Tổ hợp vận chuyển dầu 686 triệu USD
Hãng tin Reuters đưa tin, Nga vẫn duy trì vị trí là nhà cung cấp dầu thô hàng đầu của Trung Quốc trong tháng 8 ngay cả khi mức chiết khấu của Nga tiếp tục thu hẹp và Moscow cắt giảm xuất khẩu.
Theo dữ liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu dầu Nga, bao gồm nguồn cung cấp qua đường ống và vận chuyển bằng đường biển, đã tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái lên 10,54 triệu tấn hay 2,48 triệu thùng/ngày, cao thứ hai trong kỷ lục.
Trước đó, hồi tháng 9, hãng tin Reuters cũng dẫn thông tin quỹ Roscongress cho biết, Công ty United Oil-and Gas-Chemical (Nga) và Công ty Phát triển Công nghiệp Xuan Yuan (Trung Quốc) đã nhất trí đầu tư 686 triệu USD để xây dựng tổ hợp vận chuyển dầu ở vùng viễn đông của Nga.
Khu phức hợp này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu dầu của Nga sang Trung Quốc khi Moscow mở rộng cơ sở hạ tầng nhằm đa dạng hóa hoạt động xuất khẩu hàng hóa về phía đông.
Khu phức hợp xuyên biên giới sẽ được xây dựng gần cây cầu đường sắt bắc qua sông Amur nối thị trấn Nizhneleninskoye của Nga với thành phố Tongjiang của Trung Quốc.
Roscongress cho biết sẽ có 5 cơ sở hạ tầng lớn, bao gồm một nhà ga có công suất lưu trữ, pha trộn và nạp tới 5,8 triệu tấn dầu thô và hỗn hợp dầu khí ngưng tụ mỗi năm.
Dự án cũng sẽ xây dựng một kho chứa các bể chứa thẳng đứng và nằm ngang để tiếp nhận, lưu trữ và phân phối tới 1 triệu tấn sản phẩm dầu mỏ và dầu nhiên liệu mỗi năm; đồng thời sẽ có một khu phức hợp nạp khí để trung chuyển khí dầu mỏ hóa lỏng, có khả năng xử lý tới 650.000 tấn sản phẩm/năm.
Nhà cung cấp dầu thô hàng đầu
Theo Financial Times, trong nửa đầu năm 2023, Trung Quốc đã nhập khẩu 11,4 triệu thùng dầu thô/ngày, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 15,3% so với mức trước đại dịch Covid.
Trong đó, Trung Quốc đã nhập khẩu 2,13 triệu thùng dầu/ngày từ Nga so với 1,88 triệu thùng dầu/ngày từ Ả Rập Saudi, đưa Nga trở thành nhà cung cấp dầu thô hàng đầu cho Trung Quốc từ đầu năm đến nay.
"Câu trả lời ngắn gọn là dự trữ dầu thô đang tăng lên ở Trung Quốc", ông Mukesh Sahdev, người đứng đầu bộ phận kinh doanh dầu tại Rystad Energy, nói. "Họ đang nhập khẩu cho tương lai..."
FT cho rằng, việc xoay trục sang Nga dường như mang tính cơ hội hơn là một sự thay đổi mang tính hệ thống.
Michal Meidan, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu năng lượng Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford, nói rằng: "Tôi không nghĩ Trung Quốc sẽ dồn hết sức vào Nga. Đây là một bước đi ngắn hạn... Trung Quốc rất muốn giữ sự cân bằng giữa các nhà cung cấp".
"Giá được định hướng bởi thực tế thị trường", bà Meidan nhấn mạnh.
Các nhà phân tích tại Công ty phân tích năng lượng Kple đã chỉ ra động lực mạnh mẽ để các nhà máy lọc dầu Trung Quốc tiếp tục sản xuất, nhờ lợi thế biên lợi nhuận lên tới 3 USD/thùng so với các đối thủ châu Á.
Kpler cho rằng lợi thế từ nguồn nguyên liệu giá rẻ của Nga sẽ cho phép dầu do Trung Quốc sản xuất tràn ngập thị trường, tạo thế cạnh tranh với các nhà sản xuất Hàn Quốc và Nhật Bản.