Thứ trưởng Ngô Thị Minh trao chứng nhận đạt chuẩn ABET cho lãnh đạo PVU - Ảnh: Đ.H.
Dự lễ công bố có bà Ngô Thị Minh - thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và các lãnh đạo của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam.
Phát biểu tại lễ công bố, lãnh đạo Trường đại học Dầu khí Việt Nam (PVU) cho biết tỉ lệ giáo viên của trường là tiến sĩ chiếm 54%. Phần lớn sinh viên PVU ra trường đều có việc làm phù hợp với ngành nghề được đào tạo, được các đơn vị tuyển dụng đánh giá cao về kiến thức chuyên môn, khả năng tiếng Anh và kỹ năng làm việc. Khoảng 10% sinh viên tốt nghiệp của các khóa được các trường đại học uy tín của Mỹ, Canada, Úc, Ý, Hàn Quốc... cấp học bổng toàn phần để theo học các chương trình thạc sĩ và tiến sĩ.
Đáng chú ý, PVU tổ chức nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ cho các đơn vị trong và ngoài ngành dầu khí với doanh thu đạt gần 20 tỉ đồng. Trong năm học 2021-2022, nhà trường tiếp tục đẩy mạnh công tác này và công bố ba dự án quốc tế, một đề tài cấp nhà nước. Đặc biệt có một sáng chế đăng ký bản quyền tại Mỹ.
Trao bằng tốt nghiệp cho sinh viên PVU - Ảnh: Đ.H.
Năm 2021, PVU mời Hội đồng kiểm định các chương trình đào tạo kỹ thuật - công nghệ Hoa Kỳ (ABET) đánh giá chương trình: kỹ thuật địa chất, kỹ thuật dầu khí và kỹ thuật hóa học và cả ba chương trình đạt chuẩn với thời hạn cao nhất là 6 năm. Với kết quả này, PVU là trường đại học đầu tiên tại Việt Nam có tất cả các chương trình đào tạo về dầu khí đạt chuẩn kiểm định chất lượng ABET.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Ngô Thị Minh yêu cầu PVU tiếp tục đổi mới toàn diện từ tư duy quản trị đến chương trình, nội dung và phương pháp dạy học cũng như đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, tăng cường khả năng ứng dụng gắn với đào tạo và chuyển giao công nghệ. Đồng thời đặc biệt lưu ý xu hướng chuyển dịch năng lượng và chuyển đổi số, số hóa môi trường giảng dạy và học tập cũng như nghiên cứu mở các ngành đào tạo mới...
TTO - Việc Trường ĐH Tôn Đức Thắng và Trường ĐH Duy Tân là hai đại diện của Việt Nam lần đầu tiên có tên trong top 500 của bảng xếp hạng ĐH thế giới THE (Times Higher Education) năm 2022 gây nhiều tranh cãi trong giới học thuật.