Ngày 27-10, Bộ Xây dựng đã công bố thông tin thị trường bất động sản quý III-2022. Theo Bộ Xây dựng giá nhà ở riêng lẻ, đất nền, căn hộ chung cư vẫn giữ ở mức cao đã được thiết lập tại thời điểm cuối quý II-2022, ảnh hưởng đến tính thanh khoản và lượng giao dịch của thị trường, đặc biệt là thị trường thứ cấp.
Trong đó, với căn hộ chung cư, giá giao dịch cơ bản ổn định so với quý II-2022. Tuy nhiên, tại một số khu vực tại Hà Nội, TP.HCM, giá tăng hơn so với quý trước.
Cụ thể, với phân khúc căn hộ bình dân (giá từ 25-30 triệu đồng/m2): Tại các dự án nhà ở thương mại khu vực trung tâm các đô thị hầu như không có căn hộ với mức giá dưới 25 triệu đồng/m2. Mức giá này chỉ xuất hiện tại một số ít các dự án khu vực xa trung tâm. Căn hộ chung cư trung cấp (giá 30 - dưới 50 triệu đồng/m2) vẫn là sản phẩm chủ đạo trên thị trường.
Căn hộ cao cấp (giá trên 50 triệu đồng/m2): Tại Hà Nội và TP.HCM, một số dự án có vị trí đặc biệt, trung tâm có mức giá quảng cáo, chào bán rất cao, hơn 100 triệu đồng/m2...
Giá nhà chung cư tại khu vực nội đô Hà Nội, TP.HCM vẫn ở mức cao, không có căn hộ dưới 25 triệu đồng/m2. Ảnh: TP |
Đối với nhà ở riêng lẻ, đất nền, nhìn chung, giá giao dịch thứ cấp trong quý III có xu hướng giảm nhẹ, khoảng 2-3% so với quý trước. Một số khu vực có mức giá giao dịch nhà ở riêng lẻ, đất nền giảm nhiều như tại quận Hà Đông, các huyện Thanh Trì, Hoài Đức (Hà Nội); quận 12, huyện Củ Chi (TP.HCM); các quận Sơn Trà, Liên Chiểu (Đà Nẵng).
Cụ thể tại Hà Nội, nhà ở riêng lẻ, đất nền khu vực Tây Hồ, Long Biên có giá hơn 200 triệu đồng/m2...
Bộ Xây dựng đánh giá nguồn cung về bất động sản chưa có sự cải thiện nhiều, nguồn cung về nhà ở thương mại từ các dự án mới được bổ sung không nhiều, nguồn cung nhà ở trong quý chủ yếu vẫn từ những dự án đã được triển khai và đang được mở bán.
Cũng theo Bộ Xây dựng, nguồn cung bất động sản, nhà ở sẽ còn hạn chế do lượng dự án được mở mới giảm so với các năm trước, trong khi nhiều dự án đã được chấp thuận gặp vướng mắc trong thủ tục đầu tư, pháp lý (đặc biệt là việc giao đất, tính tiền sử dụng đất, điều chỉnh quy hoạch và cấp phép xây dựng…).
Để tháo gỡ nút thắt về nguồn cung, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương rà soát lập danh mục các dự án nhà ở, bất động sản trên địa bàn. Từ đó, đánh giá cụ thể lý do, nguyên nhân đối với các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng chưa triển khai hoặc chậm triển khai. Trên cơ sở đó, tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc về pháp lý, thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án nhà ở để tăng nguồn cung cho thị trường.
Bộ Xây dựng cũng đề nghị các địa phương tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện giao đất, lựa chọn chủ đầu tư thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất đối với các dự án bất động sản, dự án nhà ở mới để tăng nguồn cung cho thị trường.
Đặc biệt, các địa phương khẩn trương hoàn thành kiểm định đánh giá chất lượng các nhà chung cư cũ còn lại trên địa bàn để xác định các nhà chung cư phải phá dỡ; sớm lập, phê duyệt Kế hoạch, danh mục dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư theo quy định của Nghị định số 69/2021/NĐ-CP.