Tai phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 ngày 28-10, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (đoàn Cần Thơ) đã đề cập đến vấn đề khơi thông dòng vốn để phục hồi và phát triển kinh tế, một trong những điểm nghẽn và là thách thức rất lớn đặt ra trong tình hình hiện nay.
Theo đại biểu Hùng, trên thực tế, doanh nghiệp đang thực sự "khát" vốn, nhiều dự án đang bị đình trệ vì không thể tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng, trong bối cảnh thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang đối mặt rất nhiều khó khăn sau các sự việc liên quan Tập đoàn FLC và Tân Hoàng Minh.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng
Ông Nguyễn Mạnh Hùng phân tích kỹ hơn cho thấy trong 2 quý đầu năm, tín dụng tăng trung bình 1,56%/tháng đã giúp cho kinh tế phục hồi khá tích cực. Tuy nhiên trong quý III, dư nợ tín dụng chỉ tăng trưởng trung bình khoảng 0,18 - 0,2%/tháng, đồng thời gói hỗ trợ lãi suất 2% được triển khai chậm đã khiến nhiều dự án không thể tiếp tục triển khai do thiếu vốn, các cơ hội kinh doanh bị bỏ lỡ.
Vị đại biểu cho biết trong lúc chờ đợi sự phục hồi từ thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu doanh nghiệp, các doanh nghiệp đã rất kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ nới room tín dụng 1-2% thời gian tới.
"Tuy nhiên, trong bối cảnh tỉ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam hiện rất cao, đồng thời các nước, nhất là các nền kinh tế lớn đều trong tình trạng lạm phát cao kỷ lục trong hàng chục năm qua, để giúp giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đã 2 lần điều chỉnh nâng lãi suất điều hành trong vòng hơn 1 tháng vừa qua, điều chỉnh tăng trần lãi suất tiền gửi. Như vậy, khả năng nới room tín dụng từ nay đến cuối năm như kỳ vọng của các nhà đầu tư là hết sức khó khăn"- ông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Trong bối cảnh rất nhiều thách thức đặt ra, để giải bài toán thiếu vốn cho nền kinh tế và không làm đứt gãy đà tăng trưởng đang được duy trì khá tốt từ đầu năm đến nay, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng kiến nghị cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng; phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, đặc biệt bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời vốn tín dụng cho nền kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát.
Đặc biệt, theo ông Hùng, cần có cơ chế điều chỉnh dòng vốn đi vào các lĩnh vực sản xuất hiệu quả, ổn định và bền vững, các dự án cần được rà soát kỹ, có tính khả thi cao; cần hết sức tránh việc cung tiền chảy vào các lĩnh vực rủi ro cao, gây các hệ lụy tiềm ẩn như nợ xấu, kéo lãi suất và tỷ giá tăng cao, tạo bất ổn cho nền kinh tế.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội kiến nghị Chính phủ sớm có giải pháp để phục hồi và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường chứng khoán.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá việc Bộ Tài chính vừa ban hành Nghị định số 65 sửa đổi Nghị định số 153 quy định về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đã giúp tăng cường tính công khai, minh bạch cho hoạt động phát hành và giao dịch, góp phần hoàn thiện khung pháp lý cho thị trường, phát triển bền vững, bảo vệ quyền lợi cho cả doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư, khắc phục bất cập trên thị trường thời gian vừa qua.
Tuy nhiên, ông Hùng cho rằng các cơ quan Nhà nước và các tổ chức có liên quan cần đưa ra những thông điệp và cam kết mạnh mẽ hơn để ổn định tâm lý của nhà đầu tư, tăng cường giám sát để doanh nghiệp thực hiện đúng cam kết khi huy động vốn và đảm bảo tính khả thi khi thực hiện dự án.
Cùng với đó, có cơ chế để bảo vệ các doanh nghiệp hoạt động lành mạnh và làm ăn chân chính, ngăn chặn kịp thời các hành vi lũng đoạn thị trường và các biểu hiện chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư. Đồng thời, bảo vệ tốt hơn quyền lợi của nhà đầu tư để thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường chứng khoán tiếp tục đóng vai trò là nơi cung ứng ổn định vốn trung và dài hạn cho doanh nghiệp thời gian tới.
Đại biểu Chu Thị Hồng Thái
Tại phiên thảo luận, đại biểu Chu Thị Hồng Thái (đoàn Lạng Sơn) đánh giá trong bối cảnh nhiều khó khăn thời gian qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, linh hoạt của Chính phủ, tình hình kinh tế - xã hội trong nước đã có sự phục hồi tích cực và đạt được những kết quả quan trọng, nhất là kiềm chế lạm phát.
Để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, đại biểu Thái đề nghị Chính phủ tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của địa phương để thực hiện các thủ tục giải ngân vốn đầu tư công, triển khai thực hiện Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.
"Đề nghị Chính phủ tiếp tục có các biện pháp kiểm soát lạm phát, kiểm soát giá xăng dầu, vật tư nông nghiệp và giá các loại hàng hóa, dịch vụ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân. Tăng cường hơn nữa việc đảm bảo tự chủ về nguồn nguyên vật liệu trong nước trong bối cảnh tình hình thế giới còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường"- đại biểu Chu Thị Hồng Thái nhấn mạnh.
Đề xuất thành lập Ủy ban Năng suất quốc gia
Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (đoàn Ninh Bình) bày tỏ băn khoăn vì sao năng suất lao động chưa cao trong khi trình độ lao động, tiến bộ khoa học, kỹ thuật ngày càng tăng. Trước thực tế đó, đại biểu Thanh đề nghị xem xét sớm thành lập Ủy ban Năng suất quốc gia, làm cơ sở hoàn thiện môi trường, thể chế pháp luật để có thể triển khai thành công các chỉ đạo, chính sách thúc đẩy năng suất lao động.
Theo bà Thanh, cần sớm hoàn thành lập Ủy ban Năng suất Quốc gia để hình thành bộ máy cơ quan chuyên sâu về năng suất quốc gia, thực hiện nhiệm vụ điều phối phối hợp các động lực tăng trưởng năng suất quốc gia của Việt Nam.