Thái Lê Linh Ngọc (thứ hai, từ trái qua) cùng các bạn biểu diễn dân ca, điệu hát ru của người Pa Cô trong giờ sinh hoạt lớp - Ảnh: NGỌC TOÀN
Nhưng càng lớn, cô học trò lớp 12B1 Trường THPT A Lưới (Thừa Thiên Huế) ấy càng nhận ra dường như những điệu hát ru truyền thống đang ngày một vắng dần trong đời sống của người Pa Cô ở miền rẻo cao A Lưới.
Phải làm gì đó để người đồng bào mình không lạc mất câu hò, điệu hát ru truyền thống, Linh Ngọc nghĩ thế.
Cô gái trẻ mê điệu hát ru
Mở đầu tiết sinh hoạt lớp 12B1, cô Trương Thị Khánh Hòa - giáo viên chủ nhiệm - mời Linh Ngọc hát tặng cả lớp điệu "A bỉ a say", một điệu hát ru truyền thống của đồng bào dân tộc Pa Cô.
Bước lên bục giảng trong tiếng vỗ tay tán thưởng, Linh Ngọc thẹn thùng giới thiệu: "Đây là một trong nhiều điệu hát ru con truyền thống của các bà, các mẹ người đồng bào Pa Cô mình, gắn liền với thuở ấu thơ của mình và nhiều bạn ngồi đây khi được mẹ, được bà địu trên lưng bằng tấm zèng để cùng lên non, lên rẫy gieo bắp, trảy ngô".
Và cô bạn cất tiếng hát. Nét thẹn thùng ban đầu đã biến mất, nhường chỗ cho sự tự tin, luyến láy nhả chữ, thả hồn mình theo từng điệu nhạc: "A bỉ a say, Akay ơi! A bỉ a say, Akay hời! Mẹ thương Akay, mẹ thương bộ đội...".
Ca, múa, hát các điệu nhạc truyền thống của đồng bào Pa Cô vốn vẫn diễn ra tại lớp 12B1 vào tiết sinh hoạt cuối tuần, cũng là điều được Trường THPT A Lưới giữ gìn, nhân rộng trong hoạt động ngoại khóa. Với riêng Linh Ngọc, bạn tự tìm tòi, nghiên cứu về các làn điệu hát ru của người đồng bào mình.
Sinh ra và lớn lên trong gia đình Pa Cô có truyền thống hoạt động văn hóa, nghệ thuật ở miền rẻo cao A Lưới, từ nhỏ Ngọc đã được bà và mẹ thả vào hồn những điệu hát ru mượt mà, ấm nồng tình mẫu tử.
Nhiều bạn trẻ như Ngọc chẳng mấy người biết hát tiếng đồng bào Pa Cô, nhưng lại thuộc rất nhiều điệu nhạc trẻ "hot trend" trên mạng xã hội. "Em nghĩ cần phải làm gì đó để cội nguồn của mình không bị mai một, thất truyền", Linh Ngọc kể.
Đội mưa, băng rừng đi nghe... hát ru
Lên mạng tìm nghe những làn điệu dân ca của dân tộc mình nhưng hầu như có quá ít video, tài liệu về các làn điệu dân ca, đặc biệt là điệu hát ru của người Pa Cô.
Linh Ngọc đi tìm cô chủ nhiệm, nói với cô về ý nghĩ của mình. Cô Hòa đồng ý ngay. Vậy là hai cô trò bắt tay lập công trình nghiên cứu mang tên "Bảo tồn và phát triển các làn điệu dân ca dân tộc Pa Cô ở huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế".
Hai cô trò bắt đầu bằng việc tìm đến nhà những người lớn tuổi, già làng, nghệ nhân biết hát các điệu dân ca, điệu hát ru truyền thống của người Pa Cô nhờ họ hát rồi quay video lại, đồng thời tìm hiểu những tư liệu liên quan.
"Số nghệ nhân người Pa Cô còn thuộc những điệu hát ru, dân ca trên vùng rẻo cao này ngày càng ít dần. Nhờ phụ huynh dò hỏi, cô trò biết có người ở tận bản sâu mà tìm vào xin được nghe hát, chẳng ngại nắng mưa, có khi phải băng rừng đi tìm nhà", cô Hòa kể.
Mỗi chuyến đi, hai cô trò nhận được sự động viên của các già làng, một số nghệ nhân người Pa Cô. Trong lần tìm đến nhà nghệ nhân Hồ Thị Tư (Tar Dưr Tư), sau khi nghe Linh Ngọc hát, bà Tư khen: "Linh Ngọc hát dân ca Pa Cô khá tốt, còn trẻ nhưng đã nhận thức được việc gìn giữ nét văn hóa truyền thống cội nguồn của người Pa Cô" làm bạn vui "không ngủ được".
Sau hành trình tìm kiếm, hai cô trò phân loại được 10 làn điệu dân ca Pa Cô có nguy cơ thất truyền. Các video ghi hình nghệ nhân hát dân ca Pa Cô được hai cô trò chỉnh sửa, đăng lên YouTube, Facebook... như một cách để lưu giữ và quảng bá nét văn hóa của dân tộc mình.
Kết quả, đề tài nghiên cứu của cô và trò được trao giải tư cuộc thi Khoa học - kỹ thuật học sinh trung học tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2021.
Sẵn đà nghiên cứu, hai cô trò vẫn đang tìm kiếm những làn điệu khác còn đang lưu lạc trong dân gian để mở rộng đề tài. Mỗi lần tổ chức văn nghệ tại trường, Linh Ngọc cùng cô Khánh Hòa luôn là hạt nhân nòng cốt biểu diễn các tiết mục dân ca, điệu hò ru con của người Pa Cô.
"Được nghe, được hát tiếng mẹ đẻ chảy trong máu thịt của mình là điều em cảm thấy vô cùng hạnh phục. Mình sẽ cùng cô tìm thêm những làn điệu dân ca của đồng bào mình, cố gắng giữ gìn câu hát của cha ông cho mai sau", Ngọc nói.
Cô "học sinh 3 tốt"
Cô Nguyễn Thị Thu Hằng - hiệu trưởng Trường THPT A Lưới - cho biết Linh Ngọc luôn là một học sinh giỏi xuất sắc, đạt danh hiệu "Học sinh 3 tốt" của trường các năm học.
"Tích cực hoạt động phong trào, năng nổ và rất hay giúp đỡ bạn bè, ngoài nghiên cứu các điệu hát ru, Linh Ngọc còn đang cùng cô Khánh Hòa nghiên cứu, sưu tầm các nhạc cụ cổ truyền của người Pa Cô ở vùng rẻo cao A Lưới này", cô Hằng thông tin.
“Lời ru từ đại ngàn Tây Nguyên” diễn ra trong suốt tháng 6 tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam với sự tham gia của đồng bào 12 dân tộc là Tày, Dao, Mông, Thái, Mường, Khơ Mú, Tà Ôi, Cơ Tu, Raglai, Ê Đê, Khmer và Chăm.
Xem thêm: mth.55083851262012202-neyurt-taht-gnohk-yas-a-ib-a-ueid-ed/nv.ertiout