Ngày 21-10, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày trước Quốc hội dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức.
Theo Bộ trưởng Nội vụ, việc này là để thể chế hóa chủ trương của Đảng về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động công vụ, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa kỷ luật hành chính của Nhà nước với kỷ luật của Đảng.
Cơ sở chính trị để Chính phủ trình dự thảo Nghị quyết này là Kết luận 21/2021 của Trung ương 4. Kết luận đó nêu: “Đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền, sức chiến đấu của Đảng; hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước”; “Kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Bộ Chính trị hồi tháng 7-2022 cũng ban hành Quy định số 69-QĐ/TW về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm thay thế Quy định số 102-QĐ/TW và Quy định số 07-QĐ/TW về nội dung này.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày tờ trình dự thảo Nghị quyết trước Quốc hội. Ảnh: Phạm Thắng |
Về mặt thực tiễn, Bộ trưởng Trà cho hay: hiện nay, quy định về thời hiệu xử lý kỷ luật đảng và thời hiệu xử lý kỷ luật hành chính đối với cán bộ, công chức, viên chức còn có sự khác nhau.
Chẳng hạn, trong nội bộ Đảng, thời hiệu áp dụng hình thức kỷ luật khiển trách là 05 năm, với kỷ luật cảnh cáo là 10 năm. Về nguyên tắc, đảng viên đó nếu công tác trong cơ quan, tổ chức, đơn vị Nhà nước thì sẽ phải chịu thêm kỷ luật hành chính tương ứng là khiển trách, cảnh cáo. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành quy định thời hiệu kỷ luật hành chính với hinh thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo là 2 và 5 năm.
“Do có sự khác nhau nên thực tế phát sinh một số trường hợp đã bị kỷ luật đảng nhưng khi xem xét xử lý kỷ luật hành chính thì các cơ quan kiến nghị không xử lý kỷ luật, do đã hết thời hiệu theo quy định của Luật” - Bộ trưởng Trà trình bày.
Bà Trà cho biết, độ vênh giữa luật pháp và quy định của Đảng ảnh hưởng đến việc tuân thủ nguyên tắc “kỷ luật đảng không thay thế kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể; trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày công bố quyết định kỷ luật về Đảng, phải kỷ luật về hành chính, đoàn thể (nếu có) theo quy định của cơ quan nhà nước, đoàn thể”, và “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”.
Để xử lý thấu đáo vấn đề này, như PLO hôm qua đã giới thiệu, là cần sửa hai Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Nhưng sửa luật thì cần có thời gian. Vì vậy, sau khi các cơ quan có thẩm quyền thống nhất, thì Chính phủ đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn tại kỳ họp thứ 4 về nội dung này.
Giải pháp này mới xuất hiện không lâu trước khi Quốc hội khai mạc kỳ họp thứ 4, và đã được bổ sung vào chương trình làm việc. Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã họp thẩm tra, tán thành. Ủy ban Thường vụ Quốc hội ở phiên họp mới đây đã cho ý kiến hoàn thiện.
Dự thảo Nghị quyết được đọc trước Quốc hội sáng nay có thể hiểu là giải pháp pháp lý tạm thời trong khi cần sửa luật. Theo đó, dự thảo có nội dung ngắn gọn:
Áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật 5 năm đối với hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức đến mức phải xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách; 10 năm đối với hành vi vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo trở lên.
Các trường hợp không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật được thực hiện theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.
Giao Chính phủ hướng dẫn quy định về thời hiệu xử lý kỷ luật bảo đảm thực hiện đồng bộ, thống nhất trong toàn hệ thống chính trị; khẩn trương nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét, quyết định việc sửa đổi Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, bảo đảm đồng bộ với quy định của Đảng”.
Nghị quyết này khi được thông qua sẽ tăng tính nghiêm khắc trong chế tài kỷ luật hành chính với cán bộ, công chức, viên chức là đảng viên.