Theo quy định mới về hóa đơn điện tử tại Nghị định 123 của Chính phủ và Thông tư 787 của Bộ Tài chính, doanh nghiệp sẽ không được xuất hóa đơn cách số hay lùi ngày. Cụ thể, sau khi nhập dữ liệu, xuất hóa đơn, doanh nghiệp sẽ thực hiện ký số và gửi lên cơ quan Thuế để thực hiện cấp mã, sau đó gửi hóa đơn cho người mua.
Như vậy, ngay tại thời điểm xuất hóa đơn, doanh nghiệp phải lập tức gửi hóa đơn điện tử lên cơ quan thuế để đảm bảo hóa đơn có giá trị pháp lý. Điều này đang gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Tại hội thảo, đại diện Tập đoàn Masan cho biết, để đáp ứng thực hiện quy định xuất hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, hệ thống siêu thị của tập đoàn có thể phải xuất tới 18 triệu hóa đơn điện tử trong 1 tháng, doanh nghiệp phải đầu tư hạ tầng, đường truyền với chi phí hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Điều này gây khó khăn trong việc kinh doanh của doanh nghiệp.
Cùng hoàn cảnh, đại diện Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Daiichi Life Việt Nam bày tỏ đang gặp khó khăn khi thực hiện định dạng hóa đơn điện tử theo yêu cầu của ngành thuế. Theo đó, doanh nghiệp không nhận được sự hỗ trợ kịp thời của cơ quan thuế khi thay đổi định dạng hóa đơn điện tử theo yêu cầu của cơ quan thuế.
Do đó, doanh nghiệp phải loay hoay tự làm và gặp nhiều vướng mắc. Chính vì vậy, Daichi đề nghị cơ quan thuế cập nhật danh sách doanh nghiệp bỏ trốn, doanh nghiệp có hóa đơn điện tử bất hợp pháp và cảnh báo sớm. Điều này nhằm giúp doanh nghiệp không phải sửa lại tờ khai thuế nhiều lần.
Trước những khó khăn trên, ông Đặng Ngọc Minh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế ghi nhận kiến nghị của doanh nghiệp về xuất hoá đơn từ máy tính tiền. Cơ quan thuế sẽ nghiên cứu, sửa đổi phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.
Ông Đặng Ngọc Minh cho biết, hiện nay vẫn có doanh nghiệp “ma” tồn tại, vì vậy ngành thuế bổ sung thêm trường hợp bị dừng xuất hóa đơn điện tử và mong muốn lắng nghe ý kiến doanh nghiệp về quy định này.
Xem thêm: lmth.957926a-ut-neid-nod-aoh-gnud-us-gnugn-poh-gnourt-5-taux-ed/nv.nitaudiougn.www