Bất động sản Nhật Bản hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài
Khi ngân hàng trung ương duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng khiến đồng yên Nhật giảm giá, đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bất động sản Nhật Bản tăng mạnh mẽ.
Henry Chin - người đứng đầu bộ phận nghiên cứu châu Á – Thái Bình Dương tại CBRE – cho biết: “Đây là thời hoàng kim của bất động sản Nhật Bản”.
Ông cho biết thêm rằng Nhật Bản được hưởng lợi từ chính sách tiền tệ cực lỏng lẻo, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang siết chặt lãi suất. Ông chỉ ra hai yếu tố then chốt đó là mức độ minh bạch và các nguyên tắc nền tảng vững vàng trong lĩnh vực bán lẻ và chung cư. Chung cư là loại hình bất động sản bao gồm nhiều căn hộ trong một toà nhà hoặc khu phức hợp, khác với bất động sản dành cho một gia đình với một không gian duy nhất.
Ông Chin giải thích rằng chính các điều khoản cho vay thuận lợi đã thúc đẩy nhu cầu trong lĩnh vực bất động sản của nước này. Trong đó, tỷ lệ cho vay trên giá trị ở mức 70% và lãi suất cho vay dao động quanh mức 1%.
Và một yếu tố khác không thể không nhắc đến là đồng yên Nhật rẻ.
Việc giữ lãi suất chuẩn ở mức -0,1% của ngân hàng trung ương Nhật Bản đã khiến quốc gia này khác biệt hẳn so với các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới. Các quốc gia khác đã tăng mạnh lãi suất trong 2 năm qua để kiềm chế lạm phát leo thang. Hậu quả là đồng yên giảm hơn 11% so với đồng USD.
Giám đốc nghiên cứu thị trường vốn Nhật Bản Koji Nato của JLL cho biết: “Trong quý 1/2023, số lượng nhà đầu tư nước ngoài tăng 100% so với cùng kỳ năm ngoái”.
Trong báo cáo mới đây, JLL cho biết hoạt động giao dịch bất động sản ở Nhật Bản thuộc nhóm sôi nổi nhất thế giới trong năm nay. Lý do cũng nằm ở chính sách lãi suất, thứ được cho là có tác dụng “giữ đà phục hồi của bất động sản nước này”.
Công ty dịch vụ bất động sản này lưu ý rằng các nhà đầu tư nước ngoài đã tăng gấp đôi số tiền rót vào lĩnh vực nhà đất của Nhật Bản. Số tiền này lên tới 2 tỷ USD trong quý 1/2023, gấp đôi so với năm ngoái.
Khách sạn hay văn phòng?
Trong một báo cáo tháng 9 của Knight Frank, sự phục hồi của ngành du lịch Nhật Bản hậu đại dịch làm gia tăng lượt đặt phòng và đầu tư vào khách sạn.
Ngoài ra, các khoản đầu tư vào khách sạn còn được thúc đẩy sau khi Nhật Bản bật đèn xanh cho hoạt động xây dựng các khu nghỉ dưỡng ở Osaka. Dự án này nhằm thu hút cả du khách quốc tế và tăng chi tiêu nội địa.
Knight Frank lưu ý, lĩnh vực logistic của Nhật Bản cũng “tăng trưởng ấn tượng” do thương mại điện tử phát triển mạnh. Lĩnh vực logistic cần đến các trung tâm phân phối, nhà kho và các cơ sở lưu trữ khác.
Theo ông Chin của CBRE, lĩnh vực bán lẻ đang tăng cường thuê mặt bằng. Các nhà đầu tư đang xem xét thị trường sơ cấp và thứ cấp ở Tokyo và Osaka, nơi nhu cầu cho thuê quay trở lại khi du khách ngày một đông.
Những ai đang đầu tư vào Nhật Bản?
Giám đốc nghiên cứu APAC của Knight Frank cho biết Singapore là quốc gia đầu tư nhiều nhất vào bất động sản thương mại của Nhật Bản trong năm 2023. Tính đến hiện tại, các thương vụ mua lại có tổng trị giá tới 3 tỷ USD.
Theo dữ liệu từ Knight Frank, Mỹ là nhà đầu tư lớn thứ hai vào Nhật Bản với 2,58 tỷ USD và Canada đứng thứ ba với khoản đầu tư trị giá 1 tỷ USD.
Vậy các khoản đầu tư này sẽ còn chảy vào Nhật Bản trong bao lâu?
Ông Chin của CBRE nhấn mạnh rằng rất khó để dự đoán những bước ngoặt. Giá cả có thể “cực kỳ nhạy cảm” với bất kỳ một đợt tăng lãi suất nào. Tuy nhiên, ông vẫn giữa thái độ lạc quan. “Chúng tôi kỳ vọng sẽ chứng kiến các nhà đầu tư tiếp tục rót vốn vào Nhật Bản. Và điều này khó có thể thay đổi trong vài quý tới”, ông nói.
Tham khảo CNBC