Bà Nguyễn Thị Hạ (49 tuổi, nhà gần bãi xác tàu) cho biết: "Mấy con tàu này nằm ở đây lâu rồi mà vẫn chưa được trục vớt, tiêu hủy. Đến nay những tấm ván, tấm nhựa đóng tàu bong tróc nổi lềnh bềnh, gây ô nhiễm".
Những xác tàu vô chủ
Ông Trần Học (45 tuổi, một ngư dân đi biển tại cảng Hòn Rớ) khẳng định đa số tàu hư hỏng nằm ở đấy là tàu bị chìm ngoài khơi, chủ kéo vào bờ rồi để mặc.
"Người ta không màng đến chuyện trục vớt tàu, vì riêng chi phí trục vớt, sửa chữa đã tốn gần 100 triệu đồng. Rác trên bờ mình có thể dọn, nhưng đây là cả con tàu tài sản của người ta. Nhiều chủ tàu còn sang nơi khác làm ăn, không liên lạc được nên chúng tôi đành chịu" - ông Học giải thích.
Theo nghị định 05/2017/NĐ-CP của Chính phủ về xử lý tài sản chìm đắm trên tuyến đường thủy nội địa, vùng nước cảng biển và vùng biển Việt Nam, chủ sở hữu tài sản chìm đắm có nghĩa vụ tổ chức trục vớt tài sản chìm đắm và chịu mọi chi phí liên quan đến việc trục vớt tài sản chìm đắm.
Trường hợp chủ sở hữu tài sản chìm đắm không thực hiện tổ chức trục vớt hoặc trục vớt tài sản chìm đắm không đúng thời hạn yêu cầu, cơ quan có thẩm quyền quyết định việc trục vớt tài sản chìm đắm, trừ trường hợp do sự kiện bất khả kháng. Cảng vụ chủ trì, tổ chức trục vớt đối với tài sản chìm đắm gây nguy hiểm.
Tuy nhiên việc trục vớt và đem đi xử lý là vấn đề với cả chủ tàu và cơ quan chức năng.
Ông Võ Thiên Lăng - phó chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam - nói rằng khi tàu bị hư hỏng, thiệt hại, chủ tàu phải có trách nhiệm đưa tàu lên bờ để đưa đi sửa chữa.
"Hiện Chính phủ đã có quy định về chính sách hỗ trợ ngư dân khắc phục rủi ro thiên tai trên biển, nhưng vẫn chưa có quy định về việc hỗ trợ các rủi ro chủ quan do nhân dân gây nên. Các đơn vị quản lý cần phải siết chặt hoạt động của chủ tàu. Tàu hư hỏng phải yêu cầu ngư dân trình báo và đôn đốc ngư dân sớm tiến hành trục vớt" - ông Lăng nói.
Sẽ sớm xử lý xác tàu
Ông Bùi Cao Pháp - phó chủ tịch UBND xã Phước Đồng - cho hay những con tàu này bị vứt bỏ ở đây gần 10 năm. Ngoài tàu cá vỏ gỗ còn có tàu vỏ composite của một công ty.
"Đến nay địa phương vẫn chưa nhận được hướng xử lý, trục vớt những xác tàu này từ TP Nha Trang. Thông thường việc dọn dẹp trên sông do Ban quản lý dịch vụ công ích thực hiện", ông Pháp nói.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hồng Sâm - giám đốc Ban quản lý dịch vụ công ích TP Nha Trang - cho biết đơn vị chỉ phối hợp thực hiện việc dọn rác thải trên sông, còn việc trục vớt xác tàu không thuộc phạm vi đơn vị phụ trách.
Ông Lưu Thành Nhân - phó chủ tịch UBND TP Nha Trang - cho hay đã nắm được tình trạng này và sớm chỉ đạo địa phương khẩn trương phối hợp kiểm tra, đề xuất biện pháp xử lý các xác tàu cá.
Tàu chở gạo ngàn tấn va vào đá ngầm, bị sóng đánh gãy đôi sau 8 tháng đã hoen gỉ. Con tàu ngàn tấn giờ thành chướng ngại vật, mất an toàn và gây nguy hiểm cho các tàu qua lại vùng biển Sa Huỳnh.