Tối 29/9, sau nhiều ngày xét xử và nghị án, TAND TP HCM tuyên bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Benedict Daniel Sullivan (60 tuổi, quốc tịch Anh) đối với Công ty TNHH CJ CGV Việt Nam (gọi tắt là CGV Việt Nam) - doanh nghiệp sở hữu cụm rạp chiếu phim lớn nhất nước.
Hồ sơ vụ án thể hiện, ông Benedict đã làm việc cho hệ thống rạp chiếu phim này từ năm 2012. Ngày 1/1/2014, ông tiếp tục ký hợp đồng làm việc cho CGV Việt Nam (trước đây là Công ty TNHH truyền thông Megastar) thời hạn đến ngày 30/4/2015, với chức vụ Giám đốc kinh doanh và tiếp thị, mức lương là 4.000 USD cùng phụ cấp, tiền thưởng hoa hồng, nơi làm việc tại quận 1.
Theo ông Benedict, khi công việc đang diễn ra bình thường và ông đã mang về nhiều hợp đồng có giá trị cho công ty thì lãnh đạo công ty tạo áp lực bằng cách thuyên chuyển ông sang làm giám sát sảnh của chi nhánh CGV quận 7, từ ngày 13/10/2014. Một ngày sau, thông báo được gửi tới toàn thể nhân viên công ty.
Ông Ben cho rằng, việc CGV điều chuyển ông sang vị trí mới là muốn ép ông nghỉ việc, nhằm không phải trả tiền thưởng hoa hồng cho những hợp đồng mà ông đã mang về. Việc này khiến ông rơi vào tình trạng khủng khoảng tinh thần dẫn đến không đảm bảo sức khỏe và phải liên tục nghỉ việc theo chỉ định của bác sĩ. Do đó, ngày 17/12/2014, ông Ben gửi thư cho Tổng giám đốc Dongwon Kwak xin từ chức Giám đốc kinh doanh và tiếp thị từ ngày 19/1/2015.
Tuy nhiên, một ngày sau đó (20/1/2015), ông bị buộc nghỉ làm tại CGV Việt Nam mà không nhận được bất kỳ thông báo trước hay quyết định nào về việc chấm dứt hợp đồng lao động, ngoại trừ công văn "chi trả cuối cùng".
Do đó, ông khởi kiện yêu cầu tòa xác định CGV đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với ông, buộc bồi thường các khoản lương, hoa hồng, tổng cộng hơn 6 tỷ đồng.
Tại tòa, phía nguyên đơn cho rằng lãnh đạo CGV thuyên chuyển ông Ben làm công việc không đúng chuyên môn ghi trong giấy phép lao động là vi phạm quy định của pháp luật Việt Nam. Nguyên đơn cũng đưa ra nhiều chứng cứ cho rằng CGV ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật như: người ra quyết định không đúng thẩm quyền, vi phạm nghĩa vụ thông báo trước 4 tháng đã được ghi trong hợp đồng lao động; ông Benedict gửi đơn xin từ chức không có nghĩa là chấm dứt hợp đồng lao động...
Ngược lại, phía bị đơn cho rằng việc thuyên chuyển vị trí công tác đối với ông Benedict là do nhu cầu công việc và phù hợp với quy định của pháp luật. Khi thay đổi sang vị trí làm việc mới, nguyên đơn không phản đối và mức lương, phụ cấp lương không thay đổi theo hợp đồng lao động.
Phía CGV nói ông Benedict là người đã gửi mail xin nghỉ việc qua thư điện tử, sau đó là qua đường bưu điện nên việc công ty cho thôi việc là không trái quy định pháp luật.
Về lương và các khoản hoa hồng, đại diện bị đơn nói đã thanh toán đầy đủ cho ông Benedict. Tuy nhiên, sau khi xem xét lại các khoản thì công ty thấy còn chênh lệch và thiếu 156 triệu đồng, nên tự nguyện thanh toán cho nguyên đơn.
Sau khi nghị án, HĐXX xác định hai bên đã ký hợp đồng lao động thời hạn từ 1/1/2014 đến 30/4/2015. Do nhu cầu công việc nên CGV sau đó đã thuyên chuyển ông Benedict từ Giám đốc kinh doanh sang làm quản lý với mức lương theo hợp đồng. Việc này là không trái quy định của pháp luật, vì theo khoản 1 Điều 31 Bộ luật Lao động quy định khi gặp khó khăn hoặc theo nhu cầu sản xuất kinh doanh, người sử dụng lao động được phép chuyển người lao động sang công việc mới với mức thời gian không quá 60 ngày.
Sau khi nhận được thông báo thuyên chuyển, ông Benedict chủ động chấp hành nhưng sau đó đến ngày 17/12/2014 gửi đơn tự nguyện xin nghỉ việc, không có sự ép buộc nào từ CGV. Do đó, tòa cho rằng, không có căn cứ xác định CGV đã đơn phương chấm dứt hợp đồng trái luật.
Đối với yêu cầu của nguyên đơn về việc trả các khoản tiền lương cho những tháng không được làm việc theo hợp đồng và thưởng, hoa hồng, tòa cho rằng phía CGV đưa ra các chứng cứ chứng minh đã thanh toán đủ cho ông Benedict hơn 3,1 tỷ đồng. Còn nguyên đơn nói CGV chưa trả hết các khoản hoa hồng, còn thiếu hơn 6 tỷ đồng, song không có chứng cứ.
Tòa ghi nhận sự tự nguyện của bị đơn là thanh toán cho ông Benedict hơn 156 triệu đồng được cho là chênh lệch từ việc quy đổi ra tiền Việt còn thiếu.
Đây là phán quyết đầu tiên về vụ kiện được tòa đưa ra sau 8 năm thụ lý vụ kiện. Tuy nhiên, sau phiên xử, ông Benedict cho rằng CGV đang nợ mình khoản tiền hoa hồng lớn, không như bản án nêu, nên sẽ kháng cáo toàn bộ phán quyết.
Hải Duyên
Xem thêm: lmth.3219564-vgc-neik-nod-cab-ib-hna-iougn-cod-maig/ten.sserpxenv