Mới đây, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có văn bản hồi âm đề nghị của Bộ Tài chính về góp ý Dự thảo Nghị định về kết nối và chia sẻ thông tin trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa; xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh người và phương tiện vận tải theo cơ chế một cửa quốc gia (sau đây gọi tắt là Dự thảo).
Khoản 18 Điều 9 Dự thảo quy định, VCCI là một trong những chủ thể cung cấp, chia sẻ thông tin mà mình quản lý qua Cổng thông tin một cửa quốc gia.
Theo quy định tại Phụ lục XVIII, các loại thông tin mà VCCI phải cung cấp, chia sẻ là: Danh sách doanh nghiệp và hàng hóa xin cấp C/O Việt Nam để xuất khẩu đi các nước; Danh sách Doanh nghiệp bị thu hồi C/O.
"Tuy nhiên, dự thảo lần này có 1 số nội dung dẫn tới nguy cơ chồng lấn về việc chuyển dữ liệu thông tin", VCCI cho biêt.
Cụ thể, Bộ Công Thương có tất cả các thông tin mà VCCI có trách nhiệm chia sẻ, cung cấp theo Phụ lục XIX, bởi vì theo yêu cầu quản lý, VCCI phải chuyển dữ liệu tới Bộ Công Thương – cơ quan quản lý về việc cấp C/O, cũng theo quy định tại khoản 5 Điều 30 Nghị định 31/2008/NĐ-CP “trường hợp các cơ quan có thẩm quyền trong nước và quốc tế yêu cầu cung cấp hồ sơ, chứng từ, thông tin và tài liệu đó, thương nhân, các cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa phải báo cáo Bộ Công Thương trước khi cung cấp”.
Khoản 2 Điều 9 Dự thảo quy định Bộ Công Thương cũng là chủ thể phải cung cấp và chia sẻ thông tin mà Bộ quản lý qua Cổng thông tin một cửa quốc gia, trong đó có các thông tin tương tự như thông tin VCCI cung cấp, chia sẻ tại Phụ lục XIX. Mặt khác, Dự thảo cũng như Phụ lục II không quy định rõ, thông tin về việc cấp C/O mà Bộ Công Thương chia sẻ là những thông tin C/O được cấp bởi Bộ Công Thương hay là tất cả các thông tin C/O (bao gồm cả những thông tin của các tổ chức được ủy quyền cấp).
"Vì vậy, sẽ có trường hợp cùng một thông tin nhưng cả Bộ Công Thương và VCCI đều chia sẻ qua Cổng thông tin một cửa quốc gia. Điều này sẽ là lãng phí về nguồn lực", VCCI nhận định.
Theo quy định tại Nghị định 31/2018/NĐ-CP, Bộ Công Thương có thể trực tiếp cấp C/O và/hoặc ủy quyền cho tổ chức khác cấp. Hiện nay, ngoài VCCI còn có một số đơn vị, tổ chức khác được ủy quyền cấp C/O. Các tổ chức được ủy quyền cũng phải có trách nhiệm kết nối và chia sẻ dữ liệu về việc cấp C/O cho Bộ Công Thương.
Bộ Công Thương là cơ quan có đầy đủ dữ liệu về các thông tin liên quan đến việc cấp C/O. Mục đích chính của quy định kết nối, chia sẻ thông tin về hoạt động cấp C/O là có được tất cả các thông tin liên quan đến hoạt động này. Vì vậy, yêu cầu cơ quan quản lý chia sẻ và kết nối thông tin sẽ đảm bảo được tính thống nhất, đầy đủ của thông tin.
Góp ý trên chưa được tiếp thu và được giải trình là “Đề nghị giữ như dự thảo để rõ trách nhiệm đơn vị chủ quản cơ sở dữ liệu”. Trong trường hợp trên, cơ quan chịu trách nhiệm quản lý các thông tin về việc cấp C/O là Bộ Công Thương, VCCI sẽ chịu trách nhiệm đối với Bộ Công Thương về việc chuyển dữ liệu thông tin về Bộ quản lý. Còn việc chia sẻ thông tin qua Cổng thông tin một cửa quốc gia thì nên tập trung vào một đầu mối là Bộ chủ quản sẽ phù hợp và giải quyết được những hạn chế nêu ở trên.
Vì vậy, VCCI bảo lưu ý kiến góp ý trên, tức là bỏ khoản 18 Điều 9 Dự thảo và bổ sung nội dung tại Phụ lục II Danh mục thông tin của Bộ Công Thương kết nối, chia sẻ qua Cổng thông tin một cửa quốc qua theo hướng cụ thể hơn: “thông tin lô hàng/doanh nghiệp được cấp C/O Việt Nam xuất khẩu đi các nước (bao gồm C/O cấp bởi các cơ quan, tổ chức được ủy quyền cấp)”, sửa tương ứng với thông tin lô hàng/doanh nghiệp bị thu hồi C/O.
Cũng theo VCCI, phụ lục XX liệt kê danh mục thông tin của các tổ chức, doanh nghiệp kết nối, chia sẻ qua Cổng thông tin một cửa quốc gia, trong đó có nhiều thông tin có thể khai thác từ cơ quan quản lý nhà nước.
Ví dụ:Thông tin từ doanh nghiệp bảo hiểm và chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài; Thông tin từ các Hiệp Hội; Thông tin từ đại lý hải quan; … Đây là các thông tin có thể khai thác được từ hệ thống dữ liệu của các cơ quan cấp giấy phép. Thông tin từ doanh nghiệp xuất nhập khẩu có thể khai thác từ cơ quan hải quan.
Việc Phụ lục XX yêu cầu nhiều tổ chức, doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực chia sẻ, kết nối dữ liệu thông tin qua Cổng thông tin một cửa quốc gia (ví dụ: doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistic phải cung cấp thông tin “Số lượng doanh nghiệp thuê thực hiện thủ tục hải quan”; Thông tin về bảo hiểm vận tải quốc tế, doanh nghiệp phải cung cấp “Tuyến đường mua bảo hiểm”, “Loại hàng hóa mua bảo hiểm”; “Giá trị gói bảo hiểm đối với hàng hóa theo tờ khai”; …) cần đánh giá tác động một cách kỹ càng để đảm bảo tính khả thi và không gia tăng chi phí cho doanh nghiệp. Dự thảo Tờ trình vẫn chưa có phần đánh giá tác động đối với quy định này.
"Đây là quy định sẽ tác động đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, đề nghị Ban soạn thảo đánh giá tác động đối với quy định này", VCCI ý kiến.
Tuệ Minh