Quý III/2023 chưa có nhiều điểm sáng
Hai quý đầu năm 2023, nền kinh tế gặp khó khăn, tổng lợi nhuận sau thuế các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán giảm 17% so với cùng kỳ. Quý III vừa kết thúc, các doanh nghiệp chưa lập báo báo cáo tài chính, nhưng dựa vào các chuyển động trên thị trường và chuyển động từ doanh nghiệp, Công ty Chứng khoán VPBank (VPBankS) cho rằng, lợi nhuận quý này của các doanh nghiệp niêm yết chưa có nhiều điểm sáng, kỳ vọng sẽ dần phục hồi mạnh mẽ trong các quý sau.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, tổng giám đốc một doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên HOSE đánh giá, với các doanh nghiệp địa ốc, lợi nhuận quý III/2023 chưa khởi sắc, bởi những khó khăn vẫn còn. Mặc dù ngành bất động sản đang được Chính phủ quan tâm và tạo điều kiện rất lớn, từ việc hỗ trợ chính sách đến các giải pháp tháo gỡ, nhưng chưa thể có kết quả rõ nét ngay trong một sớm một chiều.
“Trong bối cảnh cả nền kinh tế khó khăn, ngành nào cũng bị tác động, huống hồ bất động sản vừa trải qua giai đoạn khủng hoảng dây chuyền, kể cả những doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh vẫn bị tác động”, vị tổng giám đốc doanh nghiệp nói và chia sẻ, kỳ vọng lợi nhuận quý IV sẽ tích cực, nhưng để hoàn thành kế hoạch cả năm là một thách thức rất lớn đối với doanh nghiệp ông cũng như nhiều doanh nghiệp khác.
Tương tự, trong ngành dệt may, lãnh đạo Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (Thương mại Thành Công, mã chứng khoán TCM) cho biết, doanh thu và lợi nhuận quý III/2023 của Công ty ghi nhận thấp hơn cùng kỳ, do đơn hàng xuất khẩu suy giảm, trong khi chi phí đầu vào không giảm.
Tính đến hết tháng 8/2023, Thương mại Thành Công đạt doanh thu 91,2 triệu USD và lợi nhuận sau thuế hơn 6 triệu USD (tương đương hơn 146 tỷ đồng), lần lượt giảm 29% và 26% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu đến từ 3 mảng chính gồm sản phẩm may chiếm 76%, vải chiếm 16% và sợi chiếm 7%. Lãnh đạo Công ty kỳ vọng, lợi nhuận từ quý IV/2023 trở đi sẽ tốt hơn.
Tuy nhiên, không ít nhóm ngành khác có thể ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan trong quý III/2023, như chia sẻ của ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị FinPeace. Đó là, bên cạnh chọn đầu tư dựa trên kỳ vọng về hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp thì dòng cổ phiếu cần quan sát vẫn là các nhóm mang tính chất thị trường cao như chứng khoán, thép, xuất khẩu, ngân hàng. Hơn nữa, đây là nhóm cổ phiếu được kỳ vọng có lợi nhuận quý III sáng hơn so với tổng thể trên thị trường.
Ông Tuấn Anh cho rằng, thị trường chứng khoán đang ở pha rung lắc mạnh. Thị trường giảm vượt qua đáy ngắn hạn trong tuần qua làm cho không khí giao dịch trở nên tiêu cực, thanh khoản suy giảm. Tuy nhiên, kênh đầu tư chứng khoán vẫn được đông đảo nhà đầu tư quan tâm, mức giá giảm hiện nay có thể mang lại cơ hội thu lời trong 1 - 2 tháng tới.
Với các nhà đầu tư e ngại rủi ro, hoặc đầu tư ngắn hạn, hiện chưa phải là thời điểm thích hợp để tham gia, nhưng đây là thời gian vàng để quan sát, chờ đợi cơ hội tốt hơn xuất hiện. Thông thường, sau những biến động mạnh và thanh khoản cao, thị trường sẽ sớm đạt được sự cân bằng và tăng điểm sau đó.
Kỳ vọng dồn vào quý cuối năm
Hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp khó có thể phản ánh ngay trong quý III, mà kỳ vọng đổ dồn vào quý cuối năm.
Trên thực tế, báo cáo kết quả kinh doanh được mong đợi nhất là báo cáo cuối năm. Thông lệ các năm, báo cáo quý III không chịu nhiều sức ép thúc đẩy, do đó sẽ không thể hiện nhiều con số tích cực so với báo cáo quý IV.
Ông Nguyễn Tuấn Anh cho rằng, báo cáo quý III/2023 sẽ chưa có nhiều gam màu sáng, mà ở mức trung bình, nhưng quý IV sẽ có nhiều điểm đáng chờ đợi, vì đây là quý chốt số liệu của một năm, cũng là quý cao điểm của nhiều ngành như bất động sản, các doanh nghiệp liên quan đến đầu tư công như xây dựng, nguyên vật liệu…
“Lợi nhuận quý IV/2023 của nhiều doanh nghiệp niêm yết sẽ tích cực hơn khi các nỗ lực hỗ trợ của Chính phủ bắt đầu thể hiện sâu vào hoạt động doanh nghiệp. Hơn nữa, việc hạ lãi suất chưa hỗ trợ nhiều trong báo cáo quý III, nhưng sẽ thể hiện rõ ràng trong báo cáo quý IV”, ông Tuấn Anh nói.
Theo VPBankS, dựa vào cơ cấu kết quả kinh doanh quý II/2023, hai nhóm chiếm tỷ trọng lớn nhất về lợi nhuận sau thuế là ngân hàng và tài chính đã tạo đáy, khó có thể giảm thêm. Bên cạnh đó, lợi nhuận của nhóm ngành công nghiệp, nguyên vật liệu, hàng tiêu dùng có khả năng ghi nhận con số tích cực trong quý III, nhờ kỳ vọng vào dòng vốn FDI, đầu tư công, diễn biến thuận lợi của giá hàng hóa cơ bản, hoặc yếu tố chu kỳ, mùa vụ.
Ngoài ra, các doanh nghiệp liên quan đến xuất khẩu thường có chu kỳ lợi nhuận đặc thù, không ổn định và có sự chênh lệch lớn giữa các quý, nhưng cuối năm là lúc thị trường xuất khẩu sôi động nhất nên các doanh nghiệp dự kiến ghi nhận kết quả cao vào quý IV năm nay và quý I năm sau.
Với ngành dầu khí, ông Trương Thái Đạt, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán DSC dự báo, đây là nhóm ngành sẽ đem lại kết quả kinh doanh tích cực trong 2 quý cuối năm 2023, nhất là các doanh nghiệp khai thác dầu, hoặc nhập khẩu khi giá dầu còn thấp, đang có kho dự trữ dầu lớn.
Một trong những doanh nghiệp đáng quan tâm là Công ty cổ phần Lọc Hóa dầu Bình Sơn (mã chứng khoán BSR), lượng hàng tồn kho tính đến cuối quý II/2023 trị giá 14.106 tỷ đồng, phần lớn là dầu thô giá thấp. Không chỉ vậy, mức chênh lệch (crack spread) giữa giá của 1 thùng dầu thô và sản phẩm hóa dầu đang tăng, giúp biên lợi nhuận của Lọc Hóa dầu Bình Sơn vốn đã cao nhờ có kho dự trữ dầu giá rẻ nay còn được tăng thêm từ quá trình sản xuất.
Chuyển động thực tế từ một số doanh nghiệp ngành dầu khí cho thấy triển vọng tích cực. Đơn cử, Tổng công ty cổ phần Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC, mã chứng khoán PVS) dự kiến năm nay đạt doanh thu 19.725 tỷ đồng, tăng 20,2% và lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ 794 tỷ đồng, tăng 2,7% so với năm 2022. Sang năm 2024, lợi nhuận dự kiến tăng 29,2%, lên mức 1.026 tỷ đồng, chưa tính các gói thầu tại dự án Lô B - Ô Môn.
Theo DSC, môi trường giá dầu cao đã hỗ trợ cho đà tăng của giá dịch vụ dầu khí, cũng như khơi thông lại các hoạt động thăm dò, tìm kiếm, sẽ mang lại nhiều công việc cho các doanh nghiệp thượng nguồn trong thời gian tới.
Nhóm logistics, cảng biển cũng đáng quan tâm khi kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam được nhận định sẽ hồi phục tốt trong những tháng cuối năm 2023.