Theo Tổng cục Thống kê, giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 9 tháng đầu năm 2022 ước đạt 15,43 tỉ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là số vốn FDI thực hiện trong 9 tháng cao nhất 5 năm qua.
Nhiều nước đầu tư vào TP HCM
Trong 63 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 9 tháng năm nay, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 1,45 tỉ USD; tiếp đó là Đan Mạch, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc...
Riêng tại TP HCM, trong bối cảnh kinh tế đang phục hồi mạnh mẽ, các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục chọn thành phố làm "cứ điểm" cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ... 9 tháng đầu năm, TP HCM ghi nhận 2,97 tỉ USD vốn FDI cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp; tăng 26,1% so với cùng kỳ năm ngoái. TP HCM tiếp tục dẫn đầu cả nước về số dự án FDI còn hiệu lực với 11.007 dự án và số vốn đăng ký trên 55,4 tỉ USD.
Khu Công nghệ cao TP HCM đang là điểm đến đáng tin cậy về đầu tư công nghệ cao khi có sự hiện diện của hơn 10 tập đoàn hàng đầu thế giới. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Dự kiến từ ngày 28-10 đến 1-11, tại TP HCM sẽ diễn ra Tuần lễ giao lưu Văn hóa, Thương mại và Đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc với nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư, kết nối doanh nghiệp (DN) nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa 2 nước. Đại diện Sở Ngoại vụ TP HCM cho rằng sự kiện là không gian cho DN 2 nước giao lưu, quảng bá những sản phẩm chất lượng, góp phần đẩy mạnh xuất khẩu và tận dụng hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc. Ông Kwon Kiman, Tham tán Thương mại Hàn Quốc tại TP HCM, cho biết sự kiện lần này nằm trong kế hoạch nâng tầm quan hệ giữa 2 quốc gia lên mức độ cao nhất, đó là đối tác chiến lược toàn diện.
Mới đây, đoàn 23 DN Áo đã đến TP HCM tìm cơ hội hợp tác kinh doanh trong các lĩnh vực: hạ tầng giao thông vận tải, công nghiệp ôtô, tự động hóa, đô thị thông minh, phát triển năng lượng xanh và y tế. Bà Barbara Eibinger - Miedl, Bộ trưởng Kinh tế, Du lịch, Khoa học và Nghiên cứu của Bang Styria - Cộng hòa Áo, nhấn mạnh đây là những lĩnh vực mà DN Áo đã đầu tư cũng như có ý định mở rộng đầu tư và hợp tác trong thời gian tới nhằm tận dụng tốt nhất Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA).
Hút dòng vốn chất lượng cao
Trao đổi với báo chí mới đây, đại diện Techtronic Industries (TTI, trụ sở chính tại Hồng Kông - Trung Quốc) cho biết sau khoảng 4 năm đầu tư vào Việt Nam, tập đoàn đã có hơn 8.000 nhân viên làm việc tại các nhà máy sản xuất và văn phòng đại diện ở nhiều tỉnh, thành phố. Hầu hết lĩnh vực kinh doanh của TTI như dụng cụ chuyên nghiệp Milwaukee, dụng cụ dân dụng, thiết bị ngoài trời, dụng cụ chăm sóc và làm sạch sàn đều có hoạt động sản xuất tại Việt Nam. TTI cũng đang xúc tiến dự án có vốn đăng ký 650 triệu USD tại Khu Công nghệ cao TP HCM (SHTP) với mục tiêu sản xuất phụ kiện, thiết bị điện cầm tay thông minh dùng trong ngành công nghiệp và dân dụng, thành lập trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) trong lĩnh vực điện tử. "TTI xác định Việt Nam là "cứ điểm" sản xuất chiến lược, nơi công ty cam kết đầu tư lâu dài, đặc biệt chú trọng đầu tư nhà máy sản xuất hiện đại, hệ sinh thái chuỗi cung ứng và đóng góp vào tăng trưởng GDP, nguồn nhân lực..." - đại diện TTI bày tỏ.
Bà Cao Thị Phi Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP HCM, cho biết TP HCM là một trong những lựa chọn hàng đầu của nhà đầu tư nước ngoài bởi thế mạnh là trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với trên 10 triệu dân, thu nhập bình quân đầu người gấp đôi cả nước. Trong đó, SHTP đang là điểm đến đáng tin cậy về đầu tư công nghệ cao khi có sự hiện diện của hơn 10 tập đoàn công nghệ cao hàng đầu thế giới, như: Intel, Jabil, Rockwell Automation, Nidec, Nipro, Samsung... với 51 dự án và tổng vốn 10,1 tỉ USD; chiếm 84% tổng vốn đầu tư.
Ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban Quản lý SHTP, cho biết SHTP đang bước sang giai đoạn phát triển mới, trọng tâm là phát triển năng lực nội sinh, tập trung vào ngành, lĩnh vực có tính đột phá, tác động lan tỏa cao trên cơ sở khai thác các hệ sinh thái ngành mạnh đã hình thành tại đây; khai thác thế mạnh về chất lượng nguồn nhân lực, tiềm lực khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Bên cạnh dòng vốn từ nhà đầu tư mới, Việt Nam còn đón nhận nguồn vốn bổ sung, mở rộng quy mô của những DN FDI lớn đang hoạt động. Công ty First Solar Việt Nam (thuộc Tập đoàn First Solar, Mỹ) có mặt tại Việt Nam từ năm 2018 với vốn đầu tư 1,06 tỉ USD để xây dựng và vận hành nhà máy sản xuất tự động hóa tấm pin năng lượng mặt trời công nghệ màng mỏng. Hiện Nhà máy First Solar Việt Nam hoạt động tại Khu Công nghiệp Đông Nam, TP HCM. Đầu năm 2022, công ty đầu tư thêm 60 triệu USD để nâng cao năng lực sản xuất. Quyết định này nhằm nắm bắt cơ hội xuất khẩu trong bối cảnh làn sóng chuyển đổi sang năng lượng tái tạo đang gia tăng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Đặc biệt, tháng 6-2022, Mỹ công bố miễn thuế đối với tấm pin năng lượng mặt trời từ Việt Nam trong vòng 2 năm, tạo thêm thuận lợi cho First Solar. "Trong năm 2020 và 2021, Công ty First Solar Việt Nam đã định vị Việt Nam trên bản đồ thế giới với vai trò nhà sản xuất tấm pin mặt trời màng mỏng tiên tiến hàng đầu" - đại diện DN này nói.
Nhiều tiềm năng tăng trưởng
Kết quả Chỉ số Môi trường Kinh doanh do Hiệp hội DN châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam công bố cho thấy dù niềm tin của các DN châu Âu giảm nhẹ nhưng vẫn có tới 45% DN được hỏi đã trả lời tích cực về triển vọng kinh doanh trong quý IV/2022. Đáng chú ý, 42% DN FDI cho rằng công ty của họ sẽ tăng dòng vốn vào Việt Nam trong cuối năm nay.
Ông Alain Cany, Chủ tịch EuroCham tại Việt Nam, nhận định Việt Nam mang lại cơ hội đầu tư lớn cho các DN châu Âu. Thông qua EVFTA và cam kết chung của EuroCham về phát triển bền vững, các công ty Việt Nam và châu Âu có rất nhiều tiềm năng tăng trưởng. "Việt Nam chắc chắn sẽ có vị thế tốt hơn trong 2-3 năm tới, chứng tỏ là một trong số các điểm đến đầu tư và kinh doanh năng động nhất" - ông Alain Cany nhìn nhận.
Ông Thue Quist Thomasen, Giám đốc điều hành của Decision Lab, đánh giá môi trường kinh tế toàn cầu ngày càng xấu đi đang ảnh hưởng đến sự lạc quan của các DN châu Âu tại Việt Nam. Tuy nhiên, bằng cách kiểm soát lạm phát, cải thiện xếp hạng tín dụng và tiếp tục tăng trưởng, Việt Nam vẫn duy trì được niềm tin từ phía DN về triển vọng phát triển trong tương lai.
Xem thêm: mth.1892121262012202-ob-od-iaogn-nov-gnod-nod/et-hnik/nv.moc.dln