Tối 30-9 tại Hà Nội, sang biểu diễn tại HAY Fest 2023, huyền thoại hip hop Epik High đội nón lá và liên tục giao lưu với khán giả Việt, chào bằng tiếng Việt.
Đây là lần đầu tiên "anh cả" hip hop Hàn Quốc đến Việt Nam. Nhóm này nói "hạnh phúc vì có mặt tại Việt Nam", "hối hận vô cùng vì giờ mới đến Việt Nam", "chúng tôi yêu các bạn"...
Thậm chí, thành viên Tablo còn bộc bạch: "Việt Nam sẽ là ngôi nhà phương xa của chúng tôi". Epik High cũng không quên thả thính họ sẽ trở lại vào năm 2024 để mang tour diễn vòng quanh thế giới đến Việt Nam.
Đội nón lá, nói tiếng Việt, nhảy 'See Tình', các cô gái Blackpink tạo ấn tượng trong đêm diễn đầu tiên
Trước đó, cuối tháng 7, BlackPink sang biểu diễn cũng khiến các bạn trẻ Việt Nam "xỉu up xỉu down", dâng trào, phấn khích khi có những tương tác rất "ngọt". Các cô đội nón lá Việt Nam, nhảy See tình của Hoàng Thùy Linh và nói "Yêu các bạn", "Yêu Việt Nam" và hỏi "Các bạn có vui không?"...
Có thể kể thêm nhiều dẫn chứng cho sự chịu khó giao lưu và lấy lòng khán giả của các sao Hàn khi sang Việt Nam cũng như những thị trường khác.
Nghe Epik High nói chuyện, chị Lê Thu Huyền (Hà Nội) nói: "Màn giao lưu dạng này nghe có vẻ công nghiệp nhưng mà thích". Đó có lẽ là chia sẻ không chỉ của riêng chị Huyền mà phần lớn khán giả Việt Nam.
Trong cuốn Giải mã Hàn Quốc sành điệu, tác giả Euny Hong kể cách Hàn Quốc chinh phục thế giới qua công nghiệp giải trí. Ở đó, các nghệ sĩ khuôn đúc và bị đối xử như một mặt hàng tiêu dùng ngay từ ngày đầu tiên.
Những nhà sản xuất âm nhạc viết ra một bản thiết kế sản phẩm cho ban nhạc họ muốn, từ những chi tiết nhỏ nhất như ngoại hình, giọng hát, chiến dịch marketing trước cả khi họ tuyển thành viên.
Tác giả Euny cũng nói thêm: "Các giám đốc K-pop luôn để mắt đến thị trường nước ngoài và khả năng thích nghi với các nền văn hóa khác nhau cũng là một phần của công thức".
Thậm chí đất nước này còn có một cục gọi là Cục Công nghiệp Pop Culture và lập ra quỹ đầu tư trị giá 1 tỉ USD để nuôi nó.
Vì thế, chẳng lạ gì khi nhiều nhóm K-pop phát hành nhạc tiếng Trung hoặc tiếng Nhật. Ví dụ, ca khúc Paparazzi tiếng Nhật của nhóm SNSD.
Thế mới nói khi sao Hàn sang Việt Nam, hết người này đến nhóm nọ cứ bổn cũ soạn lại một công thức giao lưu mà khán giả vẫn dính "thính".
Bởi đằng sau chiêu ngoại giao văn hóa thực ra là một cỗ máy công nghiệp giải trí thành thục, hoàn thiện và có sức hấp dẫn bậc nhất ở thời điểm hiện tại. Từ kỹ năng biểu diễn, ngoại hình... cho đến cách chào hỏi, nói năng.
Mới đây, các sao Hàn như Taeyang (thành viên nhóm nhạc Big Bang), nhóm nhạc aespa, ca sĩ Hyo Yeon (nhóm SNSD), các thành viên chương trình truyền hình Knowing Bros... gây sốt khi đến Hội An, Đà Nẵng và có nhiều hoạt động thân thiện.