Giải ngân vốn đầu tư công chậm là vấn đề được đa số đại biểu Quốc hội nhắc đến khi thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại hội trường sáng 27/10.
Đại biểu Bế Minh Đức (đoàn Cao Bằng) nêu vấn đề khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công, khi 2022 là năm thứ hai triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn, cùng với triển khai chương trình phục hồi kinh tế - xã hội, nhưng tiến độ mới đạt 46,7%, thấp hơn so với cùng kỳ.
Các chương trình mục tiêu quốc gia cũng đạt mức giải ngân thấp, mà nguyên nhân do pháp luật chưa đồng bộ, khả thi, ý thức tôn trọng kỷ cương còn kém, thái độ thực thi công vụ công chức còn hạn chế, yếu kém.
Thực tiễn địa phương, ông chỉ ra thể chế chính sách còn bất cập, ảnh hưởng tiến độ thực hiện dự án. Vị đại biểu dẫn chứng, từ khi hình thành dự án đến thi công trải qua nhiều thủ tục, như công tác giải phóng mặt bằng phải trải qua 12 bước, dự án nhóm A nếu thực hiện đúng trình tự, thủ tục mất thời gian gần 2 năm; dự án nhóm B, nhóm C mất 9-10 tháng, không kể vướng mắc gì.
Thủ tục trình tự triển khai ở nhiều văn bản pháp luật có liên quan như Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công, mỗi giai đoạn phải tuân thủ nghiêm ngặt trình tự thủ tục nên triển khai chậm; dự án liên quan điều chỉnh quy hoạch, các loại rừng mất thêm bốn tháng; nhiều quy định chồng chéo, bất cập cũng mất thêm nhiều thời gian.
Kiến nghị các giải pháp, đại biểu Đức đề nghị các bộ ngành và địa phương có thông tư hướng dẫn cụ thể việc triển khai thực hiện; xây dựng và hoàn thiện văn bản pháp luật theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định chặt chẽ và thực thi nghiêm túc, thực hiện nghiêm mục tiêu phát triển.
Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (đoàn Hưng Yên) cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục có giải pháp hiệu quả hơn nữa để triển khai quyết liệt việc giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng các dự án, công trình trọng điểm, quan trọng quốc gia. Giải ngân đầu tư công vẫn là điểm nghẽn, chưa được giải quyết hiệu quả.
Đến hết tháng 9 năm 2022 mới chỉ đạt 46,7 % vốn ODA mới chỉ đạt 15 %. Theo đại biểu, nguyên nhân chủ yếu của việc giải ngân chậm là do không có khối lượng hoàn thành để làm cơ sở tại ngân theo quy định chậm triển khai dự án, thực hiện các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, chậm điều chỉnh dự án, điều chỉnh hiệp định vay, công tác nghiệm thu, thanh quyết toán.
Ngoài ra, còn một số nguyên nhân như chưa thể phân bổ hết kế hoạch vốn đã được giao, chậm nhận được ý kiến của nhà tài trợ. Do vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có những giải pháp quyết liệt để chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương thúc đẩy việc triển khai thực hiện dự án để có khối lượng hoàn thành cho giải ngân.
“Cần tập trung đẩy mạnh giải ngân các dự án đầu tư có tiềm năng giải ngân các dự án đã hoàn tất thủ tục đầu tư, công tác đấu thầu, phê duyệt hợp đồng, đối với các trường hợp không có khả năng hoàn thành khối lượng dự án theo tiến độ đặt ra phải cắt giảm chuyển giao kế hoạch vốn đã được giao”, đại biểu Thắng nêu ý kiến.
Ông cũng cho rằng, các chủ dự án, ban quản lý dự án có trách nhiệm khẩn trương hoàn tất các thủ tục đầu tư xây dựng phải bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, đồng thời khẩn trương hoàn thiện hồ sơ thanh toán gửi kho bạc Nhà nước để kiểm soát chi ngay sau khi có khối lượng hoàn thành.
Trong một báo cáo gần đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ, năm 2021 có 1.962 dự án đầu tư công chậm tiến độ. Con số của năm 2020 là 1.867 dự án; năm 2019 là 1.878 dự án; năm 2018 là 1.778 dự án…
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã nhiều lần khẳng định, ý thức tôn trọng kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công ở một số bộ, ngành, địa phương chưa cao, chưa chủ động, nghiêm túc trong tuân thủ các quy định, tiêu chí, nguyên tắc trong đầu tư công, dễ thỏa hiệp khi phê duyệt các dự án chưa đạt yêu cầu về pháp lý, hiệu quả.
“Công tác lập kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước chưa sát với khả năng thực hiện dẫn đến không phân bổ được hết kế hoạch vốn được giao, còn tình trạng vốn chờ dự án đủ thủ tục dự kiến vốn trước rồi mới tiến hành làm thủ tục đầu tư”, Bộ trưởng nói.
Chưa kể, theo Bộ trưởng, còn tình trạng chất lượng chuẩn bị dự án thấp, công tác khảo sát, thiết kế dự án chưa tốt, dẫn tới nhiều dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư nhưng vẫn chưa đủ điều kiện giải ngân vì lại vướng mắc về quy hoạch, địa điểm, đất đai, giải phóng mặt bằng, dẫn tới phải điều chỉnh đơn giá, dự toán làm thay đổi hoặc điều chỉnh lại dự án….