Mở màn môn nhảy cầu tại Asiad 19, bộ đôi Quan Hongchan và Chen Yuxi (Trung Quốc) xuất sắc giành huy chương vàng nội dung 10m cầu cứng đồng bộ (synchronised).
Tấm huy chương được dự báo từ trước, khi bộ đôi này đã thống trị thế giới trong 3 năm qua, ở nội dung 10m cầu cứng đồng bộ và cá nhân.
Được phát hiện qua trò chơi dân gian
Câu chuyện về Quan Hongchan - vận động viên từng khiến thế giới sửng sốt vào năm cô 14 tuổi khi phá kỷ lục tại Olympic Tokyo 2020 nội dung 10m cầu cứng cá nhân - tiếp tục nhận được sự quan tâm của truyền thông tại Asiad 19.
Quan Hongchan sinh năm 2007 tại ngoại ô thành phố Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.
Vào năm 7 tuổi, cô bé đã thể hiện sự khéo léo vượt trội so với chúng bạn trong trò chơi nhảy lò cò - một trò chơi dân gian cũng rất quen thuộc với học sinh Việt Nam.
Vô tình khả năng của Quan đã được nhìn thấy bởi ông Chen Huaming - cựu vận động viên nhảy cầu, HLV cấp thành phố Trạm Giang. Từ đó, Quan Hongchan được khuyến khích thử sức với môn nhảy cầu.
"Trước đó tôi chưa từng chơi môn thể thao nào. Tôi cảm thấy thích nước. Từ lúc bắt đầu nhảy cầu, tôi khác nhiều bạn bè khi đã nhảy xuống nước mà không hề sợ hãi hay do dự", Quan nhớ lại.
Trên trang Liên đoàn Bơi lội thế giới (FINA), Quan Hongchan kể: "Năm tôi 7 tuổi, khi đang nhảy lò cò với bạn bè trong giờ giải lao ở trường, thầy Chen Huaming đã khen ngợi tôi. Thầy nói tôi nhỏ bé, nhanh nhẹn và có khả năng nhảy cao, xa hơn người.
Thầy Chen tìm kiếm tài năng ở khắp nơi, từ thành phố đến nông thôn nên đã đến nhà nói chuyện với bố mẹ tôi. Tôi sau đó đã theo học thầy ở Trường thể thao Trạm Giang".
Năm 2018, Quan Hongchan được đôn lên đội nhảy cầu Quảng Đông và 3 năm sau được triệu tập lên đội tuyển nhảy cầu quốc gia Trung Quốc.
Miêu tả về tài năng của Quan, HLV đội Quảng Đông He Weiyi xuýt xoa: "Các bạn tin hay không thì tùy, chỉ trong 3 năm Quan đã có thể thực hiện nhiều động tác rất khó và thậm chí là một vài động tác tiêu chuẩn của nam giới. Một tài năng xuất chúng".
Ông He còn cho biết sự khác biệt của Quan so với các vận động viên còn nằm ở tinh thần cầu tiến: "Tập luyện chăm chỉ, tích cực là một chuyện. Em ấy còn liên tục hỏi tôi về động tác làm sao cho chuẩn nhất, luôn khao khát về sự hoàn hảo. Nếu tôi mà không trả lời ngay là y như rằng mặt cô bé xị ra, không vui liền".
Làm vận động viên nhảy cầu để nuôi mẹ
Một lý do lớn khiến Quan Hongchan gắn bó với nhảy cầu là để kiếm tiền chữa bệnh cho mẹ cô, người mắc căn bệnh cần được chạy chữa thường xuyên.
Sau khi giành tấm huy chương vàng Olympic danh giá, Quan Hongchan chia sẻ với truyền thông thế giới về lý do theo đuổi sự nghiệp vận động viên nhảy cầu:
"Tôi không biết chính xác mẹ bị bệnh gì. Tôi muốn kiếm thật nhiều tiền để chữa bệnh và nuôi mẹ. Bố mẹ cũng hay động viên tôi có huy chương hay không không quan trọng bằng việc tôi được thể hiện hết khả năng của mình".
Khi biết được những phát biểu trên, bố của Quan rất bất ngờ vì ông chưa bao giờ nói với cô bé về tình trạng của người mẹ. "Con bé đã trưởng thành rồi", bố của Quan xúc động nói trên kênh truyền hình Quảng Đông.
Được biết, Quan sinh ra trong gia đình thuộc diện thu nhập thấp ở Quảng Đông. Bố mẹ cô đều làm nông. Từ bé, Quan đã ý thức được về hoàn cảnh và chưa bao giờ vòi vĩnh đi chơi sở thú hay công viên.
Ở Asiad 19, Quan Hongchan là vận động viên nhận được nhiều sự quan tâm từ giới truyền thông. Trước ngày cô thi đấu, đã có nhiều nhà báo quốc tế chấp nhận xếp hàng suốt 2 giờ để thực hiện buổi phỏng vấn cô.
Khi nữ xạ thủ người Ấn Độ Rajeshwari Kumari lên bục nhận huy chương bạc Asiad 19, người trao chính là bố cô - ông Raja Randhir Singh (quyền chủ tịch Hội đồng Olympic châu Á - OCA).