Đến đời mình, ông Tường hy vọng được lên bờ dựng cái nhà chồ trên mặt phá, trước gọi là xóm Sáo (thôn 1, xã Điền Hải, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế). Gần 10 năm trước, Nhà nước giải tỏa xóm Sáo, nhiều hộ dân được bố trí tái định cư gần trong cồn cát. Ông Tường may mắn mua được ngôi nhà xây gần chợ mới Điền Hải.
Dù vào ở xóm chợ nhưng ông vẫn phải quay lại phá Tam Giang. Ông Tường chia sẻ: "Lên bờ mà không biết chữ nên chẳng làm được gì. Thôi đành quay với nghiệp ngư dân phá Tam Giang. Cuộc sống chủ yếu dựa vào nghề nò sáo (một loại bẫy cá lớn cắm giữa mặt phá Tam Giang)".
Mấy năm gần đây du lịch trải nghiệm sông nước đầm phá mở ra cơ hội cho ngư dân khai thác thêm chút thu nhập để lo cho con học hành, tạo dựng cuộc sống tốt hơn. Ông Tường cùng vợ (bà Trần Thị Ba) quyết định nhận làm tour guide, thi thoảng rước khách du lịch ra tham quan, trải nghiệm đời sông nước trên phá.
Cũng từ đó ông Tường có điều kiện để đầu tư cho ba người con có điều kiện học hành thành tài. Đến đời con ông Tường đã dứt cảnh lam lũ lặn hụp trong con nước. Hiện hai người đã học xong THPT vào miền Nam làm công nhân và làm đầu bếp hàng quán ở Huế. Riêng cô con gái út vừa tốt nghiệp đại học đang làm thủ tục du học ở Nhật.
Với quyết tâm của ông Tường, đời ngư dân sẽ là quá khứ không còn cảnh cả đời ngụp lặn khổ cực bám lấy đời con ông.
TTO - 'Chịu khó thức khuya giăng lưới chỉ vài tiếng là kiếm được 300.000 - 400.000 đồng. Cái hồ Biển Lạc kỳ lạ giữa núi rừng này như niêu cơm Thạch Sanh vơi lại đầy, nuôi dân làng qua bao năm'.