Tương tự, liệu có hành khách nào dám bước lên chuyến xe Thành Bưởi đã bị tước phù hiệu ba lần, tài xế bị tước bằng ba tháng nhưng vẫn cầm lái để rồi gây tai nạn thảm khốc làm năm người chết tại Đồng Nai?
Câu trả lời chắc chắn là KHÔNG!
Bởi không ai dại dột giao sinh mệnh của mình cho những chuyến xe và tài xế chạy ẩu. Nhưng vì thiếu thông tin, rất nhiều hành khách vẫn đang bước lên những chuyến xe mà họ không thể biết phương tiện và tài xế đó có đủ an toàn, pháp lý để chuyên chở sinh mệnh của mình.
Đó là sự trớ trêu nhưng nó vẫn diễn ra nhiều tháng qua. Vụ tai nạn thảm khốc do xe Thành Bưởi gây ra từ chiếc xe ba lần bị tước phù hiệu, được lái bởi tài xế bị tước bằng là giọt nước tràn ly cho việc thiếu thông tin này. Nhưng bao giờ hành khách được lựa chọn những chuyến xe có thông số an toàn thông qua dữ liệu hành trình vẫn là câu hỏi chưa được trả lời.
Việc bắt buộc xe kinh doanh vận tải phải lắp thiết bị GPS để giám sát hành trình là yêu cầu tiến bộ và tốn nhiều chi phí. Vậy nhưng theo nhiều chuyên gia, dữ liệu từ GPS hành trình hiện chưa được khai thác đúng và hiệu quả cho mục đích an toàn giao thông, vì tính mạng con người mà chủ yếu để tra cứu; biện pháp "rắn" nhất là tước phù hiệu nếu vượt tốc độ 5 lần/1.000km (nhưng cũng sẽ được cấp lại ngay sau đó).
Lẽ ra dữ liệu này phải được dùng để xử lý vi phạm tốc độ, chạy sai lộ trình, đi vào đường cấm và giờ cấm, đón trả khách sai quy định. Có thế mới giảm thiểu được các vụ tai nạn giao thông, số người chết, những vụ tai nạn tang thương thời gian qua.
Những bất cập này thực tế đã không ít lần được trao đổi, kiến nghị. Gần nhất, Sở GTVT TP.HCM đã báo cáo đề xuất và UBND TP.HCM đề nghị Bộ GTVT xử lý một số vướng mắc. Bộ GTVT sau đó cũng có phản hồi, tiếp thu. Tuy nhiên, trong thực tế vẫn còn nhiều bất cập và người dân chưa thể tiếp cận đủ thông tin để loại trừ những chuyến xe, tài xế không an toàn.
Có thể còn có những lo ngại việc công khai thông số, phân tích dữ liệu hành trình sẽ làm phức tạp, "mua thêm việc" cho cơ quan quản lý, thậm chí xem đó là "bí mật" doanh nghiệp.
Nhưng xin thưa, khi người dân đủ thông tin thì nhà nước sẽ nhẹ việc, vì chính họ sẽ thay nhà nước "siết" để các doanh nghiệp vận tải tuân thủ quy định, lề lối hơn. Chỉ số từ dữ liệu hành trình sẽ như một "PCI" (năng lực cạnh tranh cấp tỉnh), tạo ra cuộc đua lành mạnh. Khi đó, chính hành khách sẽ sàng lọc, tạo áp lực để các doanh nghiệp vận tải phải làm đẹp chỉ số, tăng năng lực cạnh tranh của mình.
Dữ liệu hành trình không phải là bí mật quốc gia, càng không phải là đặc quyền để chỉ một vài nơi nào nắm giữ. Nhìn vào thực tế Việt Nam, dữ liệu hành trình chính là rào chắn góp phần bảo vệ sinh mạng người dân trên khắp nẻo đường. Xử lý và công khai dữ liệu hành trình chính là giữ gìn tính mạng của mọi người khi tham gia giao thông.
Qua dữ liệu hành trình, chúng ta biết nhà xe và tài xế vi phạm mà chẳng làm gì được họ, thật khó hiểu. Nhưng điều ai cũng hiểu đó là đằng sau dữ liệu hành trình chính là sinh mạng người dân.
Đội trưởng an toàn giao thông của doanh nghiệp xe khách chạy quá tốc độ 6.000 lần/tháng cho rằng cần có chế tài xử lý nghiêm tài xế, bởi họ trực tiếp lái xe trên đường.