Ba tuần sau vụ hỏa hoạn cháy chung cư mini, chị mới được gặp con trai một lần, hai mẹ con vẫn chờ ngày đoàn tụ.
3 phút ngắn ngủi quyết định cú nhảy định mệnh
Trong căn phòng trọ nhỏ vừa được chính quyền địa phương tìm giúp để tá túc sau khi ra viện, chị T. nằm gọn, hạn chế vận động bởi vết thương chưa lành. Mọi chuyện lớn nhỏ nhờ cả vào mẹ chị.
Toàn thân chị giờ đây chằng chịt những vết khâu, thâm tím và chiếc đai cố định sống lưng. Khẽ nhấc người chuyển tư thế cho đỡ nhức mỏi, chị T. nói mình vẫn còn may mắn khi còn nằm đây để nói chuyện với mọi người.
"Không ai nghĩ rằng khi nhảy từ tầng 9 xuống, tôi lại có thể bình phục như ngày hôm nay. Các bác sĩ cũng nói tôi quá may mắn, chỉ một chút nữa thôi có thể tôi sẽ liệt nửa người", chị T. nói.
Chị T. chia sẻ chị mua căn chung cư mini từ năm 2016 với giá 700 triệu đồng để hai mẹ con ở. "Căn của tôi ở tầng 9, thoáng gió nên bao nhiêu năm sinh sống rất thoải mái. Thế nhưng không ngờ chính vì thoáng gió nên khi xảy ra hỏa hoạn, căn hộ lại "đón" khói nhiều hơn", chị T. nói.
Nhớ lại đêm xảy ra hỏa hoạn, chị T. kể lại do căn hộ ở tầng 9 nên không nghe tiếng mọi người hô hoán, chỉ đến khi con trai (17 tuổi) nghe tiếng nổ lớn, thấy khói mới gọi mẹ nói hình như có cháy.
"Lúc ấy, tôi chỉ kịp mở cửa ra thấy khói bốc lên đen kịt. Tôi vội đóng cửa lại, đến bếp khóa lại bình gas, ngắt cầu dao điện. Thế nhưng do cánh cửa căn hộ bị vênh một khoảng lớn, gió lùa thổi khói vào nhà, không thể nào ngăn được.
Tôi cố gắng bình tĩnh suy nghĩ, với lượng khói ấy nếu hai mẹ con vẫn ở trong nhà sẽ chết vì ngạt khói. Cũng không biết cháy bắt đầu từ đâu nên chỉ còn một cách để sống là nhảy khỏi tòa nhà.
Sau đó, tôi đến gỡ tấm cửa lối ban công phơi quần áo, nhìn sang phía căn nhà 6 tầng bên cạnh.
Trong ánh đèn lập lờ, tôi chỉ có thể phán đoán, áng chừng vị trí nhảy xuống. Lúc đó, tôi nói với con trai: "Giờ không nhảy mẹ con mình cũng chết, nhảy may ra còn cơ hội sống".
Rồi hai mẹ con quyết định nhảy từ ban công tầng 9 xuống tầng 6 tòa nhà, tôi nhảy trước rồi đến con trai. Tất cả mọi chuyện xảy ra vỏn vẹn trong khoảng 3 phút", chị T. kể lại.
Sau khi nhảy khỏi tòa nhà, hai mẹ con chị T. bất tỉnh cho đến khi được lực lượng cứu hộ đưa xuống và đưa đi cấp cứu. Khi được cứu hộ tìm thấy, chị T. bắt đầu có ý thức trở lại.
"Lúc ấy, tôi cảm nhận được từng vị trí bị thương trên cơ thể. Vào viện, bác sĩ nói tôi bị gãy tay, gãy xương chậu, chấn thương sống lưng… nguy cơ có thể sẽ bị liệt do tổn thương tủy sống", chị T. nói.
Ngay trong đêm ấy, chị T. trải qua ca phẫu thuật đầu tiên. Một ngày sau, bác sĩ hội chẩn chị đã qua cơn nguy kịch, khả năng có thể phục hồi. Sau đó, chị trải qua ca phẫu thuật thứ hai. Sau gần 2 tuần điều trị, chị T. được ra viện.
Mong rằng không còn thảm họa nào nữa
Đến nay, con trai chị vẫn đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Cháu bị chấn thương gót chân, xương chậu…, sau phẫu thuật bị nhiễm trùng nên thời gian điều trị dài hơn.
"Hôm được ra viện, tôi nhờ mọi người đưa sang bệnh viện thăm con. Nhìn thấy con, mọi đau đớn đã trải qua đều tan biến, dặn dò con cố gắng điều trị để về với mẹ. Đó cũng là lần duy nhất hai mẹ con gặp mặt từ ngày xảy ra hỏa hoạn đến nay", chị T. bộc bạch.
Giờ đây, chị T. lo lắng sẽ phải mất nhiều thời gian để hồi phục sức khỏe. Công việc kế toán trước đây của chị cũng khó để xin làm lại. Và lo lắng hơn cả là cậu con trai nhỏ sẽ quay trở lại trường, chuẩn bị cho kỳ thi cấp 3 sắp tới ra sao.
Gạt đi những lo lắng ấy, chị T. chỉ ước mong một điều sẽ không còn một thảm họa nào như vậy nữa.
"Khi mọi chuyện chưa xảy ra, không ai nghĩ rằng chuyện ấy lại có thể xảy ra với mình, gia đình và người thân của mình. Những người đã không may mắn mất đi trong vụ hỏa hoạn là lời cảnh tỉnh cho tất cả. Nếu chung cư của tôi có báo cháy, có lối thoát hiểm, có lẽ sẽ không thiệt hại nhiều đến vậy", chị T. chia sẻ.
"Khi ấy tôi nghĩ nếu hy sinh, nhất định tôi sẽ hy sinh trong màu áo lính", hạ sĩ Nguyễn Quốc Trung, chiến sĩ bị thương khi làm nhiệm vụ tại vụ cháy chung cư mini trong ngõ 29 Khương Hạ, nhớ lại.