Liên quan việc "giang hồ mạng" Phú Lê mặc trang phục giống vua, quan lên phát biểu, tặng quà, hát trong chương trình Trung thu ở Trường phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học và THCS Làng Nhì, trao đổi với Tuổi Trẻ Online chiều 4-9, một lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Trạm Tấu (tỉnh Yên Bái) cho biết đơn vị đã có báo cáo Huyện ủy và UBND huyện về sự việc.
Theo đó, ngày 25-9, Trường Làng Nhì được một người dân ở xã Phình Hồ (huyện Trạm Tấu) giới thiệu có đoàn thiện nguyện mong muốn tổ chức đêm Trung thu cho các em học sinh và nhà trường đã nhận lời.
Sau khi liên hệ, trao đổi thống nhất với đoàn thiện nguyện, hiệu trưởng nhà trường đã báo cáo lãnh đạo Đảng ủy xã Làng Nhì về thành phần đoàn thiện nguyện, danh mục quà tặng cho học sinh và thời gian tổ chức.
Đồng thời chỉ đạo giáo viên tổng phụ trách Đội xây dựng chương trình kịch bản để thực hiện vào 17h ngày 28-9.
Khi đoàn từ thiện lên, nhà trường và đoàn đã thống nhất nội dung chương trình và tiến hành theo kịch bản, nội dung mang tính lành mạnh và đúng ý nghĩa xoay quanh chủ đề vui Tết Trung thu cho học sinh.
Trong chương trình Trung thu, ông Phú Lê mặc bộ quần áo dài màu vàng in hoa văn, đầu đội mũ đỏ (giống trang phục của vua, quan thời xưa) - đại diện đoàn thiện nguyện - lên phát biểu, trao quà và hát tặng học sinh.
Đồng thời trong quá trình tổ chức chương trình có các thành viên trong đoàn quay phim, chụp ảnh và đăng tải hình ảnh, clip lên mạng xã hội, nên dẫn đến những ý kiến bình luận trái chiều về chương trình tổ chức Trung thu tại Trường Làng Nhì.
Nội dung phát biểu và 2 bài hát của ông Phú Lê đều tập trung vào vui Tết Trung thu đối với học sinh của trường, không tuyên truyền nội dung xấu ảnh hưởng đến học sinh.
Đoàn từ thiện đã phối hợp với trường tổ chức cho hơn 500 học sinh ăn cơm chiều và mỗi em được tặng một túi bánh trung thu, một đèn ông sao.
Theo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Trạm Tấu, để xảy ra sự việc trên là do sơ suất của ban giám hiệu nhà trường chưa nhận thức đầy đủ, chưa chủ động nắm bắt thông tin về các cá nhân trong đoàn thiện nguyện, chưa kiểm soát tình hình, chưa quy định về trang phục đối với các thành phần tham dự Tết Trung thu.
Sau sự việc trên, đơn vị đã chỉ đạo và yêu cầu trường nghiêm túc rút kinh nghiệm và có ý kiến với đoàn thiện nguyện để gỡ bài và không đăng tải lên các trang mạng xã hội những hình ảnh, clip đã được chụp và quay trong chương trình.
Đồng thời chỉ đạo các đơn vị trường học khi có bất kỳ một tổ chức, cá nhân nào liên hệ lên tặng quà và tổ chức các hoạt động cho giáo viên, học sinh tại nhà trường cần phải báo cáo ngay về phòng và các cấp có thẩm quyền để nắm bắt, xem xét.
Ngày 3-10, UBND tỉnh Yên Bái đã có công văn gửi các sở, ngành, địa phương về việc tăng cường công tác quản lý các hoạt động văn hóa, văn nghệ, biểu diễn nghệ thuật, thiện nguyện và tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh.
Phú Lê (tên thật là Lê Văn Phú, quê ở Yên Bái) từ lâu vốn được biết đến như một hiện tượng nổi lên nhờ mạng xã hội, từng tham gia một số phim ngắn, video ca nhạc về đề tài giang hồ với nhiều cảnh quay bạo lực, phản cảm.
Được mệnh danh là "giang hồ mạng", người này thường xuyên đăng tải những hình ảnh và video clip đeo đầy trang sức vàng trên người thể hiện sự giàu có, cũng như liên tục rao giảng về "tình nghĩa anh em", "nghĩa khí giang hồ" trên mạng xã hội.
Tháng 8-2020, Phú Lê bị công an bắt giữ để điều tra về hành vi cố ý gây thương tích, do có liên quan đến việc hành hung 2 phụ nữ lớn tuổi xảy ra tại huyện Đan Phượng, Hà Nội.
Tuy nhiên, do gia định bị hại rút đơn yêu cầu khởi tố, TAND huyện Đan Phượng đã ra quyết định đình chỉ vụ án và thả tự do Phú Lê cùng 2 đàn em.
TTO - Bước đầu tại cơ quan công an, vợ chồng Phú Lê đã thừa nhận liên quan đến vụ hành hung hai người thân của 'hot girl xăm trổ' Đào Chile ở huyện Đan Phượng, Hà Nội.