Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Luật Các tổ chức tín dụng đã tạo ra hành lang pháp lý cần thiết cho hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD). Luật đã quy định cụ thể phạm vi hoạt động của từng loại hình TCTD, trong đó lấy hoạt động của ngân hàng thương mại làm căn cứ dẫn chiếu khi quy định phạm vi hoạt động của các loại hình TCTD khác.
Luật Các TCTD đã tạo điều kiện cho các TCTD nâng cao chất lượng công tác quản trị, nâng cao năng lực quản trị rủi ro trong hoạt động ngân hàng, từng bước tiếp cận dần với những chuẩn mực và thông lệ quốc tế.
"Tuy nhiên, quá trình thực hiện cơ cấu lại các TCTD, cùng với việc phát triển, thay đổi mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Luật các TCTD tiếp tục bộc lộ một số hạn chế, cần nghiên cứu bổ sung, chỉnh sửa cho phù hợp với thực tiễn hoạt động của TCTD và thực tiễn quản lý của cơ quan nhà nước", NHNN nhận định.
Cũng theo NHNN, để đảm bảo thực hiện kịp thời chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ, việc sửa đổi, bổ sung quy định của Luật các TCTD cần gắn với việc luật hóa quy định về xử lý nợ xấu của các TCTD tại Nghị quyết số 42 của Quốc hội.
Theo đó, trước mắt, bên cạnh việc nghiên cứu, rà soát và đề xuất luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu của các TCTD, Luật các TCTD cần xem xét, sửa đổi những vấn đề lớn, những chính sách lớn để đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng phù hợp với nguyên tắc thị trường, tiếp tục hoàn thiện khung pháp luật về xử lý nợ xấu, chấm dứt tình trạng sở hữu chéo; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ số trong lĩnh vực ngân hàng và phát triển những sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại. Tăng cường năng lực tài chính, quản trị và chất lượng tín dụng của các TCTD, quỹ tín dụng nhân dân bảo đảm hoạt động an toàn, hiệu quả, ổn định và bền vững.
Những vấn đề không cấp thiết sẽ được hoàn thiện, chỉnh sửa trong thời gian tới hoặc trong quá trình tổng kết, đề xuất ban hành dự án Luật thay thế. Trên cơ sở đó, những chính sách, nhóm vấn đề cần được xem xét trong quá trình sửa đổi, bổ sung quy định của Luật các TCTD như sau:
Thứ nhất, các vấn đề về nâng cao yêu cầu quản trị, điều hành, hạn chế lạm dụng quyền cổ đông lớn, quyền quản trị, điều hành để thao túng hoạt động của TCTD.
Sửa đổi, bổ sung các quy định về an toàn trong hoạt động của TCTD nhằm ngăn ngừa sở hữu chéo, ngăn ngừa việc lạm dụng quyền quản trị, điều hành, quyền cổ đông lớn để thao túng hoạt động của TCTD theo hướng: Giảm tỷ lệ nắm giữ của 1 cổ đông, cổ đông và người có liên quan của cổ đông để hạn chế việc chi phối, thâu tóm, đảm bảo tính đại chúng của TCTD; Sửa đổi, bổ sung quy định tổ chức quản trị, điều hành của quỹ tín dụng nhân dân;...
Thứ hai, các vấn đề về nâng cao chất lượng hoạt động của TCTD.
Sửa đổi, bổ sung quy định về hoạt động cho vay, gửi tiền giữa các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, dịch vụ ngân quỹ, nghiệp vụ đại lý của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; Giảm tỷ lệ giới hạn cấp tín dụng và nghiên cứu, rà soát về các tỷ lệ an toàn khác trong hoạt động của TCTD cổ phần; Sửa đổi, bổ sung quy định về không cùng đảm nhiệm chức vụ của người quản lý, điều hành TCTD; Sửa đổi, bổ sung quy định về nội dung hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô;...
Thứ ba, các vấn đề về tạo lập nền tảng pháp lý cho hoạt động chuyển đổi số của TCTD.
Sửa đổi các quy định liên quan đến ngân hàng điện tử; hoạt động cấp tín dụng sử dụng các phương tiện điện tử; Bổ sung quy định để hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động chuyển đổi số của TCTD;...
Thứ tư, khắc phục bất cập, vướng mắc liên quan đến cơ cấu lại TCTD yếu kém.
Theo NHNN, việc xử lý TCTD yếu kém là vấn đề khó khăn, phức tạp và gây ra rủi ro pháp lý cho NHNN nói chung cũng như các cán bộ tham gia trực tiếp vào quá trình tái cơ cấu các TCTD được kiểm soát đặc biệt. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý cán bộ (trên thực tế có không ít cán bộ xin nghỉ việc hoặc xin chuyển công tác khi được giao thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến xử lý TCTD yếu kém, bao gồm các việc tham gia ban kiểm soát đặc biệt) do pháp luật không có cơ chế miễn trừ trách nhiệm cho các cán bộ này trước các rủi ro pháp lý. Điều này đã tác động và ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn nhân lực xử lý TCTD yếu kém, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả xử lý TCTD yếu kém.
Từ đó, NHNN đề xuất sửa đổi một số quy định về cơ cấu lại TCTD cho phù hợp với thực tiễn triển khai thi hành quy định về kiểm soát đặc biệt TCTD, xử lý TCTD yếu kém; tổ chức, hoạt động của ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc; biện pháp hỗ trợ TCTD được áp dụng can thiệp sớm;...
Bổ sung một số quy định mới như cơ chế hỗ trợ TCTD tham gia vào quá trình tái cơ cấu, miễn trừ trách nhiệm của người tham gia tái cơ cấu; Điều chỉnh một số nội dung, chỉ tiêu tính toán tỷ lệ, giới hạn an toàn trong quá trình hỗ trợ TCTD được kiểm soát đặc biệt cũng như các TCTD tham gia vào quá trình cơ cấu lại các TCTD yếu kém; Tập trung vào việc phát hiện, xử lý nội dung không hiệu quả trong thực tiễn về kiểm soát đặc biệt TCTD, xử lý TCTD yếu kém;...
Tuệ Minh