Những ngày cuối tháng 9-2023, phóng viên Tuổi Trẻ đã thâm nhập các bãi cát trái phép, bãi cát có phép nhưng khai thác cát lậu rất công khai, bát nháo...
Chưa xong thủ tục đã... múc cát
Trưa 27-9, phóng viên đã thâm nhập bãi khai thác cát rộng hơn chục ha nằm lọt thỏm giữa rừng keo lá tràm, cao su (thuộc thôn 2, xã Gia Huynh, huyện Tánh Linh).
Để vào được bãi cát này chỉ có đường đất độc đạo nối từ đường liên huyện đang làm Gia Huynh - Đông Hà (huyện Đức Linh). Ngoài những đống cát khổng lồ đã được tuyển rửa còn có lán trại, máy móc, nhân công túc trực liên tục. Giữa trưa, nhiều máy múc liên tục lấy cát từ bãi tập kết đổ đầy lên những chiếc xe "hổ vồ" (Howo) rồi chở đi tiêu thụ. Sau khi được múc đầy, một chiếc xe ben loại "bốn giò" mang biển số tỉnh Đồng Nai chậm rãi "mò" trên đường đất, xuyên qua các lô cao su trước khi đổ ra đường nhựa nối từ xã Gia Huynh đến xã Đông Hà để tăng tốc về hướng tỉnh Đồng Nai.
Xe chở cát cứ ra vào liên tục trong thời gian dài khiến nhiều đoạn đường đất bị băm nát, hằn lún sâu, sình lầy... Người dân địa phương cho biết xe chở cát tại đây chạy ngày chạy đêm.
Bãi cát mênh mông này của ai? Theo các đầu mối, phóng viên biết được thuộc sở hữu của ông Bình "cát" - nổi tiếng khai thác, buôn bán cát nhiều năm qua ở địa phương. Ông có tên đầy đủ là Bùi Ngọc Bình - giám đốc Công ty TNHH xăng dầu Đức Tín, đóng tại xã Đức Tín, huyện Đức Linh (Bình Thuận). Ông Bình có giấy khai thác cát xây dựng (khai thác cát lộ thiên - PV) do UBND tỉnh Bình Thuận cấp ngày 4-12-2019. Doanh nghiệp này được cấp quyền khai thác trên diện tích 15ha, công suất 40.000m3/năm, trong thời gian 7 năm 10 tháng sau khi đã hoàn tất thủ tục đất đai, xây dựng.
Tuy nhiên đến thời điểm viết bài, doanh nghiệp của ông Bình vẫn chưa hoàn thiện thủ tục đất đai, tức chưa đủ điều kiện để khai thác khoáng sản. Doanh nghiệp này cũng chưa lắp trạm cân, camera theo quy định.
Vậy nhưng tại thời điểm phóng viên có mặt ở bãi cát này có hàng chục máy móc hoạt động, liên tục khai thác cát đưa đi tiêu thụ. Tại nhiều khu vực đất đã bị múc sâu xuống 1-2m, rộng nhiều ha... Tương tự, bãi cát gần 4ha (công suất 25.000m3/năm) tại thôn 1, xã Gia Huynh, thuộc sở hữu của Công ty TNHH sản xuất - thương mại - dịch vụ Hoàng Long do ông Đặng Hoàng Long làm giám đốc (trú thị trấn Lạc Tánh, huyện Tánh Linh) cũng lợi dụng giấy phép để khai thác cát lậu.
Tại đây dù đã rầm rộ thi công từ cuối năm 2022 nhưng hiện nay doanh nghiệp vẫn chưa thực hiện việc xây dựng đường vận chuyển, trạm cân, camera theo quy định. Đáng nói xung quanh bãi cát được cấp phép này là lởm chởm những bãi khai thác trái phép khác nằm lọt thỏm giữa rừng cao su. Ông Đặng Hoàng Long thừa nhận có mua thêm một số diện tích đất nông nghiệp xung quanh bãi cát được cấp phép để "kiếm thêm chút đỉnh".
Xử lý không xuể?
Ngoài việc lợi dụng giấy phép khai thác để làm lậu thì nhiều doanh nghiệp cũng lợi dụng để khai thác ngoài phạm vi cho phép, gây ảnh hưởng môi trường. Trong số này, mỏ cát Tân Nghĩa tại thị trấn Tân Nghĩa, huyện Hàm Tân của Công ty TNHH Lan Thu Hà có dấu hiệu khai thác ngoài diện tích.
Theo đó năm 2009, Công ty TNHH Lan Thu Hà được UBND tỉnh Bình Thuận cấp phép khai thác cát xây dựng trên diện tích 12,2ha, công suất 40.000m3/năm. Đến tháng 12-2017, doanh nghiệp này được gia hạn thêm 7 năm đối với mỏ khai thác này với cùng công suất, diện tích. Theo báo cáo mới đây của UBND huyện Hàm Tân, doanh nghiệp này chỉ đủ điều kiện khai thác trên diện tích 7,2/12,2ha được UBND tỉnh Bình Thuận cấp phép.
Tuy nhiên, tại hiện trường, qua khảo sát thì doanh nghiệp này có dấu hiệu mở rộng khai thác nhiều diện tích ngoài phạm vi được cấp phép, chưa đủ điều kiện khai thác. Phóng viên đã liên hệ trực tiếp, xin gặp chủ doanh nghiệp để nêu những nghi vấn trên nhưng không được chấp nhận. Khi đặt câu hỏi về việc doanh nghiệp khai thác ngoài phạm vi thì cả lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hàm Tân và lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường không trả lời.
Về công tác quản lý khoáng sản ở địa bàn, ông Dương Quý Bắc - trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tánh Linh - cho biết ngày 13-7-2023 UBND huyện đã ra quyết định xử phạt hành chính số tiền 40 triệu đồng đối với Công ty TNHH xăng dầu Đức Tín vì đã có hành vi hủy hoại đất trên diện tích hơn 4.100m2. Doanh nghiệp này bị buộc phải khôi phục hiện trạng do hành vi hủy hoại đất, làm biến dạng địa hình.
"Sắp tới doanh nghiệp của ông Bình còn bị xử phạt hành chính số tiền khoảng 90 triệu đồng vì vi phạm đất đai, không lắp trạm cân và camera. Ngành chức năng còn nghiêm cấm ông Bình được khai thác cát trước khi khôi phục hiện trạng, hoàn thiện thủ tục", ông Bắc nói. Về việc mỏ cát của ông Bình vẫn rầm rộ khai thác và ông Đặng Hoàng Long khai thác cát lậu ngoài phạm vi được cấp phép, ông Bắc nói sẽ phối hợp đi kiểm tra xử lý.
Trong khi đó, bà Phan Thị Xuân Thu - phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận - khẳng định dù ngành đã rất quyết liệt nhưng việc ngăn chặn khai thác cát lậu chưa triệt để. Cụ thể là địa phương nhiều lần mật phục kiểm tra và phát hiện nhiều trường hợp khai thác lậu. Từ năm 2019 đến nay tình trạng cát tặc đã thuyên giảm hơn.
Đối với mỏ cát của ông Bình đã bị xử phạt vi phạm hành chính, yêu cầu địa phương theo dõi, giám sát. Còn mỏ cát của Công ty Hoàng Long đã có trong kế hoạch kiểm tra năm 2023 của sở, nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý theo đúng quy định.
Buộc di dời 5.000m3 cát ra khỏi khu dân cư
Ngoài việc khai thác cát khi chưa đủ thủ tục tại huyện Tánh Linh, ông Bùi Ngọc Bình còn chở 5.000m3 cát về tập kết trái phép tại khu vực Bàu Sen (thị trấn Đức Tài, huyện Đức Linh). Hiện bãi tập kết cát của ông Bình đã bị lập biên bản xử phạt hành chính, địa phương yêu cầu ông di chuyển khối lượng cát này đi nơi khác trong tháng 10-2023.
"Sau thời gian này, nếu ông Bình không thực hiện sẽ bị cưỡng chế" - ông Nguyễn Minh Nghị, chủ tịch UBND thị trấn Đức Tài, khẳng định. Nói thêm về việc khu vực Bàu Sen có một số điểm khai thác cát lậu, ông Nghị nói do một số cá nhân nạo vét ao, cải tạo đất rồi lén chở cát đi bán. "Địa phương sẽ kiểm tra và xử lý", ông Nghị cam kết.
Xử phạt nhiều tỉ đồng vẫn tái phạm
Bà Phan Thị Xuân Thu - phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận - cho biết tỉnh có 37 giấy phép khai thác khoáng sản cát làm vật liệu xây dựng thông thường còn hạn. Trong năm 2022, sở cùng đoàn liên ngành của tỉnh tổ chức bảy cuộc kiểm tra về khai thác cát, ra một quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền hơn 77 triệu đồng đối với một trường hợp khai thác cát trái phép ở thị xã La Gi.
Ngoài ra, Công an tỉnh tham mưu xử phạt 28 vụ với số tiền trên 2,5 tỉ đồng, kiến nghị khởi tố một vụ tại huyện Hàm Tân. Trong chín tháng đầu năm 2023 đã xử lý 16 đơn vị với tổng số tiền 1,5 tỉ đồng và tước quyền sử dụng hai giấy phép khai thác khoáng sản; chuyển năm vụ sang Công an tỉnh xử lý theo quy định.
Để ngăn chặn nạn khai thác cát trái phép, bà Thu nói đã được UBND tỉnh phân công cụ thể cho các cơ quan chức năng thuộc tỉnh, các cấp chính quyền địa phương. Tuy nhiên, có tình trạng các địa phương chưa quyết liệt ngăn chặn khai thác cát trái phép.
Theo WWF - Việt Nam, việc khai thác, bù đắp cát ở Đồng bằng sông Cửu Long chênh lệch cực lớn. Mỗi năm mất đi 35-55 triệu m3, bù đắp chỉ 2-4 triệu m3.