Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 117/2020/TT-BTC quy định phương pháp tính khoản thu trái pháp luật, số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Dự thảo sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 3 Điều 3 Thông tư số 117/2020/TT-BTC quy định về "Khoản thu trái pháp luật có được do thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán".
Theo đó, khoản thu trái pháp luật đối với trường hợp trong thời kỳ thao túng thị trường chứng khoán có điều chỉnh về giá chứng khoán được tính bằng tổng khoản thu trái pháp luật trong các giai đoạn trước thời điểm điều chỉnh về giá (ngày giao dịch không hưởng quyền) và khoản thu trái pháp luật trong giai đoạn sau khi điều chỉnh về giá.
Khoản thu trái pháp luật trong giai đoạn trước thời điểm điều chỉnh về giá và khoản thu trái pháp luật trong giai đoạn sau khi điều chỉnh về giá được tính theo công thức quy định tại khoản này. Đối với trường hợp tổng khối lượng chứng khoán bán ra lớn hơn tổng khối lượng chứng khoán mua vào trong giai đoạn sau khi điều chỉnh giá, giá của khối lượng chứng khoán chênh lệch quy định tại điểm c khoản 3 Điều 3 Thông tư số 117/2020/TT-BTC là giá mua bình quân trong giai đoạn trước ngày giao dịch không hưởng quyền được điều chỉnh giá theo công thức sau: P’=(P+Pa*a-C)/(1+a+b)
Trong đó: P’ giá của khối lượng chứng khoán chênh lệch quy định tại điểm c khoản 3 Điều 3 Thông tư số 117/2020/TT-BTC. P giá mua bình quân cổ phiếu trong giai đoạn trước ngày giao dịch không hưởng quyền. Pa giá cổ phiếu phát hành thêm cho quyền mua ưu đãi. a tỷ lệ cổ phiếu phát hành thêm cho quyền mua ưu đãi.b tỷ lệ chia cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu. C cổ tức bằng tiền.
Cũng theo Dự thảo, số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi che giấu thông tin về quyền sở hữu thực sự đối với một hoặc một số chứng khoán để trốn tránh hoặc để hỗ trợ người khác trốn tránh nghĩa vụ công bố thông tin hoặc chào mua công khai hoặc quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam quy định tại khoản 4 Điều 34 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 28 Điều 1 Nghị định số 128/2021/NĐ-CP được tính như sau:
Đối với tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi che giấu thông tin về quyền sở hữu thực sự đối với một hoặc một số chứng khoán để trốn tránh nghĩa vụ công bố thông tin theo quy định hoặc nghĩa vụ phải tuân thủ trong thực hiện chào mua công khai hoặc quy định phải tuân thủ về tỷ lệ sở hữu nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam, số lợi bất hợp pháp mà tổ chức, cá nhân vi phạm có được do thực hiện hành vi vi phạm là toàn bộ số tiền, chứng khoán và khoản lợi ích khác phát sinh từ số chứng khoán che giấu quyền sở hữu thực sự.
Đối với tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi nhằm hỗ trợ người khác che giấu thông tin về quyền sở hữu thực sự đối với một hoặc một số chứng khoán để trốn tránh thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin hoặc chào mua công khai hoặc quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam, số lợi bất hợp pháp mà tổ chức, cá nhân vi phạm có được do thực hiện hành vi vi phạm là toàn bộ số tiền, chứng khoán và khoản lợi ích khác phát sinh từ hành vi vi phạm, được xác định trên cơ sở hợp đồng hoặc thỏa thuận giữa các bên.
Tuệ Minh