Tháng 4/2021, Park Soo-hong tố cáo vợ chồng anh trai Park Jin-hong lừa đảo, chiếm đoạt toàn bộ tài sản tích cóp suốt 30 năm và tiền bảo hiểm. Park Jin-hong, từng làm quản lý cho danh hài 52 tuổi, bị bắt ngày 13/9.
Đầu tháng 10, vụ việc tiếp tục trở thành tâm điểm của truyền thông khi bố Park bất ngờ thú nhận chính ông đã biển thủ thu nhập của Park, chứ không phải con trai cả.
Tuyên bố của người cha bị các điều tra viên bác bỏ là vô căn cứ, nhưng khiến công chúng chú ý đến điều luật lâu đời của Hàn Quốc về việc miễn trừ trách nhiệm hình sự cho bố mẹ đối với các tội về tài chính gây ra cho con cái.
Theo luật hiện hành, bố Park có thể tránh được sự trừng phạt của pháp luật, ngay cả khi ông ta thực sự chiếm đoạt tiền của con trai. Nhiều đơn vị truyền thông nghi ngờ người cha biết về luật này và cố gắng nhận tội thay con trai lớn để giúp anh ta thoát khỏi án tù có thể phải nhận.
"Người cha, ngoài 80 tuổi, khẳng định rằng ông quản lý cả tài khoản ngân hàng của công ty và cá nhân Park", luật sư của Park Soo-hong nói.
Ngày 7/10, Park Jin-hong bị truy tố vì tội biển thủ khoảng 6,17 tỷ won (4,3 triệu USD) thông qua một công ty quản lý được thành lập để đại diện cho diễn viên hài. Bên công tố cũng buộc tội chị dâu của Park là đồng phạm trong vụ án.
Theo điều tra, Park Jin-hong bị cáo buộc đã rút 2,9 tỷ won từ tài khoản cá nhân của em trai mà không được phép. Trong thời gian điều hành công ty quản lý từ năm 2011 đến năm 2021, Park Jin-hong bị cáo buộc biển thủ 1,9 tỷ won tiền quỹ của công ty bằng cách làm giả chi phí nhân công và bòn rút 1,17 tỷ won khác để mua bất động sản dưới tên anh ta. Nếu bị kết tội, Park Jin-hong phải đối mặt với mức án tối thiểu 5 năm tù.
Đạo luật Hình sự của Hàn Quốc quy định rằng các tội về tài sản như trộm cắp, lừa đảo và biển thủ xảy ra giữa người thân trực hệ, vợ chồng, họ hàng sống chung và các thành viên trong gia đình sống chung đều không phải chịu trách nhiệm hình sự. Gia đình ruột thịt và vợ chồng có thể được miễn truy cứu ngay cả khi họ không sống cùng nhau, nhưng những người thân khác không sống chung có thể bị truy tố nếu nạn nhân kiện người phạm tội.
Vì hai anh em Park sống riêng và làm việc cùng nhau thông qua công ty quản lý, tranh chấp tiền bạc giữa họ không thuộc phạm vi điều khoản miễn trừ cho người trong gia đình.
Điều khoản miễn trừ được đưa ra năm 1953 nhằm giảm sự can thiệp của cơ quan thực thi pháp luật vào các vấn đề gia đình. Xã hội thời đó hướng về gia đình, tài sản thường được quản lý và sử dụng chung giữa các thành viên trong gia đình và họ hàng gần gũi.
Nhưng ngày càng có nhiều ý kiến cho rằng nên sửa đổi hoặc bãi bỏ luật trên cho phù hợp với xu hướng hiện nay, khi nhận thức về người thân đã thay đổi và tội phạm chiếm đoạt tài sản trong gia đình gia tăng.
Vấn đề này đã được đưa ra trước Quốc hội và Bộ Tư pháp mới đây. Khi Hạ nghị sĩ Park Beom-kye của đảng Dân chủ đối lập nêu lên sự cần thiết sửa đổi luật, Bộ trưởng Tư pháp Han Dong-hoon trả lời: "Tôi nghĩ rằng rất khó để áp dụng các quy tắc trong xã hội ngày nay".
Khi quy mô gia đình ngày càng nhỏ và chủ nghĩa cá nhân thay thế chủ nghĩa tập thể lấy gia đình làm trung tâm, ngày càng có nhiều lời kêu gọi sửa đổi các luật liên quan đến gia đình ở Hàn Quốc.
Vào tháng 7, Hạ nghị sĩ Lee Tae-kyu của đảng Sức mạnh Nhân dân cầm quyền đề xuất một dự luật sửa đổi sẽ áp dụng hình phạt tăng nặng đối với tội danh giết con/cháu tương đương với tội danh giết bố mẹ/ông bà. Hiện nay, Đạo luật Hình sự quy định hình phạt nghiêm khắc hơn đối với tội giết bố mẹ/ông bà, nhưng không có điều khoản riêng về tội giết con/cháu.
Tuệ Anh (Theo Koreaherald)
Xem thêm: lmth.1255254-nas-iat-taod-meihc-naht-iougn-ib-couq-nah-iah-hnad-uv-iac-hnart/ten.sserpxenv