vĐồng tin tức tài chính 365

Chuyện chưa kể sau những tấm ảnh đặc biệt - Kỳ 2: Người mẹ Tây Nguyên và nhạc sĩ lừng danh McCartney

2023-10-04 12:26
Nhà báo Howard Sochurek - Ảnh trên tạp chí Life

Nhà báo Howard Sochurek - Ảnh trên tạp chí Life

"Lady Madonna" từ người mẹ Tây Nguyên

Đằng sau bức ảnh đó là câu chuyện rất thú vị đã ra đời từ gần 60 năm trước, gắn liền với những nhân vật nổi tiếng thế giới. Đó là nhà báo Howard Sochurek, phóng viên ảnh người Mỹ; và Paul McCartney, nhạc sĩ kiêm ca sĩ của ban nhạc huyền thoại The Beatles, nhà sản xuất phim và âm nhạc lừng danh nước Anh.

Trên số báo tháng 1-1965, tạp chí National Geographic đăng bức ảnh với chú thích in đậm Mountain Madonna (tạm dịch là Người mẹ ở miền núi), chụp một bà mẹ ngực trần đang cho con bú và một đứa trẻ khác đang ngước nhìn mẹ.

Tác giả bức ảnh là nhà báo Howard Sochurek, thời điểm đó đang làm phóng viên cho National Geographic - một tạp chí đặc sắc ở Mỹ ra đời từ năm 1888 và vẫn phát triển đến tận nay.

Người mẹ trong ảnh này còn khá trẻ, khuôn mặt buồn và khắc khổ, nhưng cơ thể lại toát lên vẻ đẹp hoang dã với bộ ngực trần và làn da nâu rám nắng.

Bà mẹ cho con bú là hình ảnh quen thuộc, nhưng người mẹ miền núi với đứa con ngậm bầu vú trong bức ảnh có điều gì đó rất đặc biệt, khiến tác giả ảnh không gọi tên bằng những danh từ thông thường như Mother (người mẹ) hay Women (phụ nữ), mà gọi cô ấy là Madonna có nghĩa như thánh mẫu.

Điều đặc biệt ấy đã tiếp tục gây ấn tượng cho nhạc sĩ người Anh Paul McCartney. "Cô ấy có một đứa con và cô ấy trông rất tự hào. Tôi nhìn thấy điều đó giống như là Đức Mẹ... Có một sự ràng buộc, bức ảnh đó đã ảnh hưởng đến tôi. Tôi được truyền cảm hứng để viết bài hát Lady Madonna từ bức ảnh đó".

49 năm sau khi Lady Madonna ra đời và cùng ban nhạc lừng danh The Beatles cuốn hút thế giới, Paul McCartney đã tiết lộ nhân duyên ra đời bài hát nổi tiếng đó. Lần tìm trên tạp chí National Geographic, mới hay người mẹ trong bức ảnh "Mountain Madonna" là một phụ nữ dân tộc Ê Đê ở Tây Nguyên, Việt Nam.

Thật không ngờ, Lady Madonna được tạo hình từ một người mẹ Ê Đê của xứ sở Tây Nguyên. Một nơi mà vào thời điểm đó dường như nhiều người không biết nó ở đâu.

Ngay cả McCartney, khi vừa xem bức ảnh đó trên tạp chí National Geographic, ông vẫn tưởng nơi nào đó ở châu Phi. Câu chuyện thú vị trên đây được McCartney kể lại trong cuộc trả lời phỏng vấn do đích thân tổng biên tập tạp chí National Geographic thực hiện tháng 11-2017.

Lady Madonna cùng đĩa nhạc Inner Light liên tục phát hành suốt nhiều năm sau khi ra đời - Ảnh tư liệu

Lady Madonna cùng đĩa nhạc Inner Light liên tục phát hành suốt nhiều năm sau khi ra đời - Ảnh tư liệu

"Tôi băn khoăn bạn làm thế nào để kiếm sống"

"Lady Madonna, những đứa trẻ dưới chân bạn. Tôi băn khoăn bạn làm thế nào để kiếm sống. Ai người tìm kiếm thức ăn để giúp bạn xoay xở. Bạn nghĩ đó là món quà từ trời cao?...".

Đó là đoạn mở đầu của Lady Madonna, bài hát về người mẹ vất vả nuôi đàn con, với bao thứ lo toan thường trực mỗi ngày, khi mà đường sống của họ luôn bị đe dọa.

"Lady Madonna, đứa bé đang ngậm vú của bạn. Tôi băn khoăn bạn làm thế nào để nuôi những đứa con còn lại". Điệp khúc đó cứ lặp đi lặp lại như một nỗi day dứt.

Paul McCartney viết bản nhạc này vào tháng 1-1968 và thu âm vào tháng 2-1968 do McCartney hát cùng giọng ca huyền thoại John Lennon. Tháng 3-1968, ca khúc được phát hành trong đĩa nhạc The Inner Light.

Ngay sau khi phát hành, bài hát đã chiếm vị trí dẫn đầu các bảng xếp hạng âm nhạc ở Anh vào cuối tháng 3-1968. Tiếp đó, Lady Madonna lọt vào top 4 bảng xếp hạng Billboard Hot 100 vào đầu tháng 5-1968 ở Mỹ.

Nỗi day dứt Lady Madonna tiếp tục thu hút người hâm mộ trên khắp thế giới và trở thành bản rock n'roll kinh điển của ban nhạc The Beatles. Nhiều người Việt hâm mộ The Beatles đã say sưa hát Lady Madonna trong suốt mấy chục năm qua mà không biết rằng, bài hát đó ra đời từ hình ảnh người mẹ Tây Nguyên.

Trong cuốn sách Many Years From Now, McCartney đã tâm sự: "Tôi nghĩ phụ nữ rất mạnh mẽ. Họ chịu đựng rất nhiều điều vất vả, nỗi đau khi sinh con, nuôi nấng nó, nấu nướng cho nó. Họ là những người khốn khổ trong suốt cuộc đời mình, vì vậy tôi muốn tôn vinh họ".

Năm đó, 1968, Paul McCartney mới 26 tuổi, rất trẻ trung và lãng tử. Còn Howard Sochurek, người chụp bức ảnh, 44 tuổi, đã là phóng viên chiến trường rất dày dạn.

Bức ảnh Mountain Madonna - Ảnh: Howard Sochurek/National Geographic

Bức ảnh Mountain Madonna - Ảnh: Howard Sochurek/National Geographic

Người mẹ ấy ở buôn Briêng

Theo nội dung bài báo, bức ảnh này được chụp tại buôn Briêng, một buôn người Ê Đê phía bắc Buôn Ma Thuột. Ngày nay buôn Briêng thuộc xã Ea Nam, huyện Ea H'Leo, Đắk Lắk.

Tác giả bức ảnh là Howard Sochurek, phóng viên ảnh chiến trường người Mỹ ở Thái Bình Dương trong chiến tranh thế giới thứ hai. Năm 1950, ông làm phóng viên ảnh cho Life, một tạp chí Mỹ nổi tiếng về hình ảnh. Howard đến Việt Nam năm 1953, đưa tin chiến tranh Đông Dương.

Ông là tác giả bộ ảnh những người lính Pháp cuối cùng rút khỏi miền Bắc tại cảng Hải Phòng ngày 15-5-1955 đăng trên Life. Sau đó, Howard Sochurek tiếp tục trở lại để đưa tin và chụp ảnh chiến tranh Việt Nam. Thời điểm 1964 - 1965, ông đang làm phóng viên cho tạp chí National Geographic.

Trên số báo tháng 1-1965, National Geographic giới thiệu Howard Sochurek rất trân trọng.

"Câu chuyện lịch sử mà ông mang về không chỉ thể hiện kỹ năng phóng sự đã mang lại cho Sochurek giải thưởng Robert Capa vào năm 1955 vì "nghệ thuật chụp ảnh siêu hạng đòi hỏi lòng dũng cảm đặc biệt và khả năng mạo hiểm", mà còn thể hiện một điều cần thiết khác cho sự thành công: khả năng kỳ lạ để có mặt trong đúng chỗ, vào đúng thời điểm".

Thời điểm Howard chụp bức ảnh này là ngày 19-9-1964, Tây Nguyên đang xảy ra biến động lớn. Howard đã đến một đồn trại của lực lượng đặc biệt đóng ở buôn Briêng.

Giữa rất nhiều hình ảnh chiến sự gay cấn của trận chiến mà Howard đã chụp tại buôn Briêng lại xuất hiện một hình ảnh thật khác lạ.

Đó là hình ảnh người mẹ Ê Đê ngực trần cho con bú, mà Howard gọi là "Mountain Madonna" - Người mẹ ở miền núi. Một hình ảnh thanh bình như thể không liên quan gì đến bài phóng sự mà Howard Sochurek viết về một trận chiến căng thẳng.

Một hình ảnh gắn liền với cuộc chiến, ra đời giữa cuộc chiến, nhưng lại mang thông điệp yêu thương, để ra đời một tác phẩm âm nhạc ca ngợi vẻ đẹp thiêng liêng và bất tử của người mẹ.

Khi sắp lấy được bằng tốt nghiệp Đại học Princeton, Howard quyết định bỏ ngang và đi làm nhiếp ảnh gia báo chí. Tạp chí Life đã điều anh đến Triều Tiên đưa tin cuộc chiến ở đó. Mặc dù chưa được huấn luyện, nhưng Howard vẫn nhảy dù ra khỏi chiếc máy bay C-119 xuống chiến địa.

Khi mẹ lâm bệnh, Howard rời Đông Dương để về gặp bà. Một phóng viên ảnh khác là Robert Capa đã thay thế anh ta và bị giết bởi một quả mìn (ở tỉnh Thái Bình, ngày 25-5-1954 - PV).

"Tôi cảm thấy mình chịu trách nhiệm về cái chết của Capa. Đó là công việc của tôi nhưng anh ấy đã lãnh chịu". Năm 1994, Howard mất vì bệnh ung thư gan ở tuổi 70. (Theo The Great LIFE Photographers)

-----------------------

Một buổi chiều cách đây 15 năm, nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt ở biên viễn Lào Cai, tôi đã tình cờ chụp được tấm hình anh lính biên phòng quây quần vui vẻ bên đàn trẻ con sơn cước, một hình ảnh sinh động tự nhiên không hề dàn dựng. Không ngờ đó lại là tấm hình cuối cùng.

Kỳ tới: Bức hình cuối cùng của người lính biên phòng

Chuyện chưa kể sau những tấm ảnh đặc biệt - Kỳ 1: Bức ảnh quý của bác sĩ người Pháp về Hoàng SaChuyện chưa kể sau những tấm ảnh đặc biệt - Kỳ 1: Bức ảnh quý của bác sĩ người Pháp về Hoàng Sa

Mỗi bức ảnh luôn có chuyện đời của mình và nó càng đặc biệt hơn khi ẩn chứa ý nghĩa sâu sắc.

Xem thêm: mth.72655343230013202-yentraccm-hnad-gnul-is-cahn-av-neyugn-yat-em-iougn-2-yk-teib-cad-hna-mat-gnuhn-uas-ek-auhc-neyuhc/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Chuyện chưa kể sau những tấm ảnh đặc biệt - Kỳ 2: Người mẹ Tây Nguyên và nhạc sĩ lừng danh McCartney”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools