Ứng viên thực tập hỗ trợ người cao tuổi trước khi sang Nhật Bản làm việc - Ảnh: NGUYÊN BẢO
Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) vừa thông báo tiếp tục tuyển chọn ứng viên điều dưỡng hộ lý Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản trong khuôn khổ Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (chương trình EPA) khoá 11 với 240 chỉ tiêu.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Phạm Viết Hương, phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, cho biết qua trao đổi với cơ quan phía Nhật Bản, đến năm 2024, nước này dự kiến cần khoảng 60.000 người lao động trong lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi.
"So với ứng viên đi theo doanh nghiệp, ứng viên của chương trình EPA được tài trợ toàn bộ tiền ăn ở, học tập, vé máy bay khứ hồi, visa sang Nhật, hỗ trợ sinh hoạt phí khi học tiếng Nhật, tham gia đào tạo nâng cao…
Khi sang Nhật, ứng viên điều dưỡng và hộ lý được làm việc tại các cơ sở điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe, bệnh viện do Tổ chức Phúc lợi xã hội quốc tế (JICWELS) lựa chọn nên thu nhập và môi trường làm việc ổn định, an toàn", ông Hương cho hay.
Ông Phạm Viết Hương - phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước - Ảnh: GIA ĐOÀN
Ông Phạm Viết Hương nêu rõ chương trình EPA có mục đích phi lợi nhuận, rất phù hợp với những người muốn nâng cao nghiệp vụ ở nước ngoài mà không có điều kiện tài chính, đặc biệt là người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo. Mức lương của ứng viên điều dưỡng và hộ lý thông thường từ 160.000 - 180.000 yen/tháng.
Về điều kiện, ứng viên hộ lý tham gia EPA phải tốt nghiệp cao đẳng hoặc cử nhân điều dưỡng, điều dưỡng đa khoa, không quá 35 tuổi… Với ngành điều dưỡng, ngoài các điều kiện trên, người tham gia phải có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, ứng viên ít nhất 2 năm kinh nghiệm làm điều dưỡng (bao gồm thời gian tập sự 9 tháng).
Theo ông Hương, nhiệm vụ của điều dưỡng là theo dõi sức khoẻ, giao nhận thuốc theo đơn của bác sĩ, sử dụng thuần thục máy móc hỗ trợ người bệnh của điều dưỡng tại bệnh viện. Hộ lý sẽ tư vấn, hỗ trợ, chăm sóc người bệnh, tập phục hồi chức năng.
Người hành nghề điều dưỡng thì dự thi một lần/năm còn hộ lý thì sang năm thứ 4 sẽ thi chứng chỉ quốc gia. Nếu thi đỗ, ứng viên EPA sẽ được lựa chọn nơi làm việc theo nguyện vọng cá nhân và có thể đưa người nhà sang Nhật Bản. Tỉ lệ thi đỗ chứng chỉ hành nghề quốc gia để làm việc lâu dài ở Nhật Bản cao hơn các nước Indonesia, Philippines. Chẳng hạn, trên 90% hộ lý Việt Nam thi đỗ chứng chỉ quốc gia của Nhật Bản.
Tuy vậy, ông Hương lưu ý người lao động cần quyết tâm trau dồi tiếng Nhật, sắp xếp công việc tập trung trong 12 tháng trước khi đi Nhật. "Ngoài tinh thần quyết tâm thì người làm việc trong ngành chăm sóc sức khoẻ cần giao tiếp tốt, mềm mại trong công việc vì tiếp xúc, hỗ trợ người cao tuổi yêu cầu sự điềm tĩnh, nhẫn nhịn", ông Hương nhận định.
Thời gian nhận hồ sơ chương trình EPA khoá 11 từ 7-6-2022 đến 31-10-2022 (trừ thứ bảy, chủ nhật và ngày lễ). Ứng viên tìm hiểu thêm thông tin qua Cục Quản lý lao động ngoài nước theo số điện thoại 024.3824.9517 (số máy lẻ 513, 611).
Báo cáo mới của Chính phủ Nhật Bản cảnh báo lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nước này đang đối mặt với áp lực thiếu hụt đội ngũ y tế nghiêm trọng. Dự kiến vào năm 2040, nước này thiếu gần 1 triệu nhân viên.
Trong báo cáo thường niên trình bày trước nội các Nhật Bản gần đây của Bộ Y tế Nhật Bản, việc thu hút đủ lao động vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe được xác định là "một trong những hạng mục quan trọng nhất mà các dịch vụ an sinh xã hội phải đối mặt". Báo cáo cho biết chỉ có 9,74 triệu nhân viên sẵn sàng tham gia vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe vào năm 2040, thiếu 960.000 người, theo báo Asahi.
TTO - Báo cáo mới của Chính phủ Nhật Bản cảnh báo lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nước này đang đối mặt với áp lực thiếu hụt đội ngũ y tế nghiêm trọng, và sẽ thiếu gần 1 triệu nhân viên vào năm 2040.