Thời điểm 2019, Chính phủ cho phép bốn bệnh viện thí điểm "tự chủ toàn diện", các bệnh viện khi ấy đều háo hức. Viễn cảnh được tự chủ, Nhà nước giao đất, có mặt bằng, thương hiệu, tự chủ thì không phải báo cáo cơ quan chủ quản cả về nhân lực, tài chính, đầu tư..., rồi sẽ "thuận lợi".
Thế nhưng vừa hết thí điểm, các bệnh viện từ háo hức giờ lắc đầu quầy quậy, bệnh viện nào cũng xin thôi "toàn diện", chỉ tự chủ chi thường xuyên, còn đầu tư thiết bị, xây dựng cơ sở hạ tầng vẫn xin "bầu sữa ngân sách".
Thực tế không phải đến tự chủ toàn diện thì bệnh viện mới thực hiện tự chủ, hơn 10 năm nay bệnh viện công các tuyến đã thực hiện tự chủ theo mức độ. Phải nói là hình thức này cũng đã "cởi trói" cho những bệnh viện năng động, mong muốn đổi mới về chất lượng dịch vụ, danh mục kỹ thuật...
Nhưng sau một thời gian tự chủ có hiệu quả, chính "tự chủ toàn diện", bệnh viện công nhưng cơ chế muốn như tư (thực chất là nửa mùa vì viện phí như cũ), cộng với tác động của dịch COVID-19 đã khiến tự chủ toàn diện thất bại toàn tập.
Bệnh viện nào cũng kêu, cũng từ chối cơ chế tự chủ toàn diện, mong quay lại tự chủ nhóm 2, tức bệnh viện lo chi thường xuyên, Nhà nước đầu tư thiết bị, cơ sở vật chất.
Nếu đã cho tự chủ, nay hết thí điểm bệnh viện quay lại cơ chế cũ có phải là thí điểm thất bại?
Thực tế, bệnh viện công hoàn toàn không phải là doanh nghiệp, việc cho họ tự chủ toàn diện là cho họ hoạt động như doanh nghiệp, thu viện phí, thu dịch vụ đào tạo... phải đúng giá để bệnh viện có lãi và cạnh tranh sòng phẳng, như bệnh viện tư.
Nhưng bệnh viện lại là dịch vụ an sinh xã hội, bên cạnh nhiệm vụ lo lương và thu nhập tăng thêm cho y bác sĩ, lo đầu tư cơ sở vật chất, lo mua thuốc men và thiết bị, nhiệm vụ quan trọng là bệnh viện phải lo khám chữa bệnh với mức giá theo khung mà liên bộ Y tế - Tài chính ban hành.
Hiện giá đó mới cho thu 4/7 yếu tố cấu thành. Bên cạnh đó, các bệnh viện đầu ngành có nhiệm vụ đào tạo cho sinh viên y khoa và y bác sĩ các tuyến, dịch vụ này cũng khó có thể tăng giá.
Nói như vậy để thấy cái khó của bệnh viện nếu tự chủ bệnh viện mà giá không thể tăng theo, khi đó quay lại "bầu sữa ngân sách" là hợp lý.
Nhưng cũng không thể vì thế mà bệnh viện không đổi mới hoạt động, đổi mới chất lượng dịch vụ, công ra công, tư ra tư, thay cho tình trạng nhập nhèm công tư để tăng nguồn thu (phần lớn vào túi một số người) như bấy lâu nay.
Khi được hỏi Việt Nam có nền công nghiệp y tế hay không? Một chuyên gia ngành y chia sẻ là có, nhưng với thực tế hiện nay người bệnh chưa được hưởng lợi gì nhiều từ điều này.
Trong khi hệ thống y tế phục vụ gần 100 triệu dân lại cần mạnh hơn, chất hơn, vững hơn. Lúc này là cơ hội đắp những chỗ thiếu, nhìn ra chỗ khiếm khuyết và sửa nó.
TTO - Sau hai năm thí điểm, tất cả bệnh viện trong nhóm thí điểm đều từ chối tiếp tục tự chủ toàn diện. Bệnh viện lỗ, không có tiền đầu tư thiết bị, thu nhập thấp, cán bộ y tế chuyển sang bệnh viện tư... là các lý do chính được đặt ra.
Xem thêm: mth.30761147002012202-hcas-nagn-aus-uab-iov-ev-yauq-noum-neiv-hneb-ihk/nv.ertiout