Cục diện chính trị Trung Quốc sẽ thay đổi nhiều khi Thủ tướng Lý Khắc Cường, kém ông Tập hai tuổi và cũng là nhân vật quyền lực thứ hai sau ông Tập, đã không có tên trong Ban Chấp hành Trung ương khóa mới.
Điều đó có nghĩa ông Lý sẽ nghỉ hưu khi chính phủ có nhân sự mới vào năm sau. Các nhân vật tiềm năng có thể thay ông Lý trải dài từ Phó thủ tướng Hồ Xuân Hoa, một người được coi là thân cận ông Lý, cho đến Bí thư Thành ủy Thượng Hải Lý Cường, một người được coi có quan điểm gần gũi ông Tập, hay Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông Lý Hy.
Với việc ông Tập - nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc - và lý thuyết gia của đảng ông Vương Hỗ Ninh tiếp tục có tên trong Ban Chấp hành Trung ương khóa mới cho thấy chính quyền Trung Quốc muốn nhấn mạnh sự liên tục trong chính sách đối nội và đối ngoại quyết đoán trong thời gian sắp tới.
Do đó, sự ổn định được ưu tiên hơn những thử nghiệm chính sách mới. Chính sách đối ngoại sẽ không có nhiều biến đổi, nhưng mang tính răn đe hơn.
Chính trong bài phát biểu khai mạc Đại hội đảng lần 20, ông Tập nhấn mạnh: "Chúng ta sẽ làm việc nhanh hơn để hiện đại hóa lý thuyết quân sự, nhân sự và vũ khí".
Khi ông Tập lên nắm quyền vào năm 2012, ông đã đưa ra một tầm nhìn sâu rộng về "sự phục hưng vĩ đại" của đất nước. Đó là "giấc mơ" đưa Trung Quốc trở thành quốc gia hùng mạnh và thịnh vượng với hai mục tiêu trăm năm vào năm 2021 và năm 2049.
Mục tiêu năm 2021 nhân kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc đã hoàn thành khi đưa Trung Quốc trở thành xã hội khá giả, và ông Tập mong muốn có thể biến Trung Quốc trở thành một quốc gia toàn diện đứng đầu thế giới vào năm 2049 nhân kỷ niệm 100 năm thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.
Việc tập hợp quanh mình những cộng sự thân thiết được kỳ vọng sẽ giúp ông Tập biến giấc mộng Trung Hoa của mình thành hiện thực.
Sau mười năm cầm quyền, ông Tập đã biến đổi Trung Quốc rõ rệt. Chính quyền Bắc Kinh đã rũ bỏ phương châm tập trung kinh tế, "giấu mình chờ thời", "quyết không đi đầu" như phương châm của ông Đặng Tiểu Bình, kiến trúc sư của cải cách kinh tế Trung Quốc, vốn được thực hiện nghiêm chỉnh dưới thời lãnh đạo của ông Giang Trạch Dân và ông Hồ Cẩm Đào.
Ông Tập đã đưa Trung Quốc trở thành một sức mạnh có thể tự tin cạnh tranh với Mỹ và phương Tây trên chính trường thế giới, với nền kinh tế thứ hai thế giới, một quân đội hiện đại và sức mạnh công nghệ đáng gờm.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa Trung Quốc không gặp những thách thức trong thời gian sắp tới khi các quốc gia phương Tây không nhìn về Trung Quốc giống như ông Tập.
Trong bài phát biểu, mặc dù ông Tập vẫn bày tỏ tin tưởng rằng sức mạnh và triển vọng của Trung Quốc đang tăng lên, nhưng ông cũng đưa ra những cảnh báo rõ ràng về sự gia tăng các mối đe dọa và thách thức mà Trung Quốc phải đối mặt. Vấn đề là mối đe dọa chính yếu không phải đến từ bên trong mà từ bên ngoài.
Điều lệ đảng cũng thể chế hóa những lo ngại của ông Tập khi đại hội đã thông qua việc sửa đổi điều lệ, bổ sung một số cụm từ bao gồm "đấu tranh", "phấn đấu", vốn được sử dụng khi nói về các thách thức hoặc các mối đe dọa bên ngoài.
Điều đó cũng báo hiệu Đảng Cộng sản Trung Quốc đang nhìn nhận bối cảnh thế giới sẽ đầy bất ổn trong thời gian tới, và họ cần phải quay xung quanh hạt nhân lãnh đạo "Tập Cận Bình". Một thời kỳ mới của dấu ấn Tập Cận Bình bắt đầu.
TTO - Ngay sau lễ bế mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (Đại hội 20), Tân Hoa xã đã công bố 205 thành viên của Ban Chấp hành Trung ương khóa mới.
Xem thêm: mth.55662008032012202-hnid-no-neit-uu-couq-gnurt/nv.ertiout