Cõng mẹ ngoài 90 tuổi thoát lũ
Phóng viên Chuyên đề Công an TPHCM gặp Trung tá Lê Văn Tư (Trưởng công an xã Hòa Bắc) cùng các CBCS vừa quay trở về đơn vị, sau khi đến từng hộ dân của xã này để giúp bà con khắc phục hậu quả do trận lũ lịch sử gây ra. Trung tá Lê Văn Tư nhớ lại khoảnh khắc chiều tối 14-10-2022, nước bất ngờ dâng cao, đột ngột ập vào nhà dân. Anh cùng CBCS của đơn vị nhanh chóng đến nhà các hộ dân đang bị ngập sâu, đưa hàng trăm người từ vùng trũng hay những vị trí có nguy cơ sạt lở đất cao về tránh trú tại Trường THCS Nguyễn Tri Phương trong xã. Bên cạnh công tác hỗ trợ, kịp thời ứng cứu, hướng dẫn những trường hợp bị lũ đe dọa, các CBCS Công an xã Hòa Bắc còn liên tục tuần tra, bảo vệ an toàn tài sản của người dân khi bà con đi tránh lũ.
Cùng hướng về đồng bào vùng lũ miền Trung
Những ngày qua, một số tỉnh, thành phố miền Trung phải hứng chịu mưa lũ dồn dập trên diện rộng, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, đời sống của cư dân. Hàng chục ngàn người bị lũ chia cắt, cô lập, thiếu thốn lương thực, thuốc men, giữa lúc dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khiến khó khăn càng thêm chồng chất.
Với truyền thống "tương thân tương ái", Chuyên đề Công an TPHCM phát động Chương trình "Chung tay cứu trợ đồng bào vùng lũ lụt miền Trung", kêu gọi các tổ chức, đơn vị, cá nhân, nhà hảo tâm trên cả nước cùng tham gia giúp đỡ đồng bào miền Trung đang bị ảnh hưởng bởi thiên tai vượt qua giai đoạn khó khăn này. Sự sẻ chia ân tình ấy sẽ được chúng tôi chuyển đến tận tay người dân đang cần hỗ trợ khẩn cấp ở vùng lũ. Mọi sự đóng góp xin gửi về Tòa soạn Chuyên đề Công an TPHCM (địa chỉ số 110 Nguyễn Du, P.Bến Thành, quận 1, TPHCM) hoặc số tài khoản Xã hội - Từ thiện của Chuyên đề Công an TPHCM (số 0071001983085, Ngân hàng Vietcombank - chi nhánh TPHCM - xin ghi "Ủng hộ đồng bào miền Trung"). Rất mong nhận được sự ủng hộ của đông đảo các tổ chức, đơn vị, cá nhân và nhà hảo tâm.
Sau khi trận "đại hồng thủy" đi qua, các CBCS Công an xã Hòa Bắc lại lao vào giúp nhân dân khắc phục hậu quả lũ quét, dọn dẹp bùn đất đọng lại, có chỗ dày cả mét. Tại nhiều ngôi nhà, bùn đất và rác vương vãi đến tận nóc. Trung tá Tư kể: "Tại thôn Nam Yên có Mẹ Việt Nam Anh hùng Ngô Thị Bé đã ngoài 90 tuổi. Do Mẹ đi lại khó khăn nên anh em CBCS nhanh chóng đến nhà của Mẹ. Khi đó, nước lũ đang ồ ạt tràn vào nhà. Chúng tôi vội vã cõng Mẹ vượt lũ đến nơi an toàn". Được biết, Mẹ Ngô Thị Bé là Mẹ Việt Nam Anh hùng duy nhất còn sống tại xã miền núi này. Lũ dâng ngập hơn phân nửa chiều cao ngôi nhà của Mẹ. Sau trận lũ, CBCS Công an xã cùng Quân đội và các lực lượng, đoàn thể đã nhanh chóng giúp Mẹ dọn dẹp nhà cửa, lau chùi tài sản, sớm ổn định cuộc sống.
Vượt đỉnh lũ 23 năm trước
Chúng tôi đi dọc theo con đường bê-tông, hai bên còn đọng lại rất nhiều rác do nước lũ kéo lên đột ngột từ dòng sông Cu Đê rồi để lại sau khi nước rút. Một bụi tre lớn bị dòng lũ cuốn bật gốc, nằm trơ ven đường dẫn vào trụ sở UBND xã Hòa Bắc. Chiều 19-10, khi gặp chúng tôi, bà Phạm Thị Xí (SN 1967, ngụ thôn Nam Yên) vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhìn về ngôi nhà của mình. Đây là nhà cấp 4, mái ngói, nằm trên khu đất khá cao, nhưng theo bà Xí: "Hôm lũ kéo lên, ngập lút cánh cửa chính. Gia đình chạy lên gác gỗ, định chuẩn bị dỡ ngói để chui ra. Tội nghiệp mấy đứa cháu nhỏ, chúng lo sợ, mặt tái mét, bởi từ khi sinh ra tới giờ chưa từng chứng kiến cảnh tượng nước lũ hãi hùng như vậy".
Tính từ mực nước sông Cu Đê phía trước nhà bà Xí, trận lũ dữ vừa qua dâng cao một cách đột ngột, nhanh đến mức mọi người không kịp đưa máy móc, thiết bị điện tử, thực phẩm, lúa gạo lên cao để tránh lũ - mức nước dâng lên tới hơn 10m. Bà Xí từng chứng kiến trận lũ xảy ra vào 23 năm trước (năm 1999), nhưng trận lũ đêm 14, rạng sáng 15-10-2022 đã vượt hơn nửa mét.
Ông Ngô Văn Tây (chồng bà Xí, SN 1960) nói: "Tôi vẫn còn nhớ như in, năm đó là năm Kỷ Mão - 1999, mực nước lũ dâng cao lắm. Nhưng trận lũ vừa qua lại dâng cao hơn khoảng 0,6m. Trận lũ dữ này không những dâng cao quá nhanh và xảy ra trong đêm, mà còn làm bà con bất ngờ". Vợ chồng ông Tây dẫn chúng tôi vào ngôi nhà vẫn còn đầy bùn đất bám trên cửa, tủ, giường... Gia đình ông vừa mượn được máy bơm xịt công suất lớn để "thổi" sình lầy đọng lại trên nền nhà sau lũ ngập quá đầu gối.
Chỉ đống sách vở của mấy đứa cháu ướt nhem, bà Xí ngậm ngùi: "Sách vở ướt hết. Lũ vào, sóng đánh mạnh làm vỡ cửa tủ kính, mặt kính cái bàn để trong phòng khách cũng bể tan tành. Lúa, gạo mà gia đình tích trữ cũng bị ướt hết trơn...". Chỉ tay lên căn gác gỗ có chiếc cầu thang nhỏ, nơi đã cứu cả gia đình bà và mấy đứa cháu nhỏ, dấu nham nhở bùn đất chưa kịp tẩy rửa, bà Xí vẫn chưa hết hoảng sợ: "Lũ gì mà kinh khủng quá! Nhà tôi xây dựng trên khu đất rất cao so với bờ sông Cu Đê và rất cao so với nhà của bà con, hàng xóm. Vậy mà cũng ngập lút tới hết cánh cửa. Cũng may nước rút sớm, dù đồ đạc hư hỏng nhưng tính mạng mọi người được an toàn nhờ kịp chạy trên căn gác gỗ này".
"Tài sản của bà con bị hư hỏng, cuốn trôi nhiều lắm"
Chiều 20-10, trao đổi với phóng viên Chuyên đề Công an TPHCM, ông Thái Văn Hoài Nam (Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc) cho biết: "Từ chiều 14-10, lượng mưa tại xã đã rất lớn, trên 200 - 300mm. Mưa kéo dài đến 17 giờ 30 cùng ngày thì nước sông Cu Đê đột ngột dâng cao, gây chia cắt 3 thôn là Nam Yên, An Định, Lộc Mỹ. Đến 19 giờ, nước sông dâng cao tiếp, gây ngập toàn bộ 7 thôn và 400 nhà dân. Đến 22 giờ, nước dâng cao kỷ lục, đến 5 giờ ngày 15-10 thì mới bắt đầu rút. Thiệt hại đợt lũ vừa qua là quá lớn. Tài sản của bà con bị hư hỏng, cuốn trôi nhiều lắm. Trong đó, cơ sở hạ tầng, hệ thống điện, đèn chiếu sáng, viễn thông... bị lũ gây hư hỏng nhiều vô kể".
Thống kê chưa đầy đủ của UBND xã Hòa Bắc cho thấy, trận lũ lịch sử vừa qua gây thiệt hại lên đến 10.000m2 diện tích ao, hồ nuôi trồng thủy sản, 15 héc-ta rừng trồng bị tàn phá do sạt lở núi, thiệt hại hơn 3 héc-ta cây trồng ăn quả, nhiều nghìn con gà, vịt, trâu, bò, heo... bị cuốn trôi và chết. Trong xã có 670 xe máy và 10 ôtô bị ngâm nước hư hỏng. Thiệt hại vật dụng gia đình của bà con xã miền núi này ước tính lên đến nhiều tỷ đồng. Sự gắng gượng, gồng mình khắc phục hậu quả sau trận lũ vừa qua khiến sức lực cùng kiệt, bà con nông dân thiệt hại nặng nề với hơn 20 héc-ta trồng mía, 10 héc-ta trồng chuối, hơn 60 tấn lúa, gạo trữ trong nhà để ăn dần bị dầm nước hư hỏng hoặc cuốn trôi.
Trước trận lũ, UBND xã Hòa Bắc đã chỉ đạo các biện pháp ứng phó với mưa lũ; đồng thời ngay sau lũ đã chỉ đạo lực lượng Công an, Quân sự xã, dân phòng giúp đỡ nhân dân dọn dẹp nhà cửa; phối hợp cùng CBCS Quân đội hỗ trợ dọn vệ sinh, đảm bảo phương tiện đi lại thông suốt trên các trục đường chính. UBND xã Hòa Bắc cũng kiến nghị các cấp hỗ trợ về vật chất cho bà con bị thiệt hại nặng để sớm ổn định cuộc sống.
Theo UBND H.Hòa Vang, mưa lũ vừa qua làm 11/11 xã trong huyện bị ngập, tổng thiệt hại khoảng 250 tỷ đồng. Trong đó, mức thiệt hại về nhà cửa là 2,3 tỷ đồng, giao thông 40 tỷ đồng, nông nghiệp hơn 61 tỷ đồng, giáo dục 4 tỷ đồng, y tế 900 triệu đồng, thiệt hại tài sản của nhân dân hơn 100 tỷ đồng (hơn 16.000 hộ dân bị mưa lũ cuốn trôi mất nhiều phương tiện, vật gia dụng), thiệt hại khác 41,9 tỷ đồng.
Còn trên toàn TP.Đà Nẵng, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự TP.Đà Nẵng cho biết, qua báo cáo của các đơn vị, địa phương đến ngày 18-10, ước tính thiệt hại do trận mưa lũ trong ngày 14 và rạng sáng 15-10 gây ra là hơn 1.486 tỷ đồng. Trong đó, H.Hòa Vang là địa phương bị thiệt hại nặng nhất (250 tỷ đồng), Q.Hải Châu 130 tỷ đồng, Q.Liên Chiểu 578 tỷ đồng, Q.Cẩm Lệ 180 tỷ đồng, Q.Thanh Khê 87 tỷ đồng, Q.Sơn Trà hơn 26 tỷ đồng, Q.Ngũ Hành Sơn 17 tỷ đồng. Ngành Giao thông - Vận tải TP.Đà Nẵng bị thiệt hại 190,5 tỷ đồng, ngành Xây dựng 17 tỷ đồng, ngành Y tế 10,8 tỷ đồng...
(Còn tiếp...)
Xem thêm: lmth.276831_ud-ul-nart-uas-hnim-gnog-2-yk/gnos-iod/nv.moc.nagnoc