Nếu đạt được thỏa thuận, đây sẽ là đợt tăng lương lớn nhất trong vòng 28 năm tại Nhật Bản. Rengo cho rằng việc tăng lương lần này cần tính đến tình trạng lạm phát gia tăng nhanh chóng trong những tháng vừa qua, để có thể đảm bảo cuộc sống cho người lao động.
Nhật Bản có truyền thống đàm phán việc tăng lương hàng năm, với mức tăng trung bình từ 3 đến 4%. Năm nay, Nhật Bản đang trải qua lạm phát cao hơn mọi năm.
Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản (MIC) ngày 21/10 thông báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cơ bản ở nước này trong tháng 9/2022 đã tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tháng thứ 13 liên tiếp chỉ số này tăng, nhưng là lần đầu tiên chạm ngưỡng 3% kể từ năm 2014.
Đáng chú ý, đây là tháng thứ 6 liên tiếp chỉ số này ở trên mức mục tiêu 2% của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ). Nếu loại trừ tác động của các đợt tăng thuế tiêu dùng, đây là mức tăng CPI cơ bản (không bao gồm biến động giá thực phẩm tươi sống) cao nhất kể từ năm 1991.
Trong kỳ báo cáo, CPI không bao gồm giá thực phẩm tươi sống và năng lượng chỉ tăng 1,8%. Điều này cho thấy các mặt hàng thực phẩm tươi sống và năng lượng đang tác động lớn tới lạm phát ở Nhật Bản. Cụ thể, giá năng lượng (điện, khí đốt và xăng dầu) ở Nhật Bản trong tháng Chín tăng tới 16,9%, trong khi giá thực phẩm không bao gồm các mặt hàng mau hỏng tăng 4,6%.
Giữa bối cảnh đó, BoJ vẫn duy trì quan điểm rằng lạm phát do chi phí sinh hoạt thúc đẩy ở Nhật Bản hiện nay sẽ không bền vững. Thống đốc BoJ Haruhiko Kuroda dự báo CPI có thể sẽ tiếp tục tăng trong thời gian từ nay tới cuối năm, một phần do đồng yen mất giá, nhưng chỉ số này sẽ ở dưới ngưỡng mục tiêu 2% của BoJ vào tài khóa tới. Vì vậy, BoJ cho rằng việc nới lỏng chính sách tiền tệ là cần thiết để đảm bảo thực hiện thành công mục tiêu duy trì lạm phát ổn định ở mức 2% đi kèm theo việc tăng lương.
Để giảm bớt tác động của lạm phát tới các hộ gia đình và doanh nghiệp trong nước, hôm 9/9, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định thực hiện gói biện pháp mới. Theo đó, Nhật Bản sẽ chi khoảng 900 tỷ Yen (5,9 tỷ USD) để thực hiện chương trình trợ cấp trực tiếp 50.000 Yen/hộ cho các hộ gia đình có thu nhập thấp được miễn thuế cư trú. Chính phủ cũng sẽ gia hạn chương trình trợ cấp cho các nhà nhập khẩu và bán buôn xăng dầu nhằm duy trì ổn định giá nhiên liệu trong nước.
Hiện nay, Chính phủ Nhật Bản đang xây dựng gói kích thích kinh tế mới tập trung vào ba lĩnh vực, gồm: giải quyết tình trạng giá cả hàng hóa leo thang và đồng yen mất giá; thúc đẩy tăng lương; mang lại sức sống mới cho nền kinh tế thông qua đầu tư và cải cách. Chính phủ Nhật Bản dự kiến sẽ đệ trình gói kích thích này lên Quốc hội để xem xét và thông qua trong kỳ họp bất thường hiện nay.
VTV.vn - Tỷ lệ lạm phát tiêu dùng cơ bản của Nhật Bản đã tăng lên 3,0% vào tháng 9, mức cao nhất trong 8 năm qua.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.75843015022012202-man-82-gnort-tahn-nol-gnoul-gnat-tod-iot-gnouh-nab-tahn/et-hnik/nv.vtv