Nhân viên y tế chụp PET/CT cho bệnh nhân tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN
Bệnh viện tự chủ nhưng tự chủ đến đâu là vấn đề được đặt ra.
"Càng làm càng thâm hụt"
Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) là một trong bốn bệnh viện thí điểm tự chủ toàn diện. Thạc sĩ Tôn Văn Tài - trưởng đơn vị đấu thầu, Bệnh viện Chợ Rẫy - cho biết bệnh viện thực hiện tự chủ theo nhiều giai đoạn, trong đó hiện bệnh viện tự chủ theo nghị định 60 nhóm II, là tự đảm bảo chi thường xuyên, còn đầu tư thiết bị, xây dựng cơ bản... do Nhà nước đầu tư.
Tuy nhiên, có nhiều vấn đề còn tồn tại trong quá trình tự chủ như giá dịch vụ khám chữa bệnh mới chỉ tính 4/7 yếu tố. Ba yếu tố chưa được tính vào giá gồm khấu hao tài sản, chi phí bộ phận gián tiếp để vận hành bệnh viện, chi phí đào tạo bồi dưỡng chuyển giao công nghệ.
Chính điều này dẫn đến bệnh viện không có nguồn thu để tái đầu tư, người bệnh không được tiếp cận với các thiết bị tiên tiến. Ngoài ra, bệnh viện còn phải tự cân đối tiền công, tiền lương và các chi phí hợp pháp để chi trả cho bộ phận gián tiếp, làm hạn chế cơ hội phát triển các kỹ thuật mới và đào tạo nâng cao tay nghề của nhân viên y tế.
Để cân đối không vượt tổng mức thanh toán, các bác sĩ bệnh viện phải gánh thêm nhiều nhiệm vụ khác như: chọn thuốc trong - ngoài danh mục bảo hiểm chi trả, kỹ thuật cao, thuốc thanh toán theo tỉ lệ... để cân đối chi phí điều trị cho người bệnh, điều này ảnh hưởng đến chất lượng điều trị cho bệnh nhân.
Bà Nguyễn Nhật Hải - trưởng phòng tài chính kế toán Bệnh viện Chợ Rẫy - cho biết: "Cơ cấu viện phí không tính khấu hao thiết bị, bệnh viện tự chủ từ năm 2009 đến nay các đời máy đều đã cũ, bắt buộc phải dùng máy mượn, máy đặt, chờ đến khi xây dựng đầy đủ các mẫu giá thì mới có thể bỏ hình thức đặt, mượn, còn bây giờ nếu không mượn thì toàn bộ bệnh viện đóng cửa".
"Bệnh viện mong muốn thành phố cấp bù 91 tỉ đồng, hỗ trợ 158 tỉ đồng để bảo trì hệ thống kỹ thuật, trang thiết bị y tế, nhằm duy trì hoạt động cơ sở tuyến cuối trong khám chữa bệnh ung bướu của thành phố cũng như khu vực phía Nam, không ảnh hưởng tới bệnh nhân", ông Phạm Xuân Dũng, giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, nói.
Ông Trần Văn Khanh - giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức) - cho rằng do giá khám chữa bệnh chưa được tính đúng tính đủ, bệnh viện càng làm càng thâm hụt mà không có nguồn để tái đầu tư cơ sở vật chất. Máy móc, thiết bị ngày càng lạc hậu, không có nguồn để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Thuốc bệnh viện mua vào bao nhiêu thu từ bệnh nhân bấy nhiêu, trong khi chi phí mua sắm, kho lưu trữ đạt chuẩn, công đóng gói, phân phối... đều không thu phí, chưa kể thuốc lưu trữ trong kho cũng hao hụt, hết hạn.
Bệnh nhân được tiêm thuốc phóng xạ tại Bệnh viện Ung bướu (quận Bình Thạnh, TP.HCM) - Ảnh: DUYÊN PHAN
Thu nhập 8-11 triệu đồng, lo mất nguồn nhân lực
Ông Phạm Xuân Dũng cho biết sau chín năm tự chủ tài chính, năm 2021 Bệnh viện Ung bướu TP.HCM âm 91 tỉ đồng, bảo hiểm y tế "treo" thêm 38 tỉ đồng. Nguồn thu giảm sâu trong giai đoạn dịch COVID-19 nên từ đầu năm đến nay, bệnh viện không đủ tiền trả thu nhập tăng thêm cho nhân viên cũng như sửa chữa, bảo trì máy móc, tái đầu tư thiết bị y tế.
Năm ngoái, bệnh viện không có nguồn để thưởng Tết, phải cân đối tất cả các nguồn khác để thưởng đều mỗi người 7,5 triệu đồng từ giám đốc cho đến hộ lý, điều dưỡng... Thu nhập bình quân nhân viên y tế bệnh viện 8,8 triệu đồng/tháng là dùng tiền tích lũy trước đây để chi.
Tương tự, báo cáo sau hai năm tự chủ toàn diện tại Bệnh viện Bạch Mai cho thấy thu nhập của y bác sĩ đã giảm mạnh so với trước do nguồn thu giảm. Cụ thể năm 2020 nguồn thu bệnh viện giảm 1.000 tỉ đồng so với 2019 (tương đương 23%), 2021 giảm tiếp 1.700 tỉ đồng so với 2020, dẫn đến chênh lệch thu chi của bệnh viện âm 260 tỉ đồng.
Do nguồn thu giảm, tổng lương và thu nhập tăng thêm của người lao động năm 2021 là 9,8 triệu đồng/tháng. Năm 2022 bệnh viện trở lại trạng thái hoạt động bình thường, bệnh nhân gia tăng, thường xuyên có 4.000 người điều trị nội trú, 6.000-8.000 người khám ngoại trú/ngày, nhưng thu nhập bình quân chỉ 11,6 triệu đồng/người/tháng, thấp hơn rất nhiều so với mức lương mà các bệnh viện tư chi trả. Từ giữa 2020 đến nay đã có hơn 200 nhân viên Bạch Mai nghỉ, chuyển việc, trong đó có cả thầy thuốc đầu ngành, trụ cột.
Nhưng quan trọng hơn nữa là không có nguồn thu thì bệnh viện tự chủ không có thiết bị và không thể cải tạo cơ sở vật chất. Ông Đào Xuân Cơ, giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, lo lắng khi không có nguồn để duy tu tòa nhà xây dựng bằng vốn ODA Nhật Bản (xây cách đây 22 năm, hiện đã xuống cấp). Chưa kể nhiều tòa nhà của bệnh viện có tuổi đời gần trăm năm và hệ thống cấp - thoát nước dày đặc từ thời nhà thương Cống Vọng (tiền thân của Bạch Mai) cách đây cả trăm năm, khi hỏng hóc sửa chữa hết sức khó khăn.
Tại Bệnh viện K, khó khăn nhất hiện là thiếu thiết bị y tế. "Chúng tôi đang thiếu khoảng 10 máy xạ trị, trước bệnh viện có chín máy nhưng bốn máy đã hỏng, năm máy còn lại sử dụng 23/24 giờ/ngày, bệnh nhân phải đi xạ trị cả ban đêm. Mỗi máy xạ trị giá 120 tỉ đồng, rất cao so với khả năng của bệnh viện. Chúng tôi cũng đang thiếu máy chụp cắt lớp, MRI và nhiều thiết bị" - một đại diện bệnh viện chia sẻ.
Tự chủ đến đâu?
Khi Bạch Mai, K... đều từ chối tiếp tục tự chủ toàn diện, một chuyên gia giàu kinh nghiệm cho rằng việc trở lại cơ chế tài chính cũ có nghĩa là trở lại là bệnh viện công lập đúng nghĩa, bởi bệnh viện công bên cạnh hoàn thành nhiệm vụ an sinh xã hội, bệnh viện đầu ngành còn có nhiệm vụ đào tạo cho tuyến dưới.
Tự chủ tài chính, các dịch vụ khám chữa bệnh, đào tạo đều phải thu đúng thu đủ, trong khi mệnh giá thẻ bảo hiểm hiện còn thấp, tăng viện phí sẽ phải tăng mệnh giá thẻ.
Tại TP.HCM, cơ chế tự chủ gần 20 năm qua đã tạo sự thay đổi, khởi sắc cho ngành y tế. Ông Nguyễn Hoài Nam - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - chia sẻ nhờ tự chủ cơ sở vật chất các bệnh viện khang trang hơn, trang thiết bị được đầu tư mới nhiều hơn từ nhiều nguồn vốn khác nhau, mở rộng loại hình dịch vụ khám chữa bệnh, kỹ thuật y tế mới được triển khai...
Thành phố cũng tiết kiệm hàng ngàn tỉ mỗi năm để cấp cho các bệnh viện hoạt động. Hiện ngân sách cấp cho ngành y tế chỉ còn 2%/tổng chi thường xuyên của thành phố, trong khi năm 2015 là 9%.
Sau nhiều năm tự chủ và cơ chế còn điểm lộn xộn, cho công tư liên kết (đây từng là nguồn thu quan trọng của nhiều bệnh viện công) nhưng chính sách không rõ ràng, thì dịch COVID-19 đã làm những khó khăn vướng mắc về giá khám chữa bệnh, chính sách tiền lương, cách thanh toán bảo hiểm y tế... lộ ra.
Bệnh viện công tự chủ đến đâu là vấn đề đặt ra với những người làm chính sách tại Bộ Y tế, Bộ Tài chính... Chính sách càng rõ ràng thì người bệnh càng đỡ khó, bệnh viện càng đỡ phải loay hoay, như thời điểm hiện nay.
TTO - Sau Bệnh viện Bạch Mai, đến lượt Bệnh viện K đề nghị xin ngưng tự chủ toàn diện bệnh viện.
Xem thêm: mth.22792922281012202-neid-naot-uhc-ut-iohc-ut-hnaht-gnod-neiv-hneb/nv.ertiout