Nay Djruêng - Ảnh: N.D.
Không có đôi bàn tay, còn đôi chân chỉ là đoạn xương dài đến đầu gối nhưng chàng cử nhân công nghệ thông tin vẫn kiếm tìm nhiều cách hỗ trợ đàn em đi sau.
Bước qua "lời nguyền"
Trước đây, những người sinh ra đã khiếm khuyết như Djruêng, theo hủ tục của người đồng bào Tây Nguyên là bị chôn sống khi chào đời. Hơn 40 năm về trước, Buôn Ji không có gia đình nào có con khi sinh ra bị khiếm khuyết cả, nên ông bà và dân trong buôn quyết định chôn sống người anh trai của Djruêng do sinh ra đã khiếm khuyết.
Đến khi Djruêng chào đời với những khiếm khuyết trên cơ thể khiến cả nhà bàng hoàng. Người bà họ của Djruêng làm một cuộc trốn chạy, tức tốc ẵm Djruêng đi lánh chỗ khác. Khi thấy không ai còn để ý, Djruêng được đưa về cho ba mẹ.
Từ đó, anh đã bước qua "lời nguyền", lớn lên rồi tự tập viết bằng đôi cùi tay. Nhà đông anh chị em nên mãi 8 tuổi ba mẹ mới đồng ý cho anh đi học. Thời đó, em trai của Djruêng viết bài về nhà, Djruêng xin được viết thử, không ngờ Djruêng lại viết được. Và rồi Djruêng xin ba mẹ cho phép được đi học. Djruêng học lớp mẫu giáo chỉ 6 tháng, rồi vào lớp 1.
Lúc đầu đi học, Djruêng đi bằng hai đầu gối và không có miếng lót nào ở dưới. Không ít lần vì thời tiết cực kỳ oi bức của Krông Pa khiến hai đầu gối Djruêng có mủ, Djruêng vẫn không nản lòng. Đến năm lớp 3 gia đình mua cho cậu đôi dép. Năm hè lớp 4, Djruêng được Hội Chữ thập đỏ cấp cho đôi chân giả để đi.
Chăm chỉ học, lên cấp II Djruêng được trúng tuyển vào trường dân tộc nội trú, Djruêng rất háo hức đón nhận. Khó khăn chất chồng nhưng anh vẫn theo đuổi mơ ước được trở thành kỹ sư công nghệ thông tin.
Sống sẻ chia, nhân niềm vui
Dù rất nhiều lần Djruêng bị bạn bè chọc ghẹo đến phát khóc nhưng cũng nhiều người bạn giúp đỡ Djruêng trong suốt chặng đường học tập. Lạc quan sống gần như là phương châm mà Djruêng chọn lựa. Chính vì thế từ khi đi học cho đến bây giờ dù đang có việc làm hay vừa kết thúc hợp đồng, đôn đáo tìm kiếm việc làm khác thì anh bạn này vẫn mỉm cười trước những khó khăn, miệt mài cùng những hoạt động thiện nguyện, chia sẻ với những mảnh đời khốn khó hơn.
"Mình vẫn nhớ năm học đầu cấp II đã được nhận học bổng "Vì ngày mai phát triển" của báo Tuổi Trẻ. Đó là niềm khích lệ bản thân mình rất lớn. Và mình muốn chia sẻ lại với những bạn học sinh sau mình. Mình vận động bạn bè cùng mọi người góp chút ít để có kinh phí tặng học bổng, tập vở, dụng cụ học tập cho các em" - Djruêng bộc bạch.
Ấp ủ chương trình giúp cho đàn em của buôn (làng) có thêm tập vở, sách giáo khoa, dụng cụ học tập, anh gầy dựng quỹ "Tiếp sức tới trường", sau đó anh đổi tên thành quỹ "Đi qua mùa rẫy" với mong muốn sau mỗi mùa rẫy, các em vẫn được đến trường mà không phải bỏ trường, bỏ lớp.
Djruêng nhớ lại năm đầu tiên, khi anh còn là sinh viên năm hai, chỉ có thể giúp được 8 em học sinh. Sau đó, chương trình tăng lên 10, 15, 20, 30, 40, 50. Đầu năm học này, chương trình đã tặng sách, vở và dụng cụ học tập đến 52 em, trong số đó có em còn được nhận học bổng như một cách san sẻ yêu thương, khích lệ tinh thần vượt khó cho các em.
Tâm niệm giúp các em học sinh trường cũ trước đây anh từng học nên quỹ "Đi qua mùa rẫy" không quan trọng vận động được bao nhiêu tiền mà được bao nhiêu Djruêng cũng sẽ tự đi mua tập vở, dụng cụ học tập, phần tiền còn lại bạn sẽ chia thành những suất học bổng trao cho các em học sinh đặc biệt khó khăn. Còn kinh phí đi lại thì tự bạn bỏ tiền túi.
Djruêng cũng hỗ trợ chương trình thiện nguyện khác, như "Người bạn đồng hành" của thư viện mini Cô Ba của chị Huỳnh Thanh Thảo, huyện Củ Chi, TP.HCM. "Tụi mình cùng nhau đẻ ra ý tưởng, cùng nhau làm việc và cùng nhau thực hiện mấy năm nay rồi. Nên mình cũng từng ngày hoàn thiện hơn cách làm thiện nguyện của bản thân", anh nói.
Thầy Ninh Văn Dậu, giáo viên môn văn Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, xã Ia H'Drêh, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai, cho biết Djruêng là học sinh khá đặc biệt của trường.
"Trong em luôn toát lên tinh thần tự tin, khát vọng sống tích cực và lan tỏa năng lượng tích cực đến mọi người xung quanh. Chúng tôi thật sự ngạc nhiên khi em có thể làm được hầu hết mọi việc, hòa nhập môi trường học tập tốt, tham gia phong trào thi đua ngoại khóa rất tự tin. Mọi người thường xem em như tấm gương lan tỏa những điều tích cực, nhiều khi cứ gọi em như Nick Vujicic của buôn làng" - thầy Dậu nói.
TTO - Ở Việt Nam có 6,2 triệu người khuyết tật, vậy tại sao không thấy người khuyết tật ở những nơi như vậy, ở các nhà hàng, các cơ quan, các nơi vui chơi giải trí?
Xem thêm: mth.61922349091012202-gnouht-uey-mam-oeig-yar-aum-auq-id/nv.ertiout