Cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận đi qua tỉnh Tiền Giang giúp giải tỏa áp lực giao thông cho tỉnh đồng thời thu hút đầu tư cho địa phương - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
UBND tỉnh Tiền Giang cho biết lượng đầu tư vào tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2022 tăng gấp nhiều lần so với cùng kỳ; số doanh nghiệp thành lập mới đạt cao nhất trong các năm gần đây.
Giao thông đi trước, rước nhà đầu tư
Hiện nay, từ TP.HCM về tỉnh Tiền Giang hoặc đi về các tỉnh miền Tây xa hơn không còn phải phụ thuộc vào tuyến quốc lộ 1 vốn dĩ bị kẹt xe triền miên như trước. Ngoài quốc lộ 1, tài xế có thể đi bằng cao tốc hoặc quốc lộ 50, quốc lộ 60 hiện đã được mở rộng.
Theo ông Trần Văn Bon - giám đốc Sở Giao thông vận tải Tiền Giang, việc đưa vào vận hành cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận từ ngày 30-4 đã giúp lượng xe trên quốc lộ 1 giảm rõ rệt.
Theo số liệu của Sở Giao thông vận tải Tiền Giang, trước khi tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đưa vào sử dụng, lưu lượng xe trên quốc lộ 1 đoạn qua ngã ba Trung Lương (tỉnh Tiền Giang) khoảng 24.000 lượt xe/ngày đêm. Đoạn này có nhiều cầu hẹp, chỉ cần một sự cố nhỏ trên đường cũng có thể kéo theo một đợt kẹt xe kéo dài hàng giờ đồng hồ.
"Tuy nhiên, khi đường cao tốc đưa vào sử dụng, lượng xe trên quốc lộ 1 giảm hẳn. Ước tính có khoảng 18.000 - 20.000 lượt xe/ngày đêm chạy trên cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận", ông Bon cho biết.
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận chỉ là một trong rất nhiều công trình giao thông của tỉnh được đầu tư trong thời gian qua đã mang lại hiệu quả rõ rệt cho sự phát triển kinh tế của tỉnh.
Ngoài tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, hệ thống kết nối hạ tầng giao thông với tỉnh Long An, TP.HCM và các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang dần được hoàn thiện, như quốc lộ 50, cầu Mỹ Lợi; và giao thông thủy gồm kênh Chợ Gạo, luồng hàng hải trên sông Soài Rạp...
Bên cạnh đó, trong năm 2021, tỉnh Tiền Giang đã đưa vào sử dụng công trình cầu Bình Xuân thuộc đường tỉnh 863 kết nối quốc lộ 50, tạo điều kiện đi lại cho các huyện Tân Phú Đông, Gò Công Tây thuận tiện, rút ngắn thời gian đi TP.HCM; công trình cầu Ngũ Hiệp nằm trên đường tỉnh 868 bắc qua cù lao Ngũ Hiệp...
Đẩy mạnh đầu tư hạ tầng
Ông Trần Văn Bon cho biết thêm việc tập trung đầu tư nhiều công trình giao thông mang tính kết nối liên vùng đã tạo sức bật lớn trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Điều này thể hiện qua việc tỉnh Tiền Giang đã và đang huy động các nguồn lực đầu tư từ ngân sách trung ương, các thành phần kinh tế, vốn đầu tư nước ngoài để đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội then chốt.
Theo ông Trần Văn Dũng, phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Tiền Giang, trong thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị, mở rộng các đô thị trung tâm của ba vùng kinh tế trọng điểm trên địa bàn tỉnh gồm TP Mỹ Tho, TX Gò Công và TX Cai Lậy. Đồng thời, tỉnh tập trung nâng cấp hệ thống giao thông nông thôn để góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025.
Một số công trình giao thông tiêu biểu tại tỉnh Tiền Giang:
Dự án đường giao thông hai bên bờ sông Bảo Định (tổng mức đầu tư 2.000 tỉ đồng) và dự án đường tỉnh 873 từ cầu Bình Xuân đến quốc lộ 50 (hơn 150 tỉ đồng): hiện đang tiến hành triển khai thi công và dự kiến đến hết tháng 12-2022 hoàn thành.
Dự án nâng cấp, mở rộng đường tỉnh 879B từ cầu Gò Cát đến ranh Long An (với hơn 259 tỉ đồng): hiện đang giải phóng mặt bằng. Dự án đường phát triển vùng Đồng Tháp Mười (nối từ cao tốc vào huyện Tân Phước): hiện đang triển khai.
TTO - Thông tin dự kiến tuyến đường thủy chở khách bằng tàu cao tốc đi từ TP.HCM đến Tiền Giang, Bến Tre và ngược lại sẽ hoạt động vào quý 3 năm 2022 được đăng tải đã thu hút đông đảo sự quan tâm của người dân.
Xem thêm: mth.55714428002012202-ut-uad-tuh-uht-gnoht-oaig-gnat-ah-neirt-tahp-gnaig-neit/nv.ertiout