Tuổi Trẻ ghi nhận ý kiến của nhà giáo, chuyên gia giáo dục về vấn đề này.
* GS Võ Văn Sen (nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia TP.HCM):
Cần pháp lý cho vận động quỹ trong trường
Việc nâng cao cơ sở vật chất trong nhà trường, xã hội hóa giáo dục xuất phát từ nhu cầu rất khách quan là ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, không đủ để nâng cao chất lượng về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học... Và cũng bởi phụ huynh muốn con được học trong môi trường tốt hơn.
Chính nhu cầu đó làm phát sinh việc thu thêm trong nhà trường của các phụ huynh. Việc này ở các tỉnh có nguồn ngân sách gia đình thấp thì phụ huynh trong các trường thường vận động được ở mức thấp.
Riêng TP.HCM với nhiều gia đình có điều kiện kinh tế tốt hơn, có khả năng kinh tế nên họ muốn nâng cao điều kiện học tập và chất lượng dạy học của con em.
Về mặt pháp luật, tự nguyện đóng góp là không ai bắt ép mà lại dùng cơ chế qua ban đại diện cha mẹ học sinh với những rối rắm trong quy định: nhà trường vận động hay phụ huynh vận động? Cơ chế nào cho các hoạt động này? Nguồn cơn đó dẫn đến việc lạm thu trong nhà trường mà phát hiện vụ này ở đây xong sẽ lòi ra vụ khác ở nơi khác.
Điều này đặt ra vấn đề Nhà nước không thể ngăn chặn bằng các biện pháp hành chính được. Nhu cầu nâng cao trình độ là có thật, ngân sách chi phí cho các trường ít ỏi là có thật và mức sống người dân cao với mong muốn có môi trường học tập tốt hơn cho con em là có thật và số lượng người dân có khả năng đóng góp cho ngành giáo dục là có thật.
Để cho con em họ học trường tư thì họ không muốn cho học trường tư. Họ muốn có khả năng để góp vào. Nhưng điều bất cập là nhiều phụ huynh muốn đóng góp vào trường công cũng không có kênh chính thống nào để góp.
Còn thông qua quỹ phụ huynh thì không đúng quy định, không được kiểm soát chi tiêu và tạo kẽ hở để trở thành những vấn nạn về lạm thu, gây bức xúc cho xã hội.
Phải nói rằng những quy định về hoạt động thu chi, đóng góp xã hội hóa giáo dục vào trường công hiện chưa đầy đủ và còn nhiều lỗ hổng để có thể tiếp nhận nguồn tài chính bổ sung này cho nhà trường. Vì vậy, theo tôi, chống lạm thu phải bắt đầu từ có hành lang pháp lý cho việc thu chi đúng quy định, có kiểm soát, minh bạch tài chính.
Tôi đề nghị Nhà nước, Bộ GD-ĐT cần nghiên cứu về pháp lý xã hội hóa giáo dục trong trường phổ thông như thế nào để đưa ra hành lang pháp lý cho việc vận động nguồn bổ sung thêm ngân sách nhà nước để nâng cao chất lượng đào tạo ở trong các trường phổ thông.
Các loại quỹ trong nhà trường cần phải có quy định rõ ràng. Phương thức thu chi này được thống nhất trong các cơ sở giáo dục phổ thông trên cả nước và phải được kiểm tra, kiểm soát, minh bạch.
* PGS.TS Nguyễn Kim Hồng (nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM):
Bảy nguyên tắc trong thu chi
Để việc đóng góp của phụ huynh, các cá nhân - các nhà hảo tâm, doanh nghiệp ngày một nhiều hơn thì cần có những nguyên tắc thu.
Thứ nhất: tự nguyện. Phụ huynh các gia đình có thu nhập thấp sẽ không phải đóng nếu họ không đủ điều kiện đóng góp các khoản chi phí này.
Thứ hai, mức đóng phải được sự đồng thuận của phụ huynh học sinh.
Thứ ba, tạo điều kiện tiếp nhận cả về kinh phí lẫn các sản phẩm vật chất khác của người muốn hiến tặng có thể hiến tặng cho nhà trường.
Thứ tư, trường tiếp nhận phải lên kế hoạch chi và phải được các cấp quản lý trực tiếp phê duyệt.
Thứ năm, nghiêm cấm mọi hành vi dùng tiền đóng góp của phụ huynh học sinh cho các hoạt động không phục vụ dạy - học của giáo viên (như chi cho giáo viên đi tham quan, nghỉ dưỡng...). Thứ sáu, tăng tỉ lệ các trường tư thục, tạo điều kiện cho các trường tư thục phát triển.
Cuối cùng, người đứng đầu tổ chức giáo dục sẽ chịu mọi hình thức kỷ luật nếu sử dụng sai mục đích các khoản đóng góp.
* TS Hồ Văn Hải (giảng viên ĐH Sài Gòn):
Phải minh bạch
Ban đại diện cha mẹ học sinh phải trong vai trò cầu nối, tham gia vào quá trình dạy học và không trở thành cánh tay nối dài của lạm thu trong trường học.
Để làm được như vậy, tôi cho rằng thu chi của ban đại diện cũng cần được luật hóa và nhà trường phải thông tin đến các ban đại diện trong đầu năm học.
Trước mắt, nếu chưa có những quy định cụ thể cho việc thu chi của ban đại diện thì việc thu chi là của ban đại diện cha mẹ học sinh cần được nhà trường tham vấn.
Trường phải được báo cáo thu chi của ban đại diện trường. Đồng thời đầu năm trường phải tổ chức khảo sát về các hoạt động ở trường mà khung pháp lý, chi phí hiện không cho phép họ đầu tư cho học sinh để ban đại diện có căn cứ minh bạch để thu chi.
* Bà Hứa Thị Diễm Trâm (hiệu trưởng Trường THCS Hà Huy Tập, quận Bình Thạnh, TP.HCM):
Nhận sản phẩm, không nhận tiền
Tại trường tôi chỉ thu lớp thấp nhất là 30.000 đồng và cao nhất 100.000 đồng. Quy định chung là lớp nào cũng phải báo cáo thu chi với hiệu trưởng để nắm thông tin. Trường, lớp chi gì cũng phải báo với phụ huynh.
Nhà trường luôn hỏi ý kiến, thông báo với phụ huynh, hỏi ý kiến học sinh, rất dân chủ trong việc chi.
Đối với các khoản chi, trường kiên quyết phải báo cáo và làm đúng quy định, không thể giáo viên tự ý thu. Sửa chữa của trường không thuộc vấn đề đóng góp của phụ huynh vì trường đã làm rồi.
Đối với những phụ huynh muốn tự nguyện đóng góp cho lớp học cũng thông tin là "chìa khóa trao tay", mua sản phẩm trao cho lớp chứ không có việc đưa tiền.
* Ông Trương Hữu Phước (hiệu trưởng Trường THCS Bình Khánh, huyện Cần Giờ, TP.HCM):
Giáo viên chủ nhiệm không thu khoản nào
Với kinh nghiệm bản thân tôi thì không có hiệu trưởng nào muốn lạm thu. Chúng tôi suy nghĩ đắn đo từng khoản thu, xây dựng kế hoạch thu chi từ đầu năm.
Những nội dung nào mà thu theo thỏa thuận thực sự cần thiết phục vụ học hành cho học sinh thì mới xin ý kiến phụ huynh. Đặc biệt, trường chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm không thu khoản nào hết.
Tôi cho rằng các trường muốn thực hiện xã hội hóa trước tiên phải thực hiện đúng quy định thông tư 16, những hoạt động xã hội hóa phải liệt kê đầy đủ trong kế hoạch tài trợ, viện trợ hằng năm của trường.
Kế hoạch này xây dựng trên tinh thần ý kiến đóng góp của phụ huynh, giáo viên. Khi hoàn thiện rồi thì trình phòng giáo dục có quyết định phê duyệt thì mới chính thức thực hiện công tác xã hội hóa.
Việc xã hội hóa cũng cần dựa trên thực lực của phụ huynh tại địa phương, tình hình kinh tế - xã hội để vận động.
* Một hiệu trưởng trường THCS quận Hai Bà Trưng (Hà Nội):
Hướng dẫn để giảm bớt những "điểm mù"
Với kinh phí eo hẹp mà 85 - 90% chi cho lương, phần còn lại chi thường xuyên càng ít ỏi. Trong khi có rất nhiều những đầu việc, hoạt động cần phải có tiền. Nếu không trông đợi vào sự hỗ trợ của cha mẹ học sinh và các nguồn xã hội hóa khác thì không thể làm được.
Tuy Bộ GD-ĐT cũng có các văn bản, quy định hướng dẫn nhưng thực tế nhiều vấn đề phát sinh mà hiệu trưởng phải xử lý. Nhiều lúc cảm thấy như đi trên dây vì ranh giới giữa đúng và sai quá mong manh. Sơ suất là sai phạm. Theo quy định những khoản thu tự nguyện phải có sự đồng thuận cao từ phụ huynh nhưng nhiều khi trong cuộc họp cha mẹ học sinh không có ý kiến, sau đó mới lên mạng xã hội viết.
Nhiều người chưa tìm hiểu ngọn ngành đã chỉ trích nhà trường, thậm chí có những lời lẽ gây tổn thương cho thầy cô giáo. Tôi không bênh vực việc lạm thu. Những việc cố tình thu những khoản trái quy định, sai mục đích, không đúng quy trình được hướng dẫn... cần chấn chỉnh nhưng là người phải chịu trách nhiệm ở một nhà trường, tôi mong xã hội cũng thấu hiểu những khó khăn của các trường.
Cơ quan quản lý giáo dục các cấp có các hướng dẫn cụ thể sát với thực tế hơn để các trường dễ thực hiện, giảm bớt những "điểm mù" khiến lãnh đạo các nhà trường rơi vào sai phạm ngoài ý muốn.
Công khai từng khoản thu đến cha mẹ học sinh
Cuối tháng 8-2023, Sở GD-ĐT TP.HCM có quy định về các khoản thu đầu năm học 2023 - 2024 như sau:
- Khoản thu học phí với các cơ sở giáo dục công lập: tạm thời chưa thu, chờ hướng dẫn.
- Các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục: thực hiện theo nghị quyết số 04/2023/NQ-HĐND ngày 12-7. Trong đó các trường căn cứ vào tình hình thực tế để xây dựng dự toán thu chi cho từng nội dung thu. Dự toán này là căn cứ để có mức thu cụ thể, đảm bảo nguyên tắc thu đủ chi đủ và phải trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Yêu cầu các trường công khai kế hoạch thu chi của từng khoản thu đến cha mẹ học sinh trước khi tổ chức thực hiện.
- Thời gian thu phải đảm bảo nguyên tắc theo số tháng thực học nhưng không vượt quá khung thời gian quy định của UBND TP.HCM.
- Mức thu quy định tại nghị quyết số 04/2023 là mức thu tối đa.
TP.HCM chấn chỉnh thu chi đầu năm học
Ngày 29-9, Sở GD-ĐT TP.HCM đã ban hành văn bản chấn chỉnh công tác thu chi đầu năm học; vận động tài trợ cho giáo dục và kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh năm học 2023 - 2024.
Theo đó, về vận động tài trợ, việc vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng các nguồn viện trợ, tài trợ, quà biếu tặng tại các cơ sở giáo dục thực hiện theo quy định tại thông tư số 16/2018. Kế hoạch vận động phải được phòng GD-ĐT hoặc sở GD-ĐT (theo phân cấp quản lý) phê duyệt trước khi tổ chức vận động và trên tinh thần tự nguyện, không áp đặt.
Kinh nghiệm quốc tế: phụ huynh, giáo viên cùng giám sát
Nhiều trường học trên thế giới thành lập Hội phụ huynh - giáo viên (Parents - Teacher Association, viết tắt PTA) với sự tham gia của tất cả các phụ huynh hoặc người giám hộ và phía nhà trường. Hội được thành lập rất quy củ và thường sẽ có một ủy ban điều hành gồm đại diện từ cả hai phía.
Ở trường mẫu giáo Cuhk Faa Shun Lung Yan Chak tại Hong Kong, phụ huynh không bắt buộc phải tham gia PTA nhưng nếu tham gia sẽ cần đóng một khoản phí hằng năm, ngoài ra họ không cần đóng thêm bất kỳ khoản hỗ trợ tài chính nào khác.
Quỹ PTA cũng được gửi vào tài khoản ngân hàng mở dưới danh nghĩa của hội. Thủ quỹ là một phụ huynh có trách nhiệm báo cáo tình hình tài chính của hội tại các cuộc họp của ủy ban điều hành (gồm tám phụ huynh và bốn giáo viên).
Tất cả các séc rút tiền chỉ có giá trị khi có đủ chữ ký của ba thành viên đều là phụ huynh trong ủy ban, một kiểm toán viên cũng sẽ được bầu ra để kiểm toán tài khoản hằng năm. Chủ tịch ủy ban là một phụ huynh có trách nhiệm báo cáo trước toàn hội về các khoản thu chi trong năm học đó.
Thông báo thu quỹ công khai trên trang web của Trường tiểu học công lập Children's School ở quận Brooklyn, bang New York (Mỹ) ghi rõ mục tiêu là thu 100 USD/học sinh (khoảng 2,4 triệu đồng), song các gia đình có thể đóng góp tùy điều kiện: "Dù là 5 USD, 50 USD hay 200 USD, khoản đóng góp của quý vị sẽ tạo nên sự khác biệt", trường này nêu rõ. Theo yêu cầu, phụ huynh có thể đóng góp trực tuyến hoặc đem séc tới văn phòng PTA của trường này.
Còn theo quy định của British Academy - một trường liên cấp tại Cộng hòa Trinidad & Tobago - khoản đóng góp cho hội là 300 USD/năm/học sinh (khoảng 7,1 triệu đồng), nộp trực tiếp tại văn phòng hành chính của trường.
Quỹ này cũng được gửi vào một ngân hàng do PTA lựa chọn. Đến ngày 30-6 hằng năm, hội sẽ cân đối thu chi cả năm và nộp báo cáo lên ủy ban điều hành PTA không muộn hơn 14 ngày trước ngày họp toàn hội.
Trường này cho biết quỹ PTA đã được sử dụng để hỗ trợ mua thiết bị máy tính, xây dựng phòng thí nghiệm khoa học, nâng cấp cơ sở vật chất, tổ chức lễ tốt nghiệp và một số dự án khác dành cho học sinh.
Vụ việc lạm thu tại Trường tiểu học Hồng Hà 10 triệu đồng/học sinh dù đã được xử lý nhưng dư luận cho rằng nếu vẫn còn các cơ chế thu - chi quỹ hội phụ huynh như hiện nay thì sẽ tiếp tục có những kiểu lạm thu khác xảy ra trong nhà trường.