Dự án metro số 1 đặt mục tiêu hoàn thành cuối 2023 và đưa vào khai thác vào năm 2024 - Ảnh: CHÂU TUẤN
Gần cả năm qua, công ty không có tiền trả lương cho toàn bộ nhân viên và lãnh đạo quản lý. Số tiền nợ lương đến nay đã 2,9 tỉ đồng, khoản nợ bảo hiểm đã 330 triệu đồng.
Nợ lương kéo dài
Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 vừa gửi văn bản kiến nghị UBND TP.HCM về tình hình hoạt động sau một thời gian dài hết kinh phí.
Trong thời gian chờ các thủ tục cấp bổ sung vốn điều lệ, công ty kiến nghị giao Sở Kế hoạch và Đầu tư nhanh chóng tham mưu cho UBND TP gửi Chính phủ về tạm ứng kinh phí từ ngân sách để đảm bảo hoạt động.
Việc này nhằm sớm thanh toán các khoản nợ lương của người lao động, nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn.
"Dù từ tháng 2-2022 đến nay công ty chưa được cấp có thẩm quyền giải quyết kinh phí hoạt động, nhưng tập thể công ty vẫn tin tưởng và nỗ lực hoàn thành tốt các nhiệm vụ phối hợp với chủ đầu tư trong công tác chuẩn bị vận hành" - văn bản Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 nêu.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, tình trạng thiếu kinh phí đã diễn ra nhiều năm qua và công ty đã nhiều lần kiến nghị trong bối cảnh có nguy cơ phải tạm dừng hoạt động.
Đáng lẽ ở thời điểm này công ty phải tuyển dụng theo lộ trình một lực lượng lao động quan trọng là khoảng 170 kỹ sư bảo trì, bảo dưỡng để tiếp nhận chuyển giao công nghệ, tài sản dự án theo yêu cầu của nhà thầu, nhưng vẫn chưa tuyển được vì không có tiền trả lương.
Một lao động của công ty cho hay tình trạng thiếu kinh phí, thiếu lương không chỉ làm ảnh hưởng đến việc tuyển dụng người có trình độ mà một số cán bộ kỹ sư cũng đã nghỉ việc.
Có khoảng 10 nhân sự chủ chốt là thạc sĩ từng học ở Anh, Singapore "đầu quân" công ty cũng đã nghỉ. Có nhân viên có kinh tế khó khăn, thiếu lương một thời gian dài đành phải chuyển việc hoặc chuyển nghề.
Một số lao động khác cố gắng bám trụ, sống nhờ "lương gia đình" để chờ ngày công ty được tháo gỡ khó khăn. Hiện công ty vỏn vẹn chỉ còn 16 thành viên bao gồm cả lãnh đạo.
Buồng lái tàu metro số 1 - Ảnh: MINH HÒA
Ngoài nợ lương, công ty cũng không đủ kinh phí duy trì và trả tiền điện nước nên từ tháng 8-2021 đã trả lại mặt bằng văn phòng ở địa bàn phường Bình Khánh (TP Thủ Đức) để chuyển về "sống nhờ" trụ sở của Ban quản lý đường sắt đô thị TP (chủ đầu tư dự án metro số 1) trên đường Lê Quý Đôn (quận 3).
Tình huống rất khẩn cấp!
Theo đề án thành lập Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 giai đoạn 2015 - 2017, công ty chuẩn bị các điều kiện cần thiết và nhân sự cho việc tiếp nhận, triển khai, quản lý, vận hành tuyến metro số 1.
Công ty có quyết định thành lập năm 2015 với 100% vốn nhà nước, tới năm 2019 bổ nhiệm giám đốc và bắt đầu đi vào hoạt động.
Suốt hai năm qua, TP.HCM và các bộ ngành đã thảo luận sớm gỡ nút thắt để công ty này có tiền hoạt động.
Ngày 19-10, UBND TP.HCM đã có văn bản gửi Chính phủ và Bộ Tài chính về kiến nghị chấp thuận bổ sung vốn điều lệ cho Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 là 268 tỉ đồng.
Nguồn vốn bổ sung này để đáp ứng kinh phí cho công ty hoạt động từ nay đến khi được bàn giao, tiếp nhận, quản lý tài sản dự án metro số 1.
Theo UBND TP, từ khi thành lập đến nay, công ty chỉ được cấp vốn điều lệ 14 tỉ để mua sắm trang thiết bị văn phòng cơ bản. Mức vốn này không đảm bảo hoạt động trong bối cảnh công ty chưa có nguồn thu do tiến độ xây dựng, đưa vào khai thác metro số 1 chậm so với dự kiến ban đầu.
Chuyên gia đường sắt Nguyễn Ân (nguyên cán bộ Vụ Khoa học công nghệ, Bộ GTVT) nói rằng theo tiến độ mà chủ đầu tư cam kết thì chỉ còn khoảng hơn một năm nữa tuyến metro số 1 sẽ đưa vào khai thác.
Bởi vậy, ngay thời điểm này, bằng cách nào đó phải sớm bổ sung kinh phí để công ty ưu tiên tuyển trước hai kíp thợ.
Đầu tiên là kíp thợ duy tu bảo dưỡng hệ thống cấp điện. Bởi cấp điện cho metro một chiều, điện áp rất cao, có tính đặc thù riêng. Một kíp thợ khác là nhóm nhân viên, kỹ sư kiểm tra các đoàn tàu trong thời gian tàu ngưng chạy từ 23h đêm đến 5h sáng.
Thời gian này nếu phát hiện hư hỏng phải sửa chữa ngay hoặc chuyển vào xưởng, điều đoàn tàu dự phòng ra thay thế.
"Metro là loại hình mới, không phải nhân viên tuyển về là làm việc được ngay, mà cần phải có thời gian tiếp cận, học tập và nghiên cứu để có kinh nghiệm. Ngoài số nhân sự lái tàu, nhân viên điều độ… mà phía nhà tài trợ đang đảm nhận đào tạo riêng thì hai kíp thợ nêu trên rất quan trọng.
Công ty cần tuyển càng sớm càng tốt để làm quen cũng như tiếp cận được công nghệ và có thể đưa họ ra tuyến Cát Linh - Hà Đông học tập thực tế", ông Ân nói.
Phía nhà tài trợ dự án metro số 1 là Văn phòng JICA Việt Nam mới đây cũng đã có thư gửi lãnh đạo TP, trong đó có nội dung đề nghị sớm giải quyết kinh phí để đảm bảo hoạt động Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1.
JICA cho hay đây là vấn đề rất nghiêm trọng bởi việc thiếu kinh phí, thiếu nhân sự đang là nhân tố rủi ro lớn đối với việc đảm bảo đưa tuyến metro số 1 vào vận hành thương mại đúng tiến độ.
Kinh nghiệm từ metro Hà Nội ra sao?
TS Chung Thành Tiến - chuyên gia kinh tế - nhận định dự án tuyến metro số 1 rất quan trọng đối với việc hình thành hệ thống giao thông công cộng với sức chứa lớn ở TP.HCM. Người dân cũng đang chờ đợi, kỳ vọng nhiều vào tuyến này. Vì vậy, cần ưu tiên nguồn vốn, đảm bảo kinh phí đào tạo nhân lực vận hành để đưa công trình vào khai thác thương mại theo đúng tiến độ.
Ông Vũ Hồng Trường - tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội - nói khi chưa vận hành, TP Hà Nội ứng trước kinh phí để cho công ty luôn đảm bảo hoạt động, duy trì bộ máy và đào tạo nhân sự để chuẩn bị tiếp nhận vận hành.
"Sau khi tuyến metro đưa vào khai thác thương mại, các đơn vị liên quan đang nghiên cứu, xem xét hoàn trả lại khoản tạm ứng cho ngân sách trên tinh thần đúng quy định và cũng tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp hoạt động", ông Trường nói.
TTO - Đó là một nội dung trong báo cáo về tình hình triển khai các dự án metro mà Ban quản lý đường sắt đô thị gửi UBND TP.HCM.