Nhà đầu tư "nhộn nhịp" tới Việt Nam tìm cơ hội rót vốn
Hội nghị Nhà đầu tư năm 2023 do VinaCapital tổ chức diễn ra hôm nay 3-10, thu hút 150 nhà đầu tư quốc tế tham dự, đông nhất kể từ lần đầu tiên hội nghị được diễn ra vào 18 năm trước.
Ông Don Lam - đồng sáng lập, tổng giám đốc Quỹ VinaCapital - cho biết chuyến thăm của tổng thống Mỹ đến Việt Nam đã góp phần thúc đẩy dòng vốn quốc tế vào nước ta.
"Họ gửi tiền để quản lý và đầu tư, mình chia sẻ cho họ những lĩnh vực tiềm năng", ông nói.
Theo đó, hiện nay nhiều nhà đầu tư ngoại đang rất quan tâm vào doanh nghiệp Việt hoạt động trong ngành công nghệ cao, sản xuất chip bán dẫn, năng lượng tái tạo, giáo dục, y tế...
Tổng giám đốc Hội đồng đầu tư của quỹ VinaCapital, ông Andy Ho, cho biết vừa rồi có cơ hội gặp gỡ nhiều nhà đầu tư ở NewYork (Mỹ), nhân chuyến Thủ tướng Phạm Minh Chính đến thăm sàn chứng khoán NYSE. Qua đó thấy rõ hơn tiềm năng tăng trưởng của dòng vốn ngoại vào nước ta.
Tiếp đón nhà đầu tư ngoại tại sự kiện gồm hàng loạt lãnh đạo doanh nghiệp niêm yết lớn của Việt Nam như: ông Trần Hùng Huy - chủ tịch Ngân hàng Á Châu (ACB), ông Lê Duy Hiệp - phó chủ tịch Transimex, bà Trần Phương Ngọc Thảo - thành viên hội đồng quản trị và ông Lê Trí Thông - tổng giám đốc Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), ông Vũ Thành Trung - thành viên ban điều hành Ngân hàng Quân đội (MBBank)...
Kinh tế Việt Nam đang có sức hấp dẫn dòng vốn ngoại
"Nền kinh tế Việt Nam có nhiều hấp dẫn đối với nhà đầu tư", ông Andy Ho nhận định.
Cụ thể, ước tính vào năm tới tăng trưởng GDP đạt mốc 6-7%, tương đương mức bình quân của 10 năm qua. Kể cả thời điểm căng thẳng như đại dịch COVID-19, GDP nước ta vẫn tăng tốt.
Tiếp đến, chỉ trong vòng ba quý đầu năm nay Việt Nam đã xuất siêu gần 21,7 tỉ USD. Kỳ vọng từ đây đến cuối năm nhà phân phối Mỹ và châu Âu tăng đặt hàng hóa ở Việt Nam, thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu.
Trong thời gian qua nhiều người lo lắng và so sánh thị trường bất động sản Việt Nam và Trung Quốc, nhưng chuyên gia của quỹ đầu tư cho rằng có sự khác biệt rõ rệt.
Chẳng hạn, thị phần bất động sản/GDP ở Việt Nam nằm mức 8%, trong khi Trung Quốc lên tới 20% và có nhiều "thành phố ma" không người ở. Tỉ lệ nhà ở còn trống ở Việt Nam là -5%, Trung Quốc dương 25%.
Điểm tích cực nữa là năm nay nguồn vốn FDI đổ vào Việt Nam khoảng 20-25 tỉ USD, cho thấy nhà đầu tư nước ngoài có niềm tin vào thị trường, lao động, hạ tầng... ở nước ta.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng để tăng sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư lớn như Apple, Samsung..., người lao động Việt cần có trình độ cao hơn, thực hiện công việc nghiên cứu và sản xuất, vươn lên trong chuỗi giá trị, thay vì chỉ gia công.
Song song đó, ông Andy Ho nhấn mạnh việc Chính phủ thực hiện nhiều biện pháp để nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô trở thành điểm cộng cho Việt Nam. Điển hình là Ngân hàng Nhà nước đang giữ tỉ giá USD/VND ổn định để bảo vệ các nhà đầu tư nước ngoài.
Giám đốc điều hành VinaCapital Nguyễn Hoài Thu cho biết mặc dù trong ngắn hạn thị trường chứng khoán có những biến động mạnh, nhưng về dài hạn đây vẫn là kênh hấp dẫn với nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Quỹ đầu tư tư nhân hàng đầu thế giới Bain Capital (Mỹ), có khối tài sản quản lý xấp xỉ 180 tỉ USD, đồng ý đầu tư ít nhất 200 triệu USD vào Masan của tỉ phú Nguyễn Đăng Quang. Đây là thương vụ đầu tiên của quỹ trong chiến lược đầu tư vào Việt Nam.