Ở đó, người ta đến với thư viện không phải để đọc sách mà có thể "mượn"... người chịu lắng nghe câu chuyện của mình và "những cuốn sách người" ấy có thể cùng tỉ tê với "độc giả"! Cùng với các cộng sự 9X, Hải Yến đã hiện thực hóa dự án "Thư viện mượn người" này gần hai năm qua dưới hình thức trực tuyến mà nhiều người ở bất cứ đâu cũng có thể tham dự.
Ai cũng có những "vết sẹo"
Phần lớn tình nguyện viên được chọn vào vai trò "sách" để kể lại câu chuyện cuộc đời mình cho "độc giả" đều có những khó khăn, thử thách riêng trong cuộc sống, nhiều người trong số họ phải đối diện với cả những định kiến xã hội. Nhưng họ đều đang vươn lên để sống, tiếp tục ước mơ và nỗ lực từng ngày.
"Những người được chọn trở thành "sách" không nhất thiết phải là người thành công trong xã hội. Ngược lại, mình khuyến khích những ai đang đối diện với kỳ thị, mất mát, khó khăn... hãy lên tiếng, vì câu chuyện của họ xứng đáng được lắng nghe", Hải Yến nói.
Thế nên, nhiều nhân vật "sách" mà cô lựa chọn từng là nạn nhân của lạm dụng tình dục, bị trầm cảm, người thuộc cộng đồng LGBT, người trải qua nỗi đau mất người thân.
Mỗi người đều mang trong mình những "vết sẹo" riêng. Bản thân Yến cũng là "sách" trong dự án. Câu chuyện cô gái mang đến cho "độc giả" chính là bài học cô từng chối bỏ bản thân một thời gian dài cho đến khi học được cách yêu những khuyết điểm của chính mình.
Số là Yến từng bị vết sẹo lớn trên mặt sau một lần té ngã khi bé, và mẹ thường nói nếu không có vết sẹo ấy cô sẽ đẹp lắm. Nên từng có thời gian dài Yến rất ghét bản thân và luôn muốn khi có đủ tiền, việc đầu tiên phải làm là đến thẩm mỹ viện xóa sẹo.
Ấy vậy mà sau lần thẩm mỹ hỏng, vết sẹo trên mặt còn hiện rõ hơn trước kia! "Mình nhận ra bài học ấy không chỉ cho mình mà của rất nhiều cô gái. Chúng ta thường không yêu được những gì mà người khác gọi là khuyết điểm.
Chúng ta không yêu bản thân mình, cố gắng chạy theo tiêu chuẩn của nét đẹp mà xã hội đặt ra, để làm gì?", Yến tự hỏi và tiếp: "Tôi thực hiện "Thư viện mượn người" như bắc chiếc cầu để những ai từng tổn thương, mất mát được một lần lên tiếng, để nhận được sự sẻ chia và từ đó học cách yêu thương chính mình".
Những mảnh ghép gặp nhau
Trên nền tảng Zoom, "Thư viện mượn người" diễn ra từ 9h - 11h sáng gồm hai phiên đọc sách, mỗi phiên 30 - 35 phút cả hỏi đáp giữa "độc giả" và "sách".
Thường Hải Yến bắt đầu bằng cách giới thiệu lý do thành lập thư viện này, gửi gắm thông điệp hãy lắng nghe và đừng phán xét câu chuyện của bất kỳ ai đến người tham dự. Theo quy định, những ai tham gia vai trò "sách" đều phải mở camera trong quá trình chia sẻ.
Có nhiều người mang đến câu chuyện bản thân dù đang làm lĩnh vực nhân sự, nhân viên ngân hàng nhưng quyết định rẽ hướng làm họa sĩ dù đối mặt với nhiều phản đối từ gia đình. Và vô tình những "độc giả" như thế đã có cơ duyên gặp nhau mà Hải Yến gọi đó là những mảnh ghép tìm thấy nhau tại thư viện khá đặc biệt này.
"Có người là bệnh nhân ung thư tình cờ gặp được "quyển sách" từng mất người thân vì căn bệnh này. Qua trò chuyện, vị "độc giả" hiểu được cách phản ứng của người thân xung quanh mình, cả những điều từng khiến cô ấy buồn lòng để sau đó thấy nhẹ lòng hơn", Hải Yến kể.
Chị Võ Thị Phương Lan - đang sống tại New York (Mỹ), là một "độc giả" - cho biết chị đã mượn được "quyển sách" mang tên "mất mát".
"Quyển sách" đã chia sẻ tâm trạng của người con khi đối mặt với việc mẹ mắc ung thư và qua đời. "Câu chuyện của bạn ấy cho tôi hiểu lý do vì sao khi tôi bệnh, con gái lại có những lúc giận hờn và hỏi mình "tại sao mẹ lại mắc bệnh nan y?"", chị Lan chia sẻ.
Trong lần trở về Việt Nam thăm gia đình, biết đến dự án "Thư viện mượn người", chị Phương Lan quyết định tham gia ở cả hai vai trò "độc giả" và "sách".
"Mình rất thích nghe sách nói và đây là hình thức mới để mình "đọc" sách. Bản thân là bệnh nhân ung thư và may mắn được chữa trị, mình mong được chia sẻ câu chuyện của chính mình, nói về diễn biến tâm lý của một bệnh nhân ung thư và nỗi lòng của họ dành cho người ở lại", chị Lan nói.
Trong nhóm cộng đồng riêng của những người từng tham gia "Thư viện mượn người", có rất ít người rời đi sau khi chương trình kết thúc. Hải Yến nói không gì vui bằng khi nhận lại những lời động viên, cảm ơn từ người tham dự.
TTO - Hôm nay, Thư viện sách nói kỷ niệm 20 năm hoạt động (từ 1998). Cũng hôm nay, thư viện chính thức đổi tên: Thư viện sách nói Hướng Dương dành cho người mù.
Xem thêm: mth.44273542252012202-iougn-noum-neiv-uht-o-gnol-om/nv.ertiout