Sơ chế, đóng gói dưa leo tại TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Nhiều khuyến khích trước đây sẽ dần chuyển sang bắt buộc để đưa sản xuất nông nghiệp là ngành sản xuất có điều kiện.
Đó là phát biểu của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan tại hội nghị "Đảm bảo chất lượng, an toàn và minh bạch nguồn gốc xuất xứ thực phẩm cho người tiêu dùng" diễn ra ngày 18-10.
Trách nhiệm ở đâu?
Theo ông Hoan, an toàn thực phẩm nếu dồn hết gánh nặng pháp lý cho cơ quan nhà nước thì trách nhiệm của xã hội ở đâu, trách nhiệm của doanh nghiệp (DN) ở đâu? "Nhất là với nông dân... Tất cả phải cùng chung tay giúp xã hội thay đổi, giúp nông dân thay đổi cách sản xuất", ông Hoan đề nghị.
Bà Vũ Kim Hạnh - chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao - lo ngại tư duy sản xuất, kinh doanh ở nhiều cá nhân, tổ chức vẫn còn đang nặng tính đối phó. Nhiều người chưa thực sự ý thức làm chuẩn, đảm bảo an toàn thực phẩm, tiến tới xuất khẩu.
Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch Nguyễn Thị Hồng Minh cho rằng trong vấn đề kiểm soát an toàn thực phẩm, đảm bảo minh bạch nguồn gốc thực phẩm hiện nay, cần đề cao vai trò và có quy định ràng buộc đối với tất cả các đơn vị, thành phần trong xã hội. Kể cả trách nhiệm của thương lái, thương nhân, DN bán lẻ cũng cần nâng cao.
"Thương nhân là bộ phận rất quan trọng trong chuỗi cung ứng. Nhưng thực tế hầu hết các sản phẩm về chợ đầu mối (trừ thịt heo) hiện không có nhãn mác, không hạn sử dụng, thông tin xuất xứ... Do đó, rất khó khăn để truy xuất nguồn gốc, ngăn chặn kịp thời khi có hàng hóa kém chất lượng", bà Minh nêu.
Chuyển từ khuyến khích sang bắt buộc
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, thời gian qua thực phẩm bẩn, rau dỏm gắn mác VietGAP vào siêu thị gây ảnh hưởng tới tâm lý người tiêu dùng. Cho rằng bản thân có phần trách nhiệm, nhưng ông cho rằng rất khó để kiểm soát chặt chất lượng khi nền nông nghiệp Việt Nam còn nhỏ lẻ. Vì vậy, cần có cách tiếp cận khác. Chẳng hạn thay vì chỉ cơ quan quản lý giám sát, DN phải là đơn vị tiên phong dấn thân làm, hướng dẫn, đặt hàng người nông dân.
"Tôi nói có thể nông dân không nghe nhưng các DN - đầu mối mua hàng - hướng dẫn, đưa ra các yêu cầu để hợp tác làm nông sản sạch, họ sẵn sàng hưởng ứng nhiệt tình", ông Hoan nói và cho hay sẽ rà soát để đề xuất sửa quy định, những nội dung trước đây có thể khuyến khích sẽ dần chuyển sang bắt buộc để đưa sản xuất nông nghiệp là ngành sản xuất có điều kiện một cách chặt chẽ, chuẩn hóa lại các quy trình kiểm nghiệm.
Theo bà Minh, trong khi đội ngũ chứng nhận hữu cơ thường xuyên theo dõi sát và tư vấn cho đơn vị được cấp, tái kiểm nghiêm ngặt hằng năm thì tổ chức cấp chứng nhận VietGAP lại gần như "xong là buông tay". Do đó, có tình trạng DN được cấp một lần nhưng dùng mãi, sử dụng để quảng cáo nhằm móc túi khách hàng.
"Cần tập trung vào kiểm soát quá trình, còn lấy mẫu kiểm tra sản phẩm cuối cùng nên coi là biện pháp hỗ trợ...", bà Minh đề nghị.
Ngoài ra, bà Minh cho rằng cần có thêm quy định bắt buộc bao bì chứa rau củ quả, thực phẩm tươi sống đưa ra thị trường phải có nhãn mác thể hiện đầy đủ thông tin nhà sản xuất, quy trình; quy định thời hạn bắt buộc áp dụng truy xuất nguồn gốc điện tử, trong đó thể hiện rõ quá trình canh tác, sản xuất...
Trong khi đó, đại diện một chuyên gia cho rằng cần đưa ra một quy chuẩn chung, cách nhận diện chung với sản phẩm VietGAP, tránh tình trạng loạn logo như hiện nay.
* Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM Phạm Khánh Phong Lan: TP.HCM tăng kiểm soát chất lượng từ gốc
TP.HCM đang siết chặt kiểm tra an toàn thực phẩm ở nhiều lĩnh vực như chợ, siêu thị, bếp ăn tập thể, nhà hàng khách sạn, đặc biệt đang có kế hoạch kiểm tra riêng đối với siêu thị, trong đó đề nghị tăng mạnh lượng lấy mẫu kiểm nghiệm. Tuy vậy, cái cần là phải siết chất lượng từ gốc vì khi ra thị trường thì kiểm tra không xuể, đặc biệt tình trạng chợ tự phát đang tràn lan.
Luật chỉ đòi thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ an toàn. Tuy nhiên, TP với thị trường mười mấy triệu dân thì buộc phải kiểm soát, có quy chuẩn chặt chẽ hơn. Hiện chúng tôi đang liên kết với 15 tỉnh thành để tăng kiểm soát chất lượng từ gốc.
TTO - Phải kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm cho nông sản; không thể sạch từ ao nuôi, nông trại đến bàn ăn mà quên việc hàng vào chợ rồi lan tỏa...
Xem thêm: mth.59241503281012202-naot-na-mahp-cuht-ed-hnid-yuq-ac-tat-ar/nv.ertiout