Ông Cao Đình Hải - chủ tịch phường Nại Hiên Đông đã chia sẻ về cách làm của phường.
Vì sao phường lập tổ phản ứng nhanh xử lý karaoke ồn ào?
- Do tiếng ồn từ karaoke ngày một tăng. Nhất là sau khi xuất hiện các loại loa công suất lớn, bán rẻ, kèm theo là dịch vụ cho thuê loa. Việc có một cái loa để hát quá dễ.
Từ đó dẫn đến việc hát hò thường xuyên, liên tục. Người dân chịu ảnh hưởng rất nặng nề, nhất là người ốm đau, người già, học sinh… Tiếng ồn còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh trật tự.
Phường có nhiều khu chung cư, mà hát ở đây, âm thanh dội tác động rất lớn đến bà con. Tôi nhiều đêm đi thực tế chứng kiến 4-5 nhà cùng một xóm thuê 4-5 loa công suất lớn mở cùng lúc, thi nhau hát. Chịu không nổi. Chúng tôi quyết tâm lập tổ phản ứng nhanh xử lý.
Tổ phản ứng nhanh hoạt động ra sao, thưa ông?
- Phường tổ chức họp lấy ý kiến các cơ quan chuyên môn về cách thức hoạt động, lực lượng, cơ sở pháp lý. Mời đơn vị có chuyên môn đo đạc tiếng ồn hỗ trợ, tư vấn. Tổ phản ứng nhanh có đầy đủ các ban, ngành, đoàn thể như công an, quân sự, quy tắc đô thị, bảo vệ dân phố… Tổ trưởng là chủ tịch phường, hai phó chủ tịch là tổ phó.
Phường làm việc với một đơn vị chuyên môn của Sở Khoa học và Công nghệ để cử cán bộ cùng trang thiết bị đo âm thanh phối hợp, tuyên truyền đến tất cả cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê loa, người dân… Những trường hợp vi phạm được mời đến phường làm việc.
Ngay trong tháng đầu tiên, tổ phản ứng nhanh đã "tuýt còi" gần 20 loa công suất lớn vi phạm tiếng ồn. Qua đó đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ.
Nhiều nơi hiện đang kêu khó xử karaoke ồn ào? Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm của phường mình?
- Quan trọng là phải có cơ quan chuyên môn, có chức năng đo đạc tiếng ồn để xuất ra kết quả và được chấp nhận về mặt pháp lý. Cái này phải có, không là chịu. Bởi hiện phường không có thẩm quyền để thực hiện đo âm thanh.
Còn việc tổ chức triển khai lực lượng cũng gần giống các công việc khác. Căn cứ xử phạt thì đã được quy định tại Nghị định 45. Tiếp đó là sự phân công hoạt động cho phù hợp.
Ví như, ban ngành, đoàn thể tuyên truyền cho người dân; cán bộ lập biên bản chỉ ra hành vi vi phạm theo quy định nào; kết quả đo tiếng ồn chiếu theo điều khoản trên vi phạm ra sao; công an, quân sự tham gia hỗ trợ khi cần thiết… Mỗi người có một nhiệm vụ nhưng có sự phối hợp chặt chẽ. Khu dân cư, tổ dân phố có trách nhiệm tuyên truyền, vận động, nhắc nhở người dân.
Vậy thì việc xử lý karaoke ồn ào nhưng vậy đâu phải quá khó, ông có thấy như vậy?
- Không khó. Nhưng phải làm tỉ mỉ. Khúc mắc nhất là đo đạc tiếng ồn. Giai đoạn đầu, anh em đi làm biết ồn đó, nhưng không biết bao nhiêu để mà xử lý. Và nếu có trang bị máy đo tiếng ồn thì phường cũng không có chức năng để làm. Chúng tôi trăn trở lắm.
Tới nay, ông có đánh giá gì về việc xử lý tiếng ồn trên địa bàn?
- Tối trực, tôi đi thực tế xem thế nào. Thỉnh thoảng vẫn nghe tiếng nhạc (không hát) vừa đủ nghe, hoặc hát âm lượng nhỏ. Anh phó chủ tịch phường đi kiểm tra phát hiện trường hợp và cho đo nhưng tiếng ồn không vượt quy định… Từ đó để thấy đã giảm rất rõ rệt. Người dân rất hoan nghênh.
Có người dân đến nói với tôi: "Tôi từng có ý định bán nhà đi vì không chịu nổi tiếng ồn. Qua góp ý hàng xóm không nghe. Sau khi phường xử lý, họ không còn hát hò ồn ào nữa. Gia đình tôi quyết định ở lại đây".
Ngày 23-9, TAND TP Đà Nẵng xét xử và tuyên phạt Nguyễn Lê Thành Tài (37 tuổi, trú quận Thanh Khê, Đà Nẵng) mức án chung thân về tội giết người. Vụ án xuất phát từ việc hát karaoke ồn ào trong xóm trọ.