chỉ kênh chính thống như truyền hình.
Các cơn mưa đã thật sự đáng sợ. Không bão nhưng nước lũ, lụt đã gây chết người, cuốn mất cả gia tài. Cẩn trọng hơn và có giải pháp an toàn trước những cảnh báo để giảm thiểu thiệt hại vì "bà thủy" là việc không nấn ná, chần chừ.
Đối mặt với đại hồng thủy
Cùng với chuyện ở Đà Nẵng, Melbourne (Úc) cũng hứng đợt mưa kinh hoàng dẫn đến trận lụt đô thị lớn nhất trong 100 năm.
Cùng cảnh ngộ nước lên nhanh không trở tay kịp, mưa quá lớn trong nhiều giờ liên tục, hệ thống thoát nước đô thị không thể tiêu thoát kịp. Những cơn mưa như vậy sẽ còn diễn ra và có thể sẽ to hơn.
Trận mưa lớn nhất trong 115 năm qua ở Seoul với tổng lượng mưa khoảng 470mm. Trận mưa ở Đà Nẵng vừa rồi trong sáu tiếng đồng hồ đã hơn mức này (565mm), gặp triều cường thì nước khó thoát hơn.
Thay vì đổ lỗi nên chuẩn bị tinh thần phòng tránh thiệt hại cao nhất, lắng nghe cảnh báo kỹ hơn vậy.
Thiệt hại từ nước ngập mới thật khủng khiếp
* Đà Nẵng ngập. Chúng tôi đọc thấy khắp nơi những câu bình luận chê bai, trách cứ chuyện quy hoạch và dự báo. Những bình luận kiểu này đáng buồn lại được rất nhiều sự đồng tình.
Phải ghi nhận một điều là dù ngập nước, có thiệt hại nặng nề, nhưng mưa vừa ngớt thì hầu hết thành phố khô ráo trở lại như chưa có gì xảy ra.
Tôi nói nhận định một điều, nếu không phải Đà Nẵng, trận mưa vừa rồi rơi vào thành phố lớn khác thì có khi còn tệ hơn, cho nên trách quy hoạch hay chê việc thoát nước của thành phố này là chưa đúng. (Bạn đọc Nguyễn Việt Trung).
* Dự báo mưa đến 600mm, mưa tầm 300mm là đã ngập mênh mông rồi. Bão thì năm nào cũng có vài lần, nhưng lần này Đà Nẵng ít chủ động. Áp thấp nhiệt đới hoặc hoàn lưu sau bão thì mới mưa rất nhiều.
Bà con mình chủ quan nghĩ cơn bão Noru vừa rồi mạnh như thế cũng không gây ngập nặng cho Đà Nẵng nên thiệt hại quá. (Đức Hùng, Lê Hồng Nam).
* Tôi ở khu vực không phải là thấp, không gần sông ở Đà Nẵng nhưng nước lên rất nhanh, ngập hết đồ đạc, xe cộ. Người ở Đà Nẵng bị bất ngờ nên thiệt hại chắc sẽ rất lớn. Bão gió không gây thiệt hại nhiều nhưng nước ngập thì thiệt hại khủng khiếp.
TUỔI TRẺ
TTO - Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Phú Yên giải thích lý do đề xuất Bộ Giao thông vận tải và UBND tỉnh Phú Yên công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai gây ảnh hưởng đến kết cấu giao thông dù hậu quả mưa lụt ở tỉnh này chưa quá nghiêm trọng.
Xem thêm: mth.14410203271012202-iat-neiht-oab-hnac-court-nauq-uhc-gnud/nv.ertiout