Như PLO đã thông tin, ngày 30-9 vừa qua, TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ra quyết định đình chỉ một vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất do nguyên đơn không cung cấp được địa chỉ chính xác của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Điều này khiến nhiều người đặt ra câu hỏi, vậy khi đi kiện mà bị đơn, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan cố tình che dấu địa chỉ, nơi cư trú… thì có kiện được không? Tòa có thụ lý hay không?
Trả lời vấn đề trên Luật sư Lê Văn Bình, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết theo quy định tại khoản 1, Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định các trường hợp toà án trả đơn khởi kiện như: Vụ án không thuộc thẩm quyền giải quyết của toà; hết thời hạn mà không nộp biên lai thu tiền tạm ứng án phí; người khởi kiện không ghi đầy đủ, cụ thể hoặc ghi không đúng tên, địa chỉ của người bị kiện, người liên quan mà không sửa chữa, bổ sung theo yêu cầu của Thẩm phán…
Tuy nhiên, tại điểm e, khoản 1 Điều 192 bộ luật Tố tụng dân sự 2015 và hướng dẫn tại Nghị quyết 04/2017 đã quy định về hướng xử lý khi bị đơn cố tình che dấu địa chỉ.
Theo đó, người khởi kiện đã ghi đầy đủ và đúng địa chỉ nơi cư trú của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhưng họ không có nơi cư trú ổn định, thường xuyên thay đổi nơi cư trú, trụ sở mà không thông báo địa chỉ mới cho cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về cư trú làm cho người khởi kiện không biết được nhằm mục đích che giấu địa chỉ, trốn tránh nghĩa vụ đối với người khởi kiện thì Thẩm phán không trả lại đơn khởi kiện mà xác định người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cố tình giấu địa chỉ và tiến hành thụ lý, giải quyết theo thủ tục chung.
Như vậy, căn cứ vào quy định trên trường hợp người bị kiện, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan cố tình che dấu địa chỉ để tránh vụ kiện thì toà án không trả lại đơn mà vẫn tiếp tục thụ lý giải quyết theo thủ tục chung.