Ngày 24/10, Công an tỉnh Đồng Nai ra quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt tạm giam với ông Nguyễn Ngọc Phương, nguyên Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Đồng Nai.
Cùng bị bắt giữ với ông Phương còn có bà Trần Thị Huỳnh Hương, Trưởng phòng quản lý, nguyên Kế toán trưởng Sở KH&CN tỉnh Đồng Nai.
Ông Nguyễn Ngọc Phương và bà Trần Thị Huỳnh Hương bị cáo buộc về hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí.
Theo cơ quan công an, việc khởi tố đối với các bị can nói trên nằm trong quá trình mở rộng điều tra sai phạm xảy ra tại dự án nhân rộng mô hình sản xuất rau, quả trong nhà màng theo tiêu chuẩn VietGAP, và dự án nhà màng nông nghiệp ở Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai, do Sở KH&CN Đồng Nai quản lý.
Trước đó tháng 2/2021, Công an tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố vị can đối với ông Phạm Văn Sáng (nguyên Giám đốc Sở KH&CN Đồng Nai) để điều tra về hành vi vi phạm quy định trong đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng.
Sau khi Công an tỉnh Đồng Nai ra quyết định khởi tố thì xác định ông Nguyễn Văn Sáng đã bỏ trốn ra nước ngoài.
Bên cạnh đó, Công an tỉnh Đồng Nai cũng đã khởi tố, bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Quang Tuấn (nguyên Giám đốc Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai), để điều tra về hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí.
Theo tài liệu của cơ quan điều tra, trong quá trình thực hiện dự án nhân rộng mô hình sản xuất rau, quả trong nhà màng theo tiêu chuẩn VietGAP và dự án nhà màng nông nghiệp ở Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai (đóng tại địa bàn huyện Cẩm Mỹ), ông Nguyễn Văn Sáng với vai trò là Giám đốc Sở KH&CN Đồng Nai cùng ông Nguyễn Quang Tuấn - khi đó là Giám đốc Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai, đã gây thất thoát số tiền hơn 27 tỷ đồng.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Đồng Nai, giai đoạn 2011 - 2015, Khu Công nghệ cao công nghệ sinh học Đồng Nai (giai đoạn trực thuộc Sở KH&CN Đồng Nai quản lý) đã có 27 đề tài/dự án nghiên cứu khoa học, với tổng phê duyệt kinh phí gần 100 tỷ đồng (trong đó nguồn vốn nhà nước hơn 80%) đã được đầu tư triển khai nhưng hiệu quả đem lại là… thất vọng.
Tiến độ thanh quyết toán số đề tài, dự án trên bị ứ đọng, trì trệ hoặc phần lớn đề tài, dự án chưa có phương án xử lý tài sản hoặc không hình thành tài sản.
Dù dự án không hiệu quả, gây lãng phí hàng trăm tỷ đồng ngân sách Nhà nước, nhưng năm 2021, UBND huyện Cẩm Mỹ và các Sở, ngành, đơn vị liên quan tiếp tục đề xuất phương án chuyển Khu Công nghệ cao công nghệ sinh học thành Khu Công nghệ cao Đồng Nai, mở rộng thêm 250ha.
Cuối tháng 7/2022, Đoàn giám sát của Quốc hội đã làm việc với tỉnh Đồng Nai.
Qua thực tế đi thực địa các dự án đầu tư công tại Khu Công nghệ cao công nghệ sinh học Đồng Nai, đoàn giám sát nhận định: Các dự án này mặc dù đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, nhưng vẫn chưa phát huy được đầy đủ hiệu quả do có những sai phạm trong quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước chưa được khắc phục triệt để.
Được biết, Khu Công nghệ cao công nghệ sinh học Đồng Nai có tổng diện tích gần 210ha (tại xã Cẩm Đường, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai) do Sở KH&CN tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư.
Dự án có tổng nguồn vốn xây dựng hạ tầng ban đầu khoảng 640 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách. Mục tiêu của dự án là nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học hiện đại trong nông nghiệp, thực phẩm và y tế, môi trường tạo tiền đề xây dựng và phát triển khu đô thị công nghệ cao.
Tuy nhiên, sau nhiều năm triển khai, dự án có nhiều bất cập.
Cụ thể, có những hạng mục như đầu tư hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 1 với tổng vốn đầu tư khoảng 371 tỷ đồng từ ngân sách, nhưng đã nhiều năm vẫn chưa được thực hiện nghiệm thu; hoặc có hạng mục công trình mãi dây dưa, chưa đủ điều kiện để nghiệm thu hoàn thành, đưa vào sử dụng.
Phi Long-Anh Trọng