Trung tá Lê Văn Tư, Trưởng Công an xã Hòa Bắc, H.Hòa Vang, TP.Đà Nẵng đã thốt lên khi nói về trận lũ lịch sử, như “trận đại hồng thủy” vừa xảy ra đêm 14 rạng sáng 15-10-2022 quét qua địa bàn miền núi. Sình lầy tràn ngập khắp nơi nơi, thiệt hại khủng khiếp. Chúng tôi lặn lội tìm lên miền ngược, chứng kiến cảnh tan hoang sau lũ, để lại cho bà con vùng núi vốn nghèo khó, giờ càng thêm khó trăm bề…
TIÊU ĐIỀU HÒA BẮC, HÒA VANG
Phóng viên Chuyên đề Công an TPHCM xuất phát từ TPHCM ra Đà Nẵng, suốt những quãng đường thành phố biển, là cảnh bà con phơi phong đồ đạc, xe cộ hư hỏng sau trận lũ ập đến bất ngờ và dâng cao chưa từng thấy. Đi dọc đường biển Nguyễn Tất Thành, chứng kiến hàng dài ôtô chật kín tại các garage sửa chữa, nối đuôi nhau xếp hàng chờ. Bà Huỳnh Thị Tòa (ngụ đường Đinh Tiên Hoàng, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng) cho hay, nước dâng cao chưa từng thấy trong đời bà, ập vào nhà sâu cả mét; nước rút, để lại những đồ gỗ, tủ lạnh... hư hỏng nặng nề.
Công an xã Hòa Bắc đã túc trực 100% quân số (24 cán bộ, chiến sĩ), ứng phó, di tản giúp bà con nhân dân trong xã đến nơi tránh trú an toàn. Trong đó, vận động, giúp đưa bà con từ những vùng trũng đến nơi cao ráo hơn. Đặc biệt Công an xã tuyên truyền, vận động đưa hơn 150 lao động là người dân ở H.Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi đến địa phương canh tác, khai thác rừng tràm (là nơi rừng rúi có nguy cơ sạt lở, lũ quét rất cao), đến nơi tránh trú an toàn.
Cách trung tâm TP.Đà Nẵng hơn 30km về hướng Tây Bắc, nhiều người dân xã Hòa Bắc đang lâm cảnh màn trời chiếu đất... Từ khuya 18-10, trời miền Trung lại đổ mưa, đến sáng 19-10 vẫn chưa dừng. Chúng tôi nán thêm chút để “hành quân” lên xã miền núi ấy. Mưa vẫn nặng hạt. Quyết định di chuyển bằng xe máy, mặc áo mưa, chân dép lê, bởi anh Phạm Tấn Dũng (ngụ P.Hòa Hiệp Nam, Q.Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng) bảo: “Mưa kiểu này thì phải trang bị tốt, không thể mang dày mà lội bùn được đâu. Máy móc phải dùng bao nylon bịt kín, không là hư hỏng hết”.
Hỏi qua người bạn rành về đường đi, nhưng được thông báo là con đường quen thuộc từ trung tâm TP.Đà Nẵng lên xã Hòa Liên, H.Hòa Vang rồi băng lên vùng núi xã Hòa Bắc hiện giờ vẫn bị chia cắt bởi nước ngập và những đoạn bị sạt lở, sình lầy. Thế là anh Dũng tình nguyện làm người dẫn đường cho chúng tôi. Theo hướng đi vòng, chúng tôi hy vọng vượt qua lầy lội đến với vùng núi Hòa Bắc hiện đang gồng mình sau cơn lũ dữ.
MẤT SẠCH...
Từ trung tâm TP.Đà Nẵng, chúng tôi trang bị như những “nông dân” đi cày ruộng, phóng xe máy về hướng đèo Hải Vân. Khi đi ngang qua cầu Nam Ô, anh Dũng chỉ tay về hướng núi hiện mờ ảo trong cơn mưa, nơi đó là địa bàn xã Hòa Bắc. Từ đường Nguyễn Lương Bằng, P.Hòa Hiệp Bắc, Q.Liên Chiểu, chúng tôi rẽ hướng trái vào đường Ngô Xuân Thu, thẳng tiến lên núi. Trong cơn mưa nặng hạt, đường trơn trượt và còn đầy những chỗ loang lổ, là dấu tích để lại sau trận lụt gây sạt lở đất núi xuống mặt đường. Xe máy của chúng tôi gầm gừ nặng nhọc mỗi khi băng qua đoạn đầy bùn đất, tay lái như muốn quặt quẹo vì độ trơn trượt quá lớn.
11 giờ 30 trưa ngày 19-10, xóm Hội Yên, thôn Nam Yên, xã Hòa Bắc hiện dần trước mắt, mưa vẫn rơi, đường càng lên miền núi càng khó đi hơn. Dấu vết trận lụt kinh hoàng vẫn còn đó, hằn in bên dòng sông Cu Đê. Ghé vào “Quán Nhung” bên đường, chúng tôi nghe chị Cẩm kể những gì mình vừa chứng kiến vào ngày 14 đến rạng sáng 15-10.
Quán nằm bên đường, bên kia là dòng sông Cu Đê chảy từ đầu nguồn ra biển. Nhưng cái đêm mưa cực lớn đó, nước dâng lên nhanh đến mức mọi người không kịp trở tay. Khi nước băng qua con đường, ngấp ghé vào quán, thì cũng là lúc bàn ghế, máy móc, tivi, tủ lạnh... ngập sâu cả mét.
“Chạy vội thoát thân, chứ kịp dọn đồ gì đâu. Nước rút, mấy bữa nay dọn dẹp muốn đổ bệnh rồi”, chị Cẩm cho biết. Con gái chị Cẩm là chị Nhung cũng vẫn chưa hết bàng hoàng về trận lũ lụt kinh hoàng gây hư hại cho nhiều gia đình tại địa phương đến như vậy. Nhiều đồ đạc, gia cầm của gia đình chăn nuôi bị lũ cuốn trôi hết...
NƯỚC DÂNG LÊN TRỜI!
Trưa 19-10, gặp bà Trần Thị Thắm (SN 1971, ngụ thôn Nam Yên, xã Hòa Bắc) vẫn chưa hết kinh sợ về trận “đại hồng thủy” vừa trải qua với bản thân và gia đình. Nhà bà Thắm có 4 người, chiều 14-10, nước sông Cu Đê dâng lên cao, khi bắt đầu vượt mặt đường nhựa trước nhà, bà Thắm cùng chồng là ông Nguyễn Thành Nam nhanh chóng dọn đồ đạc chuẩn bị ứng phó với lũ. Các anh Công an xã đi kêu gọi, vận động ứng phó sau cơn bão số 5 vừa qua, rồi đến trận lũ, nên mọi người cũng sẵn sàng...
“Vậy mà tôi cùng chồng và hai đứa con không kịp mang theo cái gì, nước bất ngờ tràn vào nhà, xô cửa, trào lên lút mất. Hoảng quá, cả nhà tông cửa sau, nhảy lên nhà hàng xóm phía sau cao hơn, ngồi nhìn nước cuốn vào nhà, kéo ra những thứ vật dụng thân quen hàng ngày mà chỉ biết khóc”, bà Thắm bồi hồi kể lại. Từ ngày lũ lụt ập vào, bà Thắm chỉ mặc bộ đồ trên người, ướt, khô, rồi lại ướt... cứ thế mấy ngày qua lội sình ngập quá đầu gối để tìm lại quần, áo đặc quánh bùn đất mà mang ra giặt giũ.
Trời lại đổ mưa, cái cảnh nhếch nhác càng thêm thảm. Ông Nam thì từ hôm nước rút đến giờ vẫn lay hoay cùng người cháu là thợ sửa chữa xe ôtô “đánh vật” với dầu mỡ lấm lem. Đã tốn hơn triệu bạc, nhưng chiếc xe tải 500kg của vợ chồng bà Thắm, ông Nam thường ngày vận chuyển rau, củ, quả, lương thực lên xuống miền núi bán buôn nuôi sống gia đình, giờ nằm trơ trơ vì bị ngâm sâu trong nước, vẫn chưa chịu nổ máy.
Bà Thắm tâm sự: “Nhìn tài sản, vật dụng bị lũ cuốn trôi, nhà cửa hư hỏng hết, ngay cả chiếc xe dùng chở hàng giờ không biết hư hỏng thế nào, sửa được không nữa mà nước mắt tôi cứ chảy ra miết. Trận lũ lụt thật khinh khủ quá, nước dâng lên trên trời, đồ đạc cũng bị cuốn theo trôi lên trời hết rồi...”.
Chúng tôi chia tay những người dân xóm Hội Yên, thôn Nam Yên, để tiến sâu vào vùng núi Hòa Bắc. Con đường nhựa vốn khang trang, giờ là nhầy nhụa bùn đất, trơn trượt. Bánh xe gắn máy lao loạng choạng, bên dưới nhoe nhoét sình lầy. Trung tá Lê Văn Tư, Trưởng Công an xã Hòa Bắc cho biết: “Thiệt hại lớn quá, sau cơn bão số 5, rồi đến lũ lụt, nhà cử a, tà isả ncủa bà con trong xã như quay về thời trước đây 5 năm. Về tính mạng người dân được đảm bản an toàn do công tác chuẩn bị ứng phó tốt từ trước cơn bão số 5. Nhưng thiệt hại về tài sản do đợt lũ lụt gây ra thì nhiều lắm. Tài sản của bà con trôi hết, nước làm hư hỏng tài sản thì cũng nhiều vô kể. Các công trình công cộng, như hệ thống dây điện, trụ điện, đèn chiếu sáng... bị hư hại nặng nề”.
Cùng hướng về đồng bào vùng lũ miền Trung
Những ngày qua, một số tỉnh, thành phố miền Trung phải hứng chịu mưa lũ dồn dập trên diện rộng, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, đời sống của cư dân. Hàng chục ngàn người bị lũ chia cắt, cô lập, thiếu thốn lương thực, thuốc men, giữa lúc dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khiến khó khăn càng thêm chồng chất.
Với truyền thống “tương thân tương ái”, Chuyên đề Công an TPHCM phát động Chương trình “Chung tay cứu trợ đồng bào vùng lũ lụt miền Trung”, kêu gọi các tổ chức, đơn vị, cá nhân, nhà hảo tâm trên cả nước cùng tham gia giúp đỡ đồng bào miền Trung đang bị ảnh hưởng bởi thiên tai vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Sự sẻ chia ân tình ấy sẽ được chúng tôi chuyển đến tận tay người dân đang cần hỗ trợ khẩn cấp ở vùng lũ. Mọi sự đóng góp xin gửi về Tòa soạn Chuyên đề Công an TPHCM (địa chỉ số 110 Nguyễn Du, P.Bến Thành, quận 1, TPHCM) hoặc số tài khoản Xã hội - Từ thiện của Chuyên đề Công an TPHCM (số 0071001983085, Ngân hàng Vietcombank - chi nhánh TPHCM - xin ghi “Ủng hộ đồng bào miền Trung”). Rất mong nhận được sự ủng hộ của đông đảo các tổ chức, đơn vị, cá nhân và nhà hảo tâm.
(Còn tiếp...)
Xem thêm: lmth.426831_teuq-ul-yagn-couc-nos-1-iab/us-gnohp/na-uv/nv.moc.nagnoc