Thông tin với Tuổi Trẻ Online ngày 20/10, ông Sơn Văn Luận, Giám đốc Hợp tác xã Khoai lang Thanh Ngọc (huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long) cho biết, hiện phía Trung Quốc vẫn đang còn tiến hành khảo sát, kiểm tra vùng trồng… để cấp mã vùng xuất khẩu chính ngạch.
Bình Tân là vùng chuyên canh khoai lang lớn nhất miền Tây với tổng diện tích khoảng 13.000 hecta, tổng sản lượng khoảng 300.000 tấn/năm. 80% tập trung gieo trồng khoai lang tím Nhật để xuất khẩu, 20% là giống khoai lang đỏ, khoai sữa để phục vụ nhu cầu trong nước. Vào vụ, mỗi ngày có 100 - 200 tấn khoai được thương lái thu mua để xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á.
Tuy nhiên, theo ông Luận, trong tổng số 13.000 hecta diện tích trồng khoai thì hiện nông dân Bình Tân đã chuyển đổi hơn 50% diện tích đất sang trồng rau màu, mít…
"Một nửa diện tích còn lại nông dân để đất trống, không dám tái canh tác khoai. Nếu được xuất khẩu chính ngạch thì phải có vùng trồng, có vùng trồng mới được cấp mã vùng.
Nhưng hiện vùng trồng không có. Một số ít diện tích nhỏ trồng khoai sữa cung cấp cho doanh nghiệp trong nước. Giá khoai lang tím Nhật hiện tại là 11.000 đồng/kg, nhưng hầu như không còn ai trồng nữa", ông Luận cho hay.
Thực tế, kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện từ đầu năm 2020, đường xuất khẩu bị tắc nghẽn thời gian dài đã khiến cho giá khoai lang tím nhật ở Bình Tân lao dốc không phanh.
Một mùa khoai nông dân lỗ trung bình 20 triệu đồng/công đất. Kéo dài 2 năm, người trồng khoai hết vốn tái sản xuất. Đây chính là nguyên nhân khiến nông dân bỏ hẳn cây khoai. Vụ mùa 2022 này, toàn huyện Bình Tân chỉ xuống giống 699 hecta, ít hơn đến 6.300 hecta so với cùng kỳ. Hầu hết các diện tích bỏ khoai đã lên bờ trồng mít thái ruột vàng, bưởi, thanh long và lúa.
Chị Nguyễn Hồng Nhung, ở ấp Thành Lộc, xã Thành Trung, huyện Bình Tân cho biết gia đình chị đã chuyển hẳn 6 công đất trồng khoai sang trồng lúa được 1 năm. Chị Nhung vốn dự định trồng lúa 1 –2 mùa sẽ quay lại với cây khoai nhưng đã hơn 2 năm giá khoai không khởi sắc nên gia đình tiếp tục chọn cây lúa làm cây chủ lực.
“Trồng khoai cực quá mà toàn lỗ nên trồng lúa dù lời ít mà chắc. Trồng lúa không lời nhiều hơn khoai nhưng không đến nỗi lỗ như khoai. Trồng 1 công khoai là đổ vô 15-20 triệu vốn mà dở lên chỉ đủ trả tiền công. Giá khoai rất bấp bênh, lỗ 2 vụ là hết vốn”, chị Nguyễn Hồng Nhung bộc bạch.
Trước năm 2016, giá khoai lang xuất khẩu đạt hơn 1 triệu đồng/tạ (1 tạ = 60 ký), từ năm 2017 đến 2019 giá khoai giảm còn 480.000 - 510.000 đồng/tạ. Bắt đầu vụ mùa 2020 đến nay, khoai liên tiếp “chìm” trong cơn sụt giá từ 240.000 đồng/tạ, rồi 90.000/tạ và đỉnh điểm năm 2021 là 50.000/tạ.
Sau nhiều năm "thấm đòn" thua lỗ vì trồng mà không bán được, giá rớt thê thảm, nông dân "thủ phủ" khoai lang tím Nhật đang rất ngại tái canh tác dù có thông tin được xuất khẩu chính ngạch.
Giám đốc Hợp tác xã Khoai lang Thanh Ngọc cho hay, gần 2 năm nay đơn vị đã hoàn toàn ngưng hoạt động kinh doanh, mua bán khoai lang do nông dân và hợp tác xã đều thua lỗ nặng.
"Có nhiều lúc trồng khoai bán không ai mua, có lúc giá chỉ vài trăm đồng, vài nghìn đồng mỗi ký nên bà con đã mất lòng tin vào thị trường tiêu thụ. Giờ nghe thông tin củ khoai được xuất khẩu chính ngạch, người dân vẫn đang rất ngại tái canh tác.
Hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam lẫn Trung Quốc đến đặt vấn đề trồng và bao tiêu. Tuy nhiên, bà con giờ đặt ra điều kiện phía doanh nghiệp phải hỗ trợ 50% chi phí trồng trọt thì mới tái canh tác", ông Luận nói. Theo ông, khó khăn nhất là doanh nghiệp dù đồng ý nhưng buộc chính quyền phải đứng ra bảo đảm thì mới ký kết hợp đồng.
Theo báo cáo từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vĩnh Long, hiện nguồn cung hạn chế nên giá khoai lang tím Nhật liên tục tăng trong tháng 10. Cuối tuần rồi giá khoai lang tím ở mức 500.000 đồng/tạ, tăng gấp 5 lần so tháng trước. Khoai lang trắng hiện cũng nằm ở mức 250.000 đồng/tạ, tăng 70.000 đồng/tạ, khoai trắng sữa ổn định giá 120.000 đồng/tạ.
Diện tích trồng khoai đang giảm rất mạnh, vụ hè thu 2022 toàn tỉnh Vĩnh Long xuống giống được 367ha, giảm 88,8%, tương đương giảm gần 3.000ha so với cùng kỳ năm ngoái.
Minh Hoa (t/h)