Các doanh nghiệp Việt Nam đang tận dụng rất tốt lợi thế từ các Hiệp định thương mại đã có để đẩy mạnh xuất khẩu. Đặc biệt với lợi thế từ hiệp định thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), khu vực ASEAN cũng trở thành lựa chọn của không ít doanh nghiệp.
Thanh long là mặt hàng xuất khẩu chịu ảnh hưởng mạnh nhất khi thị trường xuất khẩu hạn chế. Cũng chuyên về các sản phẩm chế biến từ trái thanh long, thời gian qua Công ty Công nghệ thực phẩm Kim Hải đã phải nhanh chóng chuyển hướng thị trường khi việc xuất khẩu sang châu Âu và Trung Quốc bị tác động bởi chiến tranh và dịch bệnh.
Chọn thị trường mới là khu vực Đông Nam Á, doanh nghiêp cũng hoàn thành việc xin cấp chứng nhận Halah và trong thời gian ngắn nữa, nước ép thanh long cũng sẽ lên kệ siêu thị tại Malaysia.
"Trong bối cảnh hiện nay, cước phí logistics càng ngày càng tăng, tôi nhận thấy các nước ở gần Việt Nam là cơ hội cho mình và đặc biệt là cộng đồng Hồi giáo nên mình cố gắng tập trung vào những thị trường mới nổi như Malaysia, Indonesia", ông Phạm Cao Vân - Giám đốc Công ty Công nghệ thực phẩm Kim Hải cho hay.
Nhiều doanh nghiệp chuyển hướng xuất khẩu mạnh vào ASEAN. Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí.
Cũng lựa chọn chuyển hướng sang thị trường Đông Nam Á trong bối cảnh hiện nay, Công ty GC Food chọn hướng cung cấp các sản phẩm thô từ nha đam và thạch dừa cho các nhà máy chế biến tại Indonesia và Malaysia. Các thị trường này vốn ít được quan tâm trước kia, nhưng khoảng 1 năm gần đây lại có sự tăng trưởng tốt 20 -30% so với năm ngoái.
Ông Nguyễn Văn Thứ - Giám đốc Công ty GC Food cho hay: "Một trong những tín hiệu khá là tốt là chúng tôi cũng quay lại thị trường ASEAN. Tuy không phải là thị trường được đánh gía cao trước kia nhưng năm nay chúng tôi đã tiếp cận và xúc tiến thành công với một số khách hàng".
Việc xuất khẩu nông sản sang khu vực ASEAN cũng có được những thuận lợi nhờ tác động của hiệp định RCEP và FTA của Việt Nam với các nước trong khu vực. Theo số liệu từ Tổng cục Hải Quan cho thấy, trong 9 tháng đầu năm nay, tuy nhiều thị trường truyền thống có sự sụt giảm nhưng bù lại thị trường Đông Nam Á tăng gần 31% - đạt khoảng 220 triệu USD, trong đó Thái Lan là thị trường lớn nhất của rau quả Việt Nam.
"Thị trường ASEAN nhập nhiều nhất là Thái Lan, trong đó thanh long và sau đó là dừa. Nói chung thị trường mở nhưng doanh nghiệp chúng ta có hàng hay không. Điều này đòi hỏi người sản xuất nông dân phải liên kết với doanh nghiệp để có thể tạo ra nguyên liệu đạt chuẩn", ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam nói.
Theo nhiều doanh nghiệp, ASEAN là thị trường đang có nhiều thuận lợi, đặc biệt với các cam kết mở cửa thị trường hàng hoá, ưu đãi thuế quan và sự thuận lợi về vị trí địa lý. Vì vậy, Việt Nam có thể tận dụng sự tương đồng để đẩy mạnh xuất khẩu vào ASEAN trong bối cảnh các thị trường truyền thống gặp trở ngại.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.63183230152012202-naesa-oav-hnam-uahk-taux-gnouh-neyuhc-peihgn-hnaod-ueihn/et-hnik/nv.vtv