Sinh viên Trường ĐH Công nghệ thông tin, ĐH Quốc gia TP.HCM trong ngày khai giảng năm học mới - Ảnh: HOÀNG TRUNG ĐỨC
Trong tình hình đó, nhiều trường đã điều chỉnh kế hoạch đào tạo năm học 2022-2023, đồng thời bố trí, sắp xếp lịch học để đảm bảo tiến độ đào tạo.
Năm 2023 Bộ GD-ĐT nên có kế hoạch sớm hơn và rút gọn lịch tuyển sinh, không nhất thiết phải kéo quá dài thời gian như năm nay.
Ông Thái Doãn Thanh (phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM)
Xáo trộn
Theo ông Nguyễn Trung Nhân - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM - do thời gian tuyển sinh năm nay kéo dài hơn mọi năm nên gây xáo trộn kế hoạch đào tạo của trường. Trong năm học này, sinh viên khóa cũ của trường bắt đầu học từ ngày 8-8 và nhiều lớp đã thi giữa học kỳ.
Trong khi với sinh viên khóa tuyển sinh năm 2022, ngày 3-10 trường đã cho vào học ngay nhưng vẫn khá trễ so với mọi năm. Do vậy trường phải bố trí, sắp xếp lại kế hoạch đào tạo để tránh chậm trễ tiến độ toàn khóa học và không gây ảnh hưởng quyền lợi sinh viên.
Tương tự, ông Thái Doãn Thanh - phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM - cũng cho hay những năm trước trường thường gọi tân sinh viên nhập học cuối tháng 8 nhưng năm nay kế hoạch đào tạo bị trễ do thời gian tuyển sinh chung của Bộ GD-ĐT kéo dài thêm hơn một tháng.
"Trường dự kiến đợt 1 gọi các thí sinh xét tuyển bằng học bạ THPT và xét tuyển thẳng nhập học vào ngày 9-9. Nhưng sau đó phải đợi gọi nhập học chung với số thí sinh xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT luôn.
Năm nay dường như không có tuần dự trữ, sinh viên phải học và thi luôn mới kịp với tiến độ. Cũng do công tác tuyển sinh kéo dài nên năm nay phải đến ngày 20-11 trường mới tổ chức lễ khai giảng năm học mới" - ông Thanh nói.
Những năm trước, khoảng đầu tháng 9 sinh viên khóa mới của Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM đã nhập học và bắt đầu học môn giáo dục quốc phòng trong thời gian một tháng và sau đó vào học các môn học chính khóa.
Tuy nhiên năm nay với tiến độ tuyển sinh chậm nên đến tháng 10 tân sinh viên mới nhập học và học công dân đầu khóa. Việc học giáo dục thể chất nhà trường phải sắp xếp lại, dời sang sau học kỳ 1...
Học dồn, thi cuối tuần
Trước những xáo trộn trên, các trường đại học đã tính đến nhiều phương án để đảm bảo kế hoạch đào tạo. Ông Nguyễn Anh Vũ - trưởng phòng tư vấn tuyển sinh và phát triển thương hiệu Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM - cho biết: "Trường đang tính toán bố trí vào thời điểm phù hợp để không ảnh hưởng đến kế hoạch đào tạo chung của trường, cũng như tiến độ học tập của sinh viên".
Trong khi đó tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, đối với tân sinh viên học kỳ đầu tiên năm học này trường bố trí số tín chỉ các môn học ít hơn (khoảng 14-15 tín chỉ). Với những giờ trống, trường tăng giờ dạy lên để kịp tiến độ.
Ví dụ với một môn học ba tín chỉ trước đây thông thường sinh viên học ba tiết/tuần nhưng nay phải tăng lên 4-5 tiết/tuần. Khi tăng số tiết học trong tuần lên như vậy thì thay vì thời gian học khoảng 19 tuần/học kỳ (trong đó học 15 tuần, một tuần dự trữ và ba tuần thi) thì nay cho sinh viên học dồn để rút ngắn còn khoảng 15 tuần.
"Việc tổ chức thi giữa học kỳ, thi hết môn trường cũng bố trí vào các ngày cuối tuần để khỏi vướng lịch học. Chúng tôi hoàn toàn hiểu được khi tăng tiết học trong tuần sinh viên sẽ mệt và căng thẳng hơn. Nhưng nếu không làm cách này thì thời gian học kéo dài hơn dẫn đến việc sinh viên phải thi học kỳ sau Tết và ảnh hưởng đến tiến độ học tập ở các học kỳ tiếp theo nữa" - ông Nguyễn Trung Nhân nói.
Tương tự, để đảm bảo tiến độ học tập đối với sinh viên khóa 2022, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM cũng bố trí lịch học dồn lên nên mật độ học tăng lên so với các khóa trước. Cụ thể như trước đây mỗi ngày học bốn tiết nay phải học sáu tiết...
Do lịch tuyển sinh kéo dài
Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng đã điều chỉnh kế hoạch đào tạo năm học này. Theo kế hoạch cũ và những năm trước của trường này, học kỳ 1 kết thúc khoảng tháng 12 và sinh viên toàn trường thi học kỳ trước Tết Nguyên đán. Nhưng năm học này các khóa đều phải thi học kỳ vào tháng 2-2023.
Một cán bộ tuyển sinh của trường lý giải: "Do lịch tuyển sinh của Bộ GD-ĐT năm nay kéo dài, hầu hết các trường đều lùi thời gian đào tạo khóa mới trễ hơn ít nhất một tháng. Điều đáng nói là chính việc sinh viên khóa mới nhập học trễ kéo theo cả hệ thống trễ luôn.
Hiện nay tại trường chúng tôi, với việc học tín chỉ, sinh viên các khóa trước cũng chờ khóa mới. Như học kỳ 1 năm 2 có môn A, nhiều sinh viên năm nhất muốn học trước môn này thì đăng ký học chung với năm 2, trong khi lịch lệch nên không học được. Chưa kể lịch thi giữa kỳ tập trung, cả trường phải nghỉ học để thi giữa kỳ nhưng năm nay phải tổ chức hai lần".
Theo bà Huỳnh Khả Tú - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) - các mốc thời gian tuyển sinh do Bộ GD-ĐT quy định năm nay khá dài. Trong đó thời gian đăng ký nguyện vọng xét tuyển dài đến 30 ngày. Thời gian nhập học trực tuyến kéo dài gần 15 ngày (16 đến 30-9).
Năm nay thí sinh phải đăng ký nhập học trực tuyến trên hệ thống trước khi nhập học trực tiếp tại các trường. Dựa vào đó, các trường mới có thể chốt danh sách và thực hiện các bước tiếp theo như: gọi thí sinh nộp hồ sơ nhập học, thi tiếng Anh đầu vào, xếp lớp, xếp thời khóa biểu...
"Việc dành đến 15 ngày cho thí sinh quyết định việc xác nhận nhập học như vừa qua theo tôi là không thực sự cần thiết. Chính các mốc thời gian kéo dài dẫn đến các trường bắt đầu năm học mới trễ, bị động trong các khâu chuẩn bị cho công tác nhập học hơn so với các năm trước.
Bên cạnh đó, việc công nhận thí sinh trúng tuyển trễ hơn các năm trước cũng ảnh hưởng đến việc xác nhận để thí sinh có thể tạm hoãn nghĩa vụ quân sự tại địa phương, làm gia đình lo lắng và các trường cũng bị động", bà Tú nhận định.
Ông Trần Đình Lý (phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM):
Nên điều chỉnh lại các mốc thời gian tuyển sinh
Do tuyển sinh năm nay kéo dài nên trường phải điều chỉnh thời khóa biểu học tập của sinh viên. Bình thường một môn bố trí một buổi học, nay phải tăng lên hai buổi/tuần. Theo kế hoạch đào tạo thông thường của trường trong đó có 10 tuần lý thuyết, năm tuần thực hành.
Năm nay do tiến độ đào tạo chậm hơn mọi năm gần một tháng nên trường bố trí xen kẽ các giờ thực hành vô tuần học lý thuyết.
Bên cạnh đó, những năm trước trường thường tổ chức học kỳ hè nhưng năm nay thời gian này sẽ dành cho sinh viên học giáo dục quốc phòng. Sự điều chỉnh này sẽ không ảnh hưởng đến tiến độ học tập của sinh viên trong các học kỳ tiếp theo.
Do năm đầu tiên Bộ GD-ĐT có những thay đổi lớn trong tuyển sinh với quy định lọc ảo chung tất cả các phương thức, thực hiện trong khoảng thời gian kéo dài hơn mọi năm. Trong năm tới, Bộ GD-ĐT cố gắng rút ngắn thời gian lọc ảo và điều chỉnh lại các mốc thời gian trong tuyển sinh để đảm bảo không ảnh hưởng đến kế hoạch đào tạo của các trường.
Sinh viên chờ đợi mỏi mệt
Tân sinh viên khóa 2022 Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM làm thủ tục nhập học - Ảnh: NGUYỄN THƯƠNG
H.M.S. (sinh viên Trường ĐH Quốc tế, ĐH Quốc gia TP.HCM): "Tôi trúng tuyển sớm theo phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực nhưng không được nhập học sớm. Trong khi địa phương gọi nghĩa vụ quân sự nên phải liên hệ làm giấy tạm hoãn vô cùng mệt".
N.B.T. (sinh viên Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM): "Điều bất hợp lý là sau khi thí sinh thi tốt nghiệp THPT xong phải chờ đợi hơn một tháng, không biết phải làm gì. Nay vô học cả tháng rồi mà trường chưa khai giảng thấy cũng buồn. Đã vậy số giờ học trong tuần còn nhiều hơn các khóa trước".
TTO - Kết thúc xét tuyển đợt 1 năm 2022, không ít ngành ở nhiều trường đại học chỉ tuyển được vài thí sinh, thậm chí có ngành "trắng" thí sinh trúng tuyển.
Xem thêm: mth.98182448072012202-oat-oad-hcaoh-ek-nort-oax-coh-iad/nv.ertiout