Chính phủ Anh đang tính ra quy định nhằm bảo vệ người tiêu dùng trước hành vi niêm yết giá thiếu minh bạch. Bị chỉ đích danh, trước tiên là các hãng hàng không.
Tờ Thư tín hàng ngày ra tại Anh viết: "Ngoài giá vé, hành khách còn phải trả thêm đủ loại phụ phí: mang hành lý, trả thêm tiền; muốn có ghế ngồi cạnh nhau trên máy bay, cũng phải trả phí. Từ hai năm nay, hãng hàng không easyJet còn bắt trả tiền cả túi xách tay mang theo người".
Ngoài ra, hàng khách còn phải trả phí thêm nếu muốn làm thủ tục nhanh ở sân bay; nếu muốn có chỗ ngồi trong lúc đợi ra máy bay và trên máy bay… Những khoản phí khá lặt vặt, nhưng cộng hết cả lại thành khoản tiền không nhỏ.
Theo bài báo, chi phí ngoài giá vé niêm yết, mà mỗi hành khách của hãng hàng không Ryanair phải trả, đã tăng 70% so với 10 năm trước, nay lên tới gần 20 Bảng Anh (khoảng 600.000 đồng).
Hành khách mà mua vé xong muốn đổi vé, hoặc là sơ ý gõ nhầm tên họ cho nên phải sửa, tất nhiên lại mất tiền, mà lúc đó sẽ tốn nhiều. Tờ báo Anh trích một nghiên cứu ước tính 1/5 tổng doanh thu của các hãng hàng không trên toàn thế giới là từ những khoản phí kiểu này.
Hành vi niêm yết giá ban đầu thấp, nhưng cuối cùng bắt khách hàng phải trả giá cao hơn, không chỉ từ các hãng hàng không. Tờ Nhà kinh tế mới của Pháp viết: "Gần một nửa số doanh nghiệp bán lẻ trên mạng tính thêm phí nọ phí kia, gọi là tuỳ chọn, nhưng thực ra không thêm không được".
Sau vé máy bay, hành vi này rất phổ biến với vé xem sự kiện, xem phim, phòng tập thể thao. Kể cả thuê xe tự lái hay gọi đồ ăn mang tới nhà… giá niêm yết với giá thực trả chênh lệch khá nhiều.
Tờ báo Pháp lấy ví dụ, thuê nhà qua dịch vụ Airbnb, giá niêm yết có vẻ rất hợp lý nhưng khi tiến hành đặt sẽ thấy thêm phí hành chính, phí dọn phòng không thể bỏ qua được.
Bài báo viết thêm là không phải ngẫu nhiên mà các phí này xuất hiện mãi về sau gần tới lúc nhấn nút trả tiền thì mới thấy. Khi khách hàng đã mất nhiều thời gian cho các bước đăng ký, gần như chắc chắn sẽ mua thì dễ tặc lưỡi chấp nhận những khoản phí đó, dù cho có hơi phải "nghiến răng".
Đối với chính phủ Anh đó là một dạng gian lận thương mại. Tờ Bưu điện Yorkshire ra tại Anh cho biết Bộ Kinh doanh và Thương mại của Anh sẽ tìm cách cải thiện tính minh bạch trong hiển thị giá. Nước Anh có thể bổ sung hành vi đó vào danh sách các hoạt động thương mại được coi là không công bằng và bị cấm, theo Dự luật Thị trường Kỹ thuật số, Cạnh tranh và Người tiêu dùng, nhằm giúp người Anh dễ dàng so sánh giá trước khi mua.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.86282715120013202-aig-tey-mein-gnort-hcab-hnim-iahp-peihgn-hnaod-coub-hna-coun/et-hnik/nv.vtv