Ngày 18-10, ghi nhận của PLO tại một số quận Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình…nhiều cửa hàng xăng đã mở cửa hoạt động trở lại.
Tuy nhiên, dù mở cửa bán bình thường nhưng có một số cửa hàng vẫn chỉ bán giới hạn 30.000-50.000 đồng/xe máy. Nhân viên cây xăng cho biết do không có nhiều hàng.
Cửa hàng xăng Quốc lộ 1A, quận Bình Tân bán 30.000 đồng/xe máy ngày 18-10. Ảnh: TÚ UYÊN |
Ông M, chủ hệ thống cửa hàng xăng dầu (Bình Chánh) là đại lý bán lẻ của một DN đầu mối nhà nước cho biết, hiện nay việc đặt hàng không khó khăn. Tuy nhiên, trước đây DN đầu mối duyệt sản lượng cho đại lý thoải mái nhưng từ đầu năm nay họ phân chia sản lượng theo ba chu kỳ từ 1-10, 11-21 và từ 21-30 hoặc 31.
Do đó, có những thời điểm nhu cầu thị trường tăng cao mà phân chia sản lượng như trên cửa hàng không kịp đáp ứng nên xảy ra thiếu cục bộ. Bên cạnh đó, mức hoa hồng rất thấp khi chỉ quanh mức 200 đồng/lít xăng, 300 đồng/lít dầu nên cửa hàng xăng dầu đều lỗ.
“Trung bình hệ thống chúng tôi đưa ra thị trường khoảng 500.000 lít xăng. Với mức hoa hồng trên, mỗi lít xăng bán ra cửa hàng lỗ trung bình 500 đồng, vị chi lỗ 250 triệu đồng/tháng. Tình hình lỗ này đã kéo dài từ tháng 10 năm ngoái đến nay.
Do đó, hiện tại dù nguồn hàng không khó khăn nhưng gần đây các cửa hàng của chúng tôi cũng chỉ bán 50.000 đồng/khách để giảm bớt lỗ” – ông M nói.
Cửa hàng xăng trên Quốc lộ 1A, quận Bình Tân bán giới hạn 30.000 đồng/xe máy. Ảnh: TÚ UYÊN |
Ông K, chủ hệ thống xăng dầu Bến Tre cho biết, trước khi xăng dầu điều chỉnh giá đến ngày 15-10 cửa hàng mới nhập được 2.000 lít xăng. Cửa hàng bán được hai ngày thì đến nay mặt hàng xăng bị đứt hàng.
Sau khi xăng tăng giá 500 đồng thì hoa hồng cho cửa hàng bán lẻ đối với mặt hàng xăng, dầu chỉ 0 đồng. Hiện nay, cửa hàng nhập xăng bằng giá bán lẻ cho người tiêu dùng 22.000 đồng/lít. Trong khi đó, cửa hàng bỏ tiền vận chuyển, chi phí nhân viên… tính ra trung bình lỗ 500-800 đồng/lít, chưa kể các chi phí khác.
“Sáng nay nhiều khách phàn nàn sao hết xăng hoài mà không nhập về bán. Chúng tôi không biết giải thích sao chỉ mong khách thông cảm” - ông K kể.
Theo ông K, một số cửa hàng ở địa phương cũng bán giới hạn 30.000 đồng để nhiều khách hàng cùng mua được xăng.
“Cây xăng chúng tôi vẫn đổ đầy bình khi nào bồn hết xăng thì nghỉ vì có nhiều khách quen, nếu bán 30.000 đồng họ không đủ đi xa hoặc sẽ bị phàn nàn… mất khách.
Song song đó, mấy ngày gần đây có nhiều trường hợp xe hết xăng khách hàng dẫn bộ đến cửa hàng, chúng tôi phải lấy xăng mẫu ra cho một ít để khách chạy tìm đổ ở cửa hàng khác” – ông K kể.
Theo Sở Công Thương TP.HCM, tính đến ngày 17-10 trên địa bàn thành phố có 440 cửa hàng xăng dầu hoạt động bình thường. 4 cửa hàng tạm dừng hoạt động, 33 cửa hàng bị gián đoạn nguồn cung.
Cập nhật ngày 13-10 của sở này trên địa bàn thành phố có 480 cửa hàng xăng dầu hoạt động bình thường, 64 cửa hàng gián đoạn nguồn cung; ba cửa hàng tạm dừng hoạt động.
Trước đó, ngày 9-10 số liệu của sở này cho thấy thành phố có 547 cửa hàng bán lẻ xăng dầu hoạt động bình thường, trong đó 58 cửa hàng tạm hết mặt hàng xăng.
Mới đây tại buổi làm việc cùng lãnh đạo Bộ Công Thương về tình hình cung ứng xăng dầu, lãnh đạo Sở Công Thương TP.HCM cho biết, hiện nay thành phố có 550 cửa hàng bán lẻ xăng dầu nhưng thực tế hoạt động chỉ có 540 cửa hàng, 15 DN đầu mối, 60 thương nhân phân phối.
Khối tư nhân tham gia vào hệ thống phân phối rất lớn và chỉ tham gia theo từng khâu, không giống như mô hình của Petrolimex, Saigon Petro.