Sau hai ngày họp chính sách, Thống đốc BOJ Haruhiko Kuroda và các quan chức khác quyết định giữ nguyên lãi suất tham chiếu ở mức âm, trần lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm và chương trình mua lại tài sản. Kết quả này khớp với dự báo của các nhà kinh tế học trong khảo sát của Bloomberg.
Đồng yen biến động không đáng kể sau quyết định trên, hiện quanh 146 yen đổi một USD. Yen đã tăng gần 4% sau khi xuống thấp nhất hơn 30 vào tuần trước, làm dấy lên đồn đoán giới chức Nhật Bản tích cực can thiệp.
Yen năm nay mất giá hơn 20% so với USD, nhiều nhất trong nhóm tiền tệ lớn. Nguyên nhân là lãi suất tại Mỹ và Nhật Bản ngày càng chênh lệch.
BOJ giữ lãi suất âm trong bối cảnh hàng loạt ngân hàng trung ương trên thế giới nâng lãi suất. Hôm 27/10, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tăng lãi suất cơ bản thêm 0,75%. Tuần tới, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cũng được dự báo nâng lãi với mức tương tự.
Ông Kuroda đang rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Nhật Bản cần kích thích kinh tế, nhưng chính sách nới lỏng tiền tệ của BOJ lại đang gây thêm sức ép lên yen, bất chấp chính phủ đã tung ra hàng tỷ USD để hỗ trợ nội tệ.
"BOJ vẫn đang thận trọng với tăng trưởng", Toru Suehiro - kinh tế trưởng tại Công ty Chứng khoán Daiwa cho biết.
Trong báo cáo quý, BOJ nâng dự báo lạm phát lên 2,9% trong tài khóa tính đến hết tháng 3 năm sau. Dù vậy, lạm phát tài khóa kế tiếp có thể chậm lại, về 1,6% - thấp hơn đáng kể mục tiêu 2% của BOJ.
Ông Kuroda thường xuyên lặp lại khẳng định Nhật Bản đang hồi phục chậm chạp sau đại dịch. Vì vậy, chính sách nới lỏng tiền tệ vẫn cần thiết. Không như Mỹ, Nhật Bản vẫn còn ám ảnh sau nhiều giảm phát. Thập kỷ qua, BOJ tập trung kéo lạm phát và tăng trưởng lên cao.
BOJ cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Nhật Bản xuống 2% tài khóa này, do các thách thức từ bên ngoài. Năm tài chính tới, GDP có thể chỉ tăng 1,9%.
Hà Thu (theo Bloomberg)