Xe dừng, đón khách dọc đường xa lộ Hà Nội - Ảnh: T.T.D.
Một đại diện bến xe Miền Đông mới cho biết, theo kế hoạch, hơn 1.600 xe tại bến này phải có hơn 500 chuyến xe rời bến mỗi ngày. Tuy nhiên, hiện chỉ còn khoảng 206 chuyến/ngày với hơn 2.000 khách.
Rước khách ở nơi cấm dừng
Ngày 27-10, phóng viên ghi nhận bến xe Miền Đông mới vẫn thưa thớt. Trái với hình ảnh vắng vẻ trong bến, các bãi xe ở bên ngoài và các trạm xăng dọc quốc lộ 13 lại đông đúc khách đến chờ xe liên tỉnh.
Đoạn quốc lộ 13 ngay phường Hiệp Bình Phước có biển báo cấm đỗ xe nhưng có đến cả chục xe liên tục dừng đón chèo kéo, ngã giá với hành khách. Tại trạm xăng gần bến xe Miền Đông cũ (quận Bình Thạnh), có xe khách dừng gần 20 phút để chất hàng và lên khách.
Nhà xe Tiến Thành (chạy tuyến TP.HCM - Quảng Trị) công khai hai địa chỉ đón khách ở TP.HCM gồm: bến xe Miền Đông và bến xe An Sương trên tổng đài và trang Facebook. Dù vậy, nhân viên trực điện thoại lại gợi ý đón trước cổng Khu du lịch Suối Tiên (cách bến xe Miền Đông mới chưa tới 1km).
"Nếu ở quận Bình Thạnh thì xe đón ở ngoài bến xe Miền Đông cũ, đoạn qua cầu Bình Triệu hay bất cứ chỗ nào xe cũng đón được. Trước khi xe tới điểm đón sẽ gọi cho khách", nhà xe cho biết.
Nhà xe Xuân Lộc (chạy tuyến Đồng Nai - TP.HCM) cũng hứa hẹn đón khách ở bất cứ nơi đâu trong TP. Đây là "xe hợp đồng", có xe 4-7-16-30 chỗ. Khách chốt số người đi và nơi đón, nhà xe sẽ điều xe đến điểm hẹn.
"Xe đón dọc đường như ở cầu vượt Linh Xuân hoặc ngã tư Bình Phước (TP Thủ Đức), không cần vào bến xe đợi", phía nhà xe khẳng định.
Nhiều nhà xe có tuyến trong danh sách 300 chuyến "biến mất" ở bến xe Miền Đông mới cũng chào mời hứa hẹn đón khách ở bất cứ đâu. Một phụ xe đang rước khách ở quốc lộ 13 cũng nói khách họ ngại đi xa nên nhà xe phải chiều, thậm chí phải rước cả ở những chỗ cấm, không thì khách bỏ đi xe khác.
Hai việc cần làm ngay
300 chuyến xe đã bỏ bến xe mới qua bến khác hoặc ra ngoài chạy "xe dù". Đó là nhận định của các chuyên gia giao thông. Nếu TP.HCM không có giải pháp xử lý kịp thời e rằng tình hình tệ hơn nữa.
Có hai việc cần khẩn trương làm. Một là xử lý "xe dù", quy hoạch lại luồng tuyến, cấm xe giường nằm. Hai là "dẹp loạn" ở các trạm xăng và bãi xe đang được tận dụng làm "bến cóc".
Ngoài ra, hạ tầng giao thông cần sớm nâng cấp, kết nối vào bến xe mới. Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP nghiên cứu lại kết nối xe buýt hiện nay đã khai thác hiệu quả hay chưa để đề xuất điều chỉnh lại cho phù hợp.
Mới đây, ông Đỗ Ngọc Hải - trưởng Phòng quản lý vận tải đường bộ, Sở GTVT TP - cũng cho biết sở đang triển khai nhiều biện pháp để giải quyết câu chuyện "xe dù, bến cóc". Ông Hải cũng mong muốn các doanh nghiệp vận tải và người dân hãy chung tay ủng hộ lập lại trật tự giao thông ở TP.HCM.
107 và bao nhiêu nữa?
Chiếc xe chở khách với đầy đủ biển kiểm soát, tên hãng, số điện thoại của nhà xe… nhan nhản trên đường, ai cũng thấy. Thanh tra giao thông tại TP.HCM thông tin có 107 "điểm đen" tập trung "xe dù, bến cóc" nhưng chỉ mới có 143 trường hợp bị xử phạt (tính đến 26-10).
Nếu tính tương ứng với thời gian hai tuần bến xe Miền Đông mới tiếp nhận thêm các tuyến xe, trung bình mỗi ngày chỉ có 10 "xe dù" bị xử lý. Camera quan sát để phạt nguội cũng có lẽ chưa phát huy hết sức.
Còn lại "xe dù" vẫn chạy khắp nơi và đón tại cửa hàng xăng dầu, nhà chờ xe buýt, bên cạnh công viên...; nhiều xe đón khách bất chợt theo lộ trình di chuyển. Chỉ cần khách gọi điện cho biết nơi ở, nhà xe sẽ linh động đặt "điểm hẹn".
Dẹp nạn "xe dù, bến cóc" không chỉ đơn thuần ở khâu tuần tra, đẩy đuổi bởi các nhà xe có muôn vàn cách đối phó. Lực lượng chức năng xuất hiện tại đâu họ đều có "vệ tinh" thông báo để tránh né. Thành phố có hàng ngàn tuyến đường với vô số vị trí có thể lên xuống khách "chớp nhoáng" rồi nhanh chóng rời đi.
Bến xe Miền Đông cũ có xe buýt chở khách miễn phí ra bến mới, nhưng việc này trước mắt chỉ phù hợp với hành khách ở quanh bến cũ. Phương án phát triển mạng lưới xe trung chuyển báo chí đã hiến kế, nhưng tiến độ chưa theo kịp nhu cầu đi lại.
Các nhà xe cần sự hỗ trợ của cơ quan quản lý. Khẩn trương xây dựng đội ngũ xe trung chuyển chung của cả bến xe Miền Đông để đưa đón khách cho mọi hãng xe tại các khu vực xa gần. Những xe này được phép dừng đỗ để khách ghé trạm xe buýt, nhà ga metro và đi qua những bến xe chính thức khác.
Đây là một giải pháp cần làm nhanh để bến xe mới hoạt động ổn định. Cần làm mọi cách để đường đến bến mới nhanh nhất, tiện nhất có thể. Nếu phải lên đường sớm hai tiếng đồng hồ trở lên để đi từ nhà ở TP.HCM đến bến xe Miền Đông mới thì thật bất tiện. Hành khách mong sớm thấy rõ sự thuận tiện hơn và dứt khoát chia tay "xe dù" để đi xe trong bến.
Càng gần Tết âm lịch càng xảy ra tình trạng bát nháo của những chiếc xe chạy "chui". 107 bến cóc và bao nhiêu nữa? Rất khó có thể thống kê có bao nhiêu "xe dù" có mặt tại nội thành. Cần có giải pháp quản lý quyết liệt và hiệu quả hơn cách làm hiện tại.
Bạn đọc TRẦN VINH
TTO - Anh Phạm Đức Hiển, tài xế xe khách, cho biết bến xe ở đâu, "xe dù" mọc quanh đó. Chị Hoàng Thị Thanh, một hành khách bảo bến xe mới xa trung tâm TP, "xe dù" thuận tiện nhất. Thế là giao thông ở TP càng rối loạn, ùn tắc, thiệt hại kinh tế.
Xem thêm: mth.64723352272012202-uad-id-oh-yav-iom-gnod-neim-neb-ob-ex-neyuhc-003/nv.ertiout